Sáng 23/2, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Ngành y vượt khó". Toạ đàm được tổ chức để cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, hy sinh, mất mát của đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân trong bối cảnh khó khăn của ngành, đồng thời đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại.
Mong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sớm đi vào cuộc sống
Khách mời tham gia buổi Tọa đàm có: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; GS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai; GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức.
Tại buổi Tọa đàm, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia sẻ những thông tin liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian vừa qua.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, năm 2022, bệnh viện đã thực hiện khám bệnh, phẫu thuật, điều trị với trên 79.000 ca. Con số này cho thấy, khối lượng công việc rất lớn, không nhiều bệnh viện trên thế giới làm được.
Tuy nhiên, năm qua do vướng mắc về cơ chế, chính sách để mua hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế dẫn đến bệnh viện gặp khó trong việc điều trị cho bệnh nhân.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hy vọng với sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành những khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ để bệnh viện có thể hoạt động tốt, phục vụ chăm sóc, điều trị người bệnh.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cũng phân tích những khó khăn của bệnh viện về tài chính; xây dựng cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị; vấn đề liên doanh, liên kết…
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác thăm khám, điều trị bệnh nhân, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hy vọng: "Hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mới được thông qua. Tuy nhiên chúng ta cần nhanh chóng có những văn bản pháp quy, Thông tư, Nghị định hướng dẫn sớm để Luật có hiệu lực sớm đi vào cuộc sống".
GS.TS Đào Xuân Cơ thông tin, cả tập thể bệnh viện đã tập trung ngày đêm vào công tác mua sắm thuốc men để phục vụ khối lượng bệnh nhân lớn đến từ các tuyến. "Chúng tôi mong các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp cho ngành y tế, các bệnh viện có các văn bản pháp quy hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để tự tin khám chữa bệnh', GS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Đâu là giải pháp đồng bộ?
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để giải quyết những vấn đề mà ngành y tế đang gặp phải rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đầu tiên là chúng ta phải chia sẻ với các thầy thuốc, chia sẻ với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam.
"Lương rất thấp, đời sống rất khó khăn, làm việc rất nhiều, không tính được thời gian làm thêm giờ, làm ngày làm đêm nhưng thu nhập vẫn thấp", TS. Bùi Sỹ Lợi nói.
Một vấn đề nữa mà TS. Bùi Sỹ Lợi nêu lên đó là phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để minh bạch; phải tính đúng, tính đủ về chi phí khám chữa bệnh.
Đối với việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh, theo TS. Bùi Sỹ Lợi cần lưu ý 3 vấn đề: Các bệnh viện tuyến Trung ương có nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, thì phải chi trả cho bệnh viện; phải thực hiện an sinh xã hội; đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại.
TS. Bùi Sỹ Lợi mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội, hệ thống chính trị quan tâm đến việc tổ chức, sắp xếp hệ thống y tế một cách đồng bộ; chia sẻ với ngành y tế; làm sao cơ sở y tế phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương và phải chuyển biến nhận thức của xã hội với ngành y tế.
Tại buổi Tọa đàm, nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam TS. Bùi Sỹ Lợi mong muốn tháo gỡ khó khăn để củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thầy thuốc với nhân dân và "thầy thuốc như mẹ hiền". Chúng ta cùng đồng hành, đồng lòng để giải quyết nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân, nước ta có một nền y tế vừa hiện đại, vừa nhân văn mang đầy bản sắc dân tộc.