Nhìn lại năm qua, ngành Y đã phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức, nhưng với sự cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, nhân viên Y tế, toàn ngành đã từng bước vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện sứ mệnh cao cả là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong quá trình ấy, ngành Y luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, đúng đắn của Đảng và Nhà nước…
Những chỉ đạo sâu sát, kịp thời
Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đất nước đã bước sang giai đoạn: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị không được phép chủ quan, lơ là. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, tình trạng cán bộ, nhân viên y tế chuyển việc, nghỉ việc nổi lên thành những vấn đề nóng, được cả xã hội quan tâm, chia sẻ…
Trong những thời điểm khó khăn đó, ngành Y tế đã không đơn độc, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những ý kiến chỉ đạo liên tục, kịp thời, để tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc cho ngành Y tế.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất, tại nhiều cuộc họp quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian đưa ra các ý kiến chỉ đạo về công tác y tế. Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt được tổ chức vào ngày 10/3/2022, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: "Các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong các tình huống, không để bị động, bất ngờ; đẩy nhanh hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3, có phương án tiêm vaccine mũi thứ 4 (khi cần thiết) cho người lớn; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiêm chủng an toàn cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; bảo đảm đủ thuốc và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương trong công tác điều trị, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng chống dịch COVID-19; nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, hướng dẫn thực hiện quy định về phòng chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế…".
Hay tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tổ chức vào ngày 8/7/2022 (xem xét những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những chỉ đạo hết sức sâu sát về lĩnh vực y tế: "Các bộ, ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện các quy định về nhập khẩu, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước; kịp thời có các giải pháp đồng bộ để hoàn thiện chính sách về tiền lương, phụ cấp và các chính sách đãi ngộ khác đối với cán bộ, nhân viên y tế; chủ động phòng ngừa hiệu quả và có biện pháp xử lý kịp thời bệnh viêm gan cấp ở trẻ em, dịch sốt xuất huyết, các bệnh lây nhiễm và đặc biệt không được chủ quan với các chủng COVID-19 mới xuất hiện trong nước và trên thế giới…"
Những chỉ đạo, định hướng trên không chỉ giúp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực y tế mà còn là sự động viên tinh thần rất lớn để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác, làm tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, nhân viên y tế
Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu cán bộ y tế tiêu biểu toàn quốc, đại diện cho hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, người lao động ngành Y tế cả nước, nhân dịp Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những nỗ lực, cống hiến to lớn của ngành Y tế và khẳng định: "Nhân dân có khỏe mạnh thì đất nước mới cường thịnh, dân tộc mới trường tồn, giống nòi mới được duy trì và phát triển. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về thành tựu của ngành Y trong những năm qua. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế cho mọi người dân. Các chỉ số sức khỏe của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt và tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện…
Nhiều bác sĩ của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao; đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới.
Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới, lĩnh vực y tế dự phòng cũng ngày càng phát triển, ngăn chặn được nhiều bệnh dịch nguy hiểm…
Theo Chủ tịch nước, với đà phát triển hiện nay của đất nước, đến năm 2030, khoảng 50% người dân sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu,... kỳ vọng của họ vào chất lượng dịch vụ y tế cũng sẽ cao hơn. "Làm thế nào để đáp ứng được kỳ vọng này, đồng thời chăm lo sức khỏe tốt cho những người yếu thế, người nghèo, người ở vùng miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa là trách nhiệm hết sức quan trọng, lớn lao và khó khăn của toàn ngành Y tế" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đặc biệt, chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế, Chủ tịch nước đã yêu cầu phải tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế, nhất là ở những vùng kinh tế khó khăn, những người làm việc trong môi trường rủi ro, điều kiện đặc biệt; chú ý quan tâm hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng với chính sách hỗ trợ không chỉ khó khăn trước mắt mà còn bảo đảm tính căn cơ và lâu dài.
Chủ tịch nước mong muốn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế tiếp tục cố gắng hơn nữa; góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Luôn đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ
Khi đến dự buổi Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (tổ chức ngày 25/02/2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những phát biểu khiến nhiều cán bộ, nhân viên ngành Y xúc động. Chủ tịch Quốc hội nói: "…Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã kéo dài gần 3 năm nay, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học y tế nói riêng là không thể đong đếm được. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh; hình ảnh những "chiến sĩ
áo trắng" trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi nóng, dù đã kiệt sức nhưng quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khoẻ của người dân, của cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng và sức khỏe của hàng nghìn cán bộ y tế là minh chứng xác thực nhất, là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất của người về "thầy thuốc như mẹ hiền" của đội ngũ cán bộ y tế như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy".
Cùng với ghi nhận công lao, sự nỗ lực của các "chiến sĩ áo trắng", Chủ tịch Quốc hội còn có những chỉ đạo hết sức cụ thể với ngành Y tế, trong đó có công tác hoàn thiện thể chế: "Một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính cấp bách hiện nay của Bộ Y tế là tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), và dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Phòng bệnh, Luật Dược (sửa đổi)…để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, với chất lượng tốt nhất…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ: "Đảng, Nhà nước luôn chỉ đạo quyết liệt và sẵn sàng đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ hết sức cùng các cán bộ y tế, các nhà khoa học y học trong thời điểm lịch sử này, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tin yêu và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành y tế trong sự nghiệp xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng, nền y tế nhân dân, tất cả vì sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…"
Trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ngành Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng chia sẻ: "Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành Y tế, bác sĩ và nhân viên y tế".
Phát biểu tại Hội nghị "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" ngày 21/8/2022, Thủ tướng chỉ rõ: "Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư, tâm trạng rất khác nhau…Hiện nay, ngành Y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá bởi những bất cập, vướng mắc cản trở hệ thống y tế phát triển đã được bộc lộ rõ và được nhận thức đầy đủ hơn".
Thủ tướng cũng tin tưởng và khẳng định: "Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chia sẻ và ủng hộ sự thay đổi để phát triển ngành Y tế,… tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y".
Về việc quan tâm động viên, nâng chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, Thủ tướng chỉ rõ một số việc cần làm: "Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm "Nghề Y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" như Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành Y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sĩ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ...
Trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế, nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế".
Đặc biệt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiếp tục đồng hành, quan tâm, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế, góp phần đưa ngành Y tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cao cả chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và nhân dân ấm no, hạnh phúc".
Thủ tướng căn dặn cán bộ y tế: "Phải phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, càng nhạy cảm càng phải đoàn kết. Các cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Y cần chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào…" và "Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của Đảng và Nhà nước. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của nhân dân".