Hà Nội

Đại biểu Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế

21-01-2023 08:00 | Thời sự

SKĐS - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn giúp ngành Y tế vượt qua khó khăn để phát triển, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trước những khó khăn, thách thức của ngành Y tế đã và đang gặp phải suốt thời gian qua, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn giúp ngành Y tế vượt qua khó khăn để phát triển, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Kiến nghị dành nguồn lực cho Y tế

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đã nêu quan điểm của mình trước tình trạng nhân viên ngành Y tế nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua. Theo nữ ĐBQH tỉnh Thái Bình, nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng quyết định đến thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

ĐBQH Trần Khánh Thu nhận định, việc phấn đấu chỉ tiêu năm 2023 đạt 12 bác sĩ trên 10.000 dân thì ngành Y tế phải tăng thêm 20.000 bác sĩ. Đại biểu cho rằng: "Đây là một thách thức cho ngành Y tế, nếu không có giải pháp căn cơ trước mắt để ngăn tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc. Để đào tạo một cán bộ y tế giỏi không phải một sớm một chiều".

Đại biểu Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế - Ảnh 2.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) .

Bên cạnh đó, ĐBQH Trần Khánh Thu cũng nêu lên một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế phải nghỉ việc, chuyển việc đó là thu nhập chưa đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống. Lấy ví dụ cụ thể về lương, phụ cấp của nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, đại biểu Khánh Thu cho biết: "Một bác sĩ sau khi học 6 năm, 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề nếu tuyển dụng vào đơn vị công lập ngay thì nhận được 3.486.000 đồng, phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Sau khi nộp các khoản phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thì một bác sĩ lương nhận về chưa đến 4 triệu đồng, một điều dưỡng chưa đến 3 triệu đồng".

Từ thực tế trên, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị cần có giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế: "Chính phủ khẩn trương đôn đốc thực hiện giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực y tế của hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong việc phân bổ ngân sách Nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành Y tế ổn định và phát triển".

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).

Cũng tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đồng tình trước việc các ĐBQH cho rằng nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập thấp, nhưng đại biểu cho rằng, bên cạnh đó còn nguyên nhân nữa là do liên quan đến áp lực công việc và môi trường công tác. Nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn dẫn chứng, hiện các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Đơn cử như Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người bệnh đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Nhiều bệnh viện các y, bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày có những bác sĩ khám vài chục, thậm chí cả trăm bệnh nhân, nên áp lực rất lớn.

"Nhiều bác sĩ cho biết, họ thường xuyên phải làm việc quá tải. Dịch COVID-19 ập đến thì vất vả hơn, nhất là các trạm y tế xã, phường, vốn đã ít người nay phải đảm trách nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý các F0, tiêm chủng vaccine. Trong khi đó, lương tháng chỉ có 5 triệu đồng", ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, một nguyên nhân nữa là do môi trường làm việc chưa thực sự tạo cơ hội để nhân viên y tế cống hiến hết mình đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y, bác sĩ: "Vẫn biết rằng dịch chuyển nhân lực là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào. Tuy nhiên, việc chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành Y tế thời gian qua thì cần phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân. Ngành Y là một ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt. Sẽ khó để nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc cao nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống".

"Khơi thông" mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV,  ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần có một chương riêng về đấu thầu y tế. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, do đó cần có chương riêng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng đơn giản hơn, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng để đánh giá. Đồng thời đề nghị cần tôn trọng kết quả đấu thầu, trong dự thảo Luật phải quy định rõ ràng.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh).

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh).

Liên quan đến quy định đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quy định đấu thầu thuốc phải xây dựng giá kế hoạch; không được lấy giá trúng thầu năm nay làm giá kế hoạch năm sau; phải có căn cứ nghiên cứu dựa trên giá thị trường như thế nào; chỉ số trượt giá cũng như các yếu tố tác động để tránh tình trạng chỉ có thuốc rất rẻ mới tham gia đấu thầu được.

Đối với vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế, đại biểu nhấn mạnh, đây là những thứ không thể thiếu của bệnh viện và liên quan đến sức khỏe của người dân nhưng không có nhà thầu nào tham gia. Do vậy, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cần có những cơ chế ràng buộc trong việc tự chủ bệnh viện.

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, hiện nay, trang thiết bị y tế là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển khoa học rất nhanh, yếu tố công nghệ, bản quyền rất cao. Một số loại máy móc rất hiện đại như máy robot trong phẫu thuật, trên thế giới có rất ít nhà sản xuất, việc mua sắm sẽ không thể có giá để tham khảo. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất, chế tạo và bán thương mại trên thị trường.

Về chỉ định thầu rút gọn, thực tế trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vì tính chất cấp bách của công tác chống dịch, nhiều cơ sở y tế phải triển khai ngay các nhiệm vụ chuyên môn nên đã phải vay mượn trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao của các đơn vị y tế tư nhân, sau đó hợp thức hồ sơ đấu thầu để mua sản phẩm của đơn vị đã vay và mượn. Nếu làm như vậy là đã vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu. Hình thức chỉ định thầu rút gọn có thể giải quyết được những tồn tại này. Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã có quy định chi tiết về hình thức đấu thầu rút gọn đối với thuốc trong trường hợp cấp bách, dịch bệnh.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội).

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội).

Tuy nhiên, đối với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất thì lại không có quy định. Hình thức chỉ định thầu rút gọn đã được đề cập rất ngắn gọn trong khoản 2 Điều 40 của dự thảo. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. Nội dung dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) bày tỏ: "Tôi cho rằng ngành Y tế cũng rất khó khăn. Không thể kỳ vọng đồng chí Bộ trưởng mới một ngày một bữa mà có cái "đũa thần" để xử lý hết những khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ một mình ngành Y tế sẽ rất khó".

ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

Tại các kỳ họp Quốc hội trong năm 2022 vừa qua, rất nhiều ĐBQH đã đóng góp ý kiến tâm huyết, đồng hành, chia sẻ giúp ngành Y tế có thể từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để  phục hồi và phát triển trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, vất vả nhưng rất đáng tự hào, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhắn nhủ tại bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang..."


Lê Bảo
Ý kiến của bạn