Hà Nội

Dạy thêm, học thêm không xấu nhưng cần trong sáng

25-11-2023 06:40 | Xã hội
google news

SKĐS - "Việc dạy thêm cho những học sinh yếu kém nên tổ chức ngay trong mỗi trường học nhưng không thu tiền, mà nhà nước phải có kinh phí hỗ trợ để trả thù lao thỏa đáng cho giáo viên", chuyên gia giáo dục nêu quan điểm.

Từ lâu, chị Hương Giang (Hà Đông, Hà Nội) đã luôn cho rằng việc học tập với các con là rất cần thiết, nhưng vẫn muốn con có những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, nên nói học thêm là gánh nặng với học sinh không hẳn phù hợp với quan điểm của chị.

"Cả 2 đứa nhà tôi đều học trường tư để đỡ áp lực. Đứa út học lớp 2 thì hầu như tôi không cho học thêm, chỉ cho học tiếng Anh tại trung tâm và một số môn năng khiếu mà con yêu thích, còn đứa lớn năm nay lớp 9, cuối cấp nên đành bắt buộc phải có áp lực học hành.

Nhất là tỷ lệ chọi vào 10 hàng năm khá cao, nhiều học sinh không đậu theo nguyện vọng nên tôi cũng thấy lo. Con đi học thêm thì kiến thức cũng sẽ được thầy cô củng cố kỹ càng hơn, khả năng con thi đậu vào lớp 10 đúng nguyện vọng sẽ cao hơn", chị Hương Giang chia sẻ.

Dạy thêm - học thêm: Tốt hay xấu?- Ảnh 1.

Quan điểm cần bài trừ dạy thêm – học thêm là quá cứng nhắc?

Là bà mẹ 2 con và cũng là một giáo viên chủ nhiệm, chị Tuyết Nhung (Hà Nội) lại cho rằng, việc học thêm hoàn toàn không cần thiết.

"Với cấp tiểu học, các con đã học 2 buổi trên lớp, gần như là cả ngày đã ở cùng với thầy cô giáo nên việc học thêm là không cần thiết. Bởi nếu học thêm thì các con sẽ phải học vào chiều muộn, buổi tối hoặc cuối tuần, như vậy các con sẽ không còn thời gian để vui chơi, hoàn thiện các kỹ năng sống khác.

Việc hoàn thiện các kỹ năng sống rất quan trọng, mà trong nhà trường đôi khi khó có thể giúp các con có được những kỹ năng đó. Có chăng việc học thêm chỉ nên cần một vài buổi để phụ đạo, bồi dưỡng cho các con trước những kỳ thi quan trọng", Chị Tuyết Nhung bày tỏ quan điểm.

Còn em Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 10 - Trường THPT Chu Văn An cho rằng, việc học thêm với em là rất cần thiết. Nếu chỉ học với thời lượng trên lớp sẽ không đủ để em có thể tự tin rằng mình sẽ thi đỗ tốt nghiệp với số điểm mong muốn.

"Em nghĩ chỉ những bạn học giỏi mới không cần phải học thêm. Còn với những bạn có học lực trung bình như em thì cần phải đi học phụ đạo để thầy cô hướng dẫn thêm. Bởi trên lớp có nhiều kiến thức em chưa tiếp thu được, thì đi học thêm thầy cô sẽ chỉ dạy kỹ càng hơn, khi đó em có thể hiểu và làm bài được", em Hoàng nói.

Dạy thêm - học thêm không xấu, nhưng cần trong sáng

Chia sẻ về vấn đề dạy thêm - học thêm, cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) khẳng định: Việc dạy thêm – học thêm không phải là xấu, thậm chí nhiều khi đó là điều cần thiết.

"Nếu người học có nhu cầu và động lực học tập chính đáng, còn người dạy giàu nhiệt huyết và công tâm trong sự nghiệp trồng người thì dạy thêm – học thêm hoàn toàn không phải là xấu.

Dạy thêm - học thêm: Tốt hay xấu?- Ảnh 2.

Dạy thêm – học thêm không xấu, nhưng cần trong sáng.

Học sinh yếu kém cần học thêm để được thầy cô bổ trợ kiến thức, phụ đạo thêm cho các em những nội dung, bài tập trên lớp các em chưa nắm được. Còn với học sinh giỏi thì cần học thêm để học những kiến thức cao hơn, chuyên sâu hơn để tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi…", cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy nói.

Cô Ngọc Thúy cũng cho rằng, dạy thêm – học thêm chỉ xấu khi xuất phát từ nguyên nhân không chính đáng. Như phụ huynh ép con đi học thêm vì thành tích, hay giáo viên ép học sinh đi học thêm vì lợi ích cá nhân.

Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho hay, dạy thêm – học thêm xuất phát ở nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên đó là do nhu cầu thật của học sinh. Nhiều học sinh tiếp thu chậm hơn những bạn khác, hay có những em học giỏi rồi nhưng muốn giỏi hơn nữa thì đều có nhu cầu học thêm.

Thứ hai là áp lực thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học… quá nặng nề khiến nhiều phụ huynh và học sinh tình nguyện tìm thầy cô để được đi học thêm.

"Ngoài những nguyên nhân trên, còn có một số nguyên nhân không được "trong sáng", xuất phát từ phía thầy cô, như việc ép buộc học sinh đi học thêm vì điểm số. Nhất là tình trạng dạy trước, mang kiến thức chính khóa ra để dạy ở lớp học thêm. Hay nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình, muốn con mình phải có điểm số cao, thành tích tốt nên ép con đi học thêm", TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, việc dạy thêm - học thêm cần có từng giai đoạn nhất định, sau đó phải để các em học sinh tự học, tự phát triển, đó mới là nền giáo dục lành mạnh. Còn nếu cứ dạy thêm – học thêm tràn lan thì nền giáo dục sẽ dần trở nên lạc hậu.

"Việc dạy thêm cho những học sinh yếu kém nên tổ chức ngay trong mỗi trường học nhưng không thu tiền, mà nhà nước phải có kinh phí hỗ trợ để trả thù lao thỏa đáng cho giáo viên. Giáo viên cũng phải chú ý, ngoài dạy lại kiến thức cơ bản các em còn thiếu thì phải chú ý rèn thêm cho các em về phương pháp học và phương pháp tư duy, tạo niềm tin, hứng thú học và quyết tâm cho học sinh.

Khi học sinh có tiến bộ, biết cách tự học thì giáo viên chỉ hỗ trợ khi gặp khó khăn. Phía cha mẹ cũng không nên ép con học tràn lan, học quá nhiều buổi trong một tuần. Như vậy vừa hại sức khỏe lại vừa tạo sự ỷ lại cho con", Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam hướng dẫn.

Mời bạn đọc xem tiếp video: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình: Khi nào có thể "quyét sạch" dạy thêm - học thêm?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình: Khi nào có thể "quyets sạch" dạy thêm - học thêm?


Quỳnh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn