Học thêm chèn vào lịch học chính, trẻ không học phụ huynh sẽ phải đón về

24-09-2023 10:55 | Thời sự

SKĐS - Nhiều trường chèn các môn học liên kết xen kẽ vào giờ học chính khóa khiến phụ huynh không có nhu cầu cho con học vẫn phải đăng ký trong tâm lý bị ép buộc.

Nếu không đăng ký học cho con thì sẽ phải đón về

Phụ huynh tại nhiều trường học trên địa bàn TP. Hà Nội nhận được thông báo yêu cầu tự nguyện đăng ký cho con học thêm các lớp học liên kết, lớp học tiếng Anh tăng cường.

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chị L.T.T có con học tại Trường tiểu học Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đầu năm học mới, nhà trường đưa ra thông báo cho phụ huynh về việc đăng ký cho con học thêm các chương trình liên kết gồm: STEM và TABM - đây là các chương trình bổ trợ Tiếng Anh thông qua bộ môn khoa học STEM và Tiếng Anh liên kết.

"Điều mà tôi và các phụ huynh thắc mắc đó là sao các tiết học thêm này lại được chèn vào các giờ học chính khóa như một môn học chính thức khiến phụ huynh khó lòng từ chối tham gia".

Học thêm chèn vào lịch học chính, trẻ không học phụ huynh sẽ phải đón về - Ảnh 1.

Học thêm chèn vào lịch học chính, trẻ không học phụ huynh sẽ phải đón về - Ảnh 2.

Thời khóa biểu của học sinh tiểu học chèn môn "tự nguyện" như STEM, kỹ năng sống... xen kẽ tiết học chính khóa khiến phụ huynh không có nhu cầu cho con học vẫn phải đăng ký trong tâm lý bị ép buộc. Ảnh: PHCC

Chị T. cho biết, mặc dù đã cho con học thêm ở một trung tâm Tiếng Anh vào cuối tuần, không có nhu cầu cho con học nhưng vẫn phải đăng ký vì không muốn con khác biệt với các bạn trong lớp. "Mặc dù là tự nguyện nhưng nếu phụ huynh không đăng ký cho con học thì sẽ phải đón con về, với lớp lớn thì con sẽ tự về".

Là phụ huynh có hai con đang học lớp 1 và lớp 7 và cũng là một giáo viên dạy Văn cấp THCS tại Hà Nội, cô N.T.H.L nêu quan điểm: "Sẽ là hợp lý hơn nếu nhà trường sắp xếp lịch học vào cuối buổi học, học sinh nào không học thì cha mẹ đón về, theo nhu cầu của phụ huynh.

Nếu 100% phụ huynh tự nguyện thì không có gì để tranh cãi nhưng nếu chỉ phần trăm nhỏ phụ huynh tự nguyện trong ép buộc thì nhà trường cần cân nhắc một cách thấu đáo. Đã là chương trình tự nguyện thì phải tạo điều kiện cho phụ huynh được từ chối một cách thoải mái nhất".

Em H.N.Đ (học sinh một trường THPT trên địa bàn Cầu Giấy) chia sẻ: "Em thấy việc học thêm trên trường không hiệu quả và mất nhiều thời gian. Em mong nhà trường xem xét sắp xếp lịch học thêm không xen kẽ với lịch học chính và tôn trọng ý kiến cũng như nguyện vọng của phụ huynh, học sinh".

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong trường

Về việc các trường liên kết với các trung tâm bên ngoài để dạy thêm, đưa phụ huynh, học sinh vào thế khó, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, điều này chỉ đem lại lợi ích cho thầy cô giáo, không đúng chủ trương của chương trình mới. Định hướng của chương trình mới là đảm bảo học sinh, đặc biệt là bậc tiểu học, THCS có thời gian trải nghiệm, có thời gian nhận thức, rèn luyện các kỹ năng, có thêm thời gian để tham gia các hoạt động về nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm... chứ không phải tăng giờ học, nhồi nhét các kiến thức.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, các cơ quan quản lý cần thanh tra, lấy ý kiến của phụ huynh về hoạt động dạy thêm, học thêm, dạy liên kết trong trường học. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong trường. UBND các tỉnh, thành phố cần quán triệt, xử lý thật nghiêm người đứng đầu để ngăn chặn tình trạng này.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thiết kế Chương trình GDPT 2018 có "khung" và có "mở". "Khung" là nguyên tắc đầu tiên phải thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng định mức, đúng quy định trong chương trình. Còn "mở" ở chỗ các nhà trường được quyền thiết kế kế hoạch dạy học của mình, đưa một số nội dung vào, nhưng phải dùng chính định mức về đội ngũ của mình để thực hiện chứ không phải dùng lực lượng bên ngoài vào thực hiện.

Với tiểu học, Chương trình GDPT 2018 quy định dạy học 2 buổi trên ngày với số tiết bắt buộc thực hiện theo chương trình ấy là 7 tiết/ngày. Thực tế là với 7 tiết/ngày như vậy thì chưa sử dụng hết khung thời gian trong ngày của học sinh.

Ví dụ buổi sáng 4 tiết thì kết thúc vào 10 giờ 30; buổi chiều 3 tiết thì kết thúc vào khoảng 15 giờ 30. Đó là những tiết chính khóa mà các trường dù thiết kế thế nào cũng phải dạy hết tất cả các môn học bắt buộc, học sinh phải được đảm bảo học công bằng như nhau. Đó là nhiệm vụ của các trường.

Trường hợp khi đã hoàn thành đủ 7 tiết/ngày mà giáo viên vẫn chưa thực hiện hết các định mức giờ dạy thì lúc này các nhà trường phải thiết kế hoạt động tăng cường và phải dùng chính lực lượng của mình để thực hiện. Như vậy, hoạt động tăng cường này có 2 tình huống: một là giáo viên đang có trong định mức thì phải sử dụng hết định mức; hai là dạy học tăng cường theo nhu cầu của người học, ví dụ học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật, thể dục, thể thao… Với tình huống dạy học tăng cường thứ hai này thì phải thiết kế theo nhu cầu của từng học sinh chứ không được bố trí theo đơn vị lớp và phải dạy ngoài giờ học chính khóa.

Về việc lồng ghép STEM, ông Tài cho biết, 7 tiết học bắt buộc mỗi ngày là quyền lợi của học sinh và các trường phải đảm bảo. Tuy nhiên, kỹ năng sống, STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường.

Ví dụ, giờ học môn Toán thì giáo viên có nhiệm vụ lồng ghép STEM vào để dạy cho học sinh dễ hiểu, dễ vận dụng và hào hứng hơn theo đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, nếu nhà trường giao một đơn vị ở bên ngoài vào, dùng giờ học chính khóa để tổ chức giáo dục STEM và có thu phí của học sinh là sai.

"Việc lồng ghép STEM vào các môn học chính là điều mà Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở thực hiện, yêu cầu giáo viên các trường phải thực hiện nội dung giáo dục STEM trong các môn học chính khóa. Còn hoạt động trải nghiệm STEM thì sẽ hoạt động theo các câu lạc bộ ngoài giờ học, dựa trên nhu cầu của học sinh".

Dạy thêm, học thêm tràn lan: Phụ huynh "kêu trời", nhiều nơi có lệnh cấmDạy thêm, học thêm tràn lan: Phụ huynh 'kêu trời', nhiều nơi có lệnh cấm

SKĐS - Mới bước vào năm học mới được hơn một tuần nhưng nhiều phụ huynh cho biết con mình đang phải đi học thêm rất nhiều.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn