Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như nhiều chuyên gia y tế, chính sách, các Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh những tác hại, gánh nặng do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra với sức khỏe người sử dụng, cũng như tăng thêm gánh nặng tài chính chi cho điều trị bệnh tật do các sản phẩm này gây ra.
Cùng đó, Bộ Y tế đã nhiều lần nhất quán quan điểm cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Vậy đâu là lý do WHO, Bộ Y tế và các chuyên gia y tế, chính sách cũng như các Đại biểu Quốc hội lại nêu quan điểm phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?
Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?"
Bài 1: Hệ lụy nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, nung nóng: Nhìn từ bệnh viện
Bài 2: Hiểm họa khôn lường khi ma túy 'núp' trong thuốc lá điện tử
Bài 4: Đằng sau những luận điệu truyền thông sai lệch về tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng
Đứng trước nguy cơ giảm lợi nhuận từ thuốc lá thông thường, ngành công nghiệp thuốc lá trên thế giới đang tích cực thúc đẩy các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) để hướng tới thị trường mới: thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của chúng ta. Đáng chú ý, gần đây Công ty trách nhiệm hữu hạn ASIA đã gửi thư ngỏ tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá nung nóng.
Báo Sức khỏe và Đời sống phỏng vấn PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh - giảng viên cao cấp, Bộ môn Sức khỏe môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng xung quanh vấn đề này:
- Bà đánh giá thế nào trước quan điểm cho rằng "thuốc lá điện tử, nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường nên có thể dùng để sử dụng để giảm tác hại", thưa PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh?
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Đây là luận điệu sai lệch và rất nguy hiểm mà ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang nỗ lực truyền thông, tiếp thị tới cộng đồng, đặc biệt là hướng tới giới trẻ để nhằm gia tăng hành vi bắt đầu sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên.
Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá lần thứ 6 và 7 đã nêu rất rõ: "Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền TLĐT, TLNN ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của TLĐT, TLNN".
Thực tế nhiều bạn trẻ nhầm tưởng rằng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là không gây nghiện và không độc/ít độc hại nên đã thử. Nếu chúng ta không quyết liệt cấm thì những thành tựu về phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua có nguy cơ bị phá vỡ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng TLĐT, TLNN, đặc biệt là trong giới trẻ.
Ví dụ theo nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2020 của chúng tôi, tỉ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm người 15-24 tuổi đã là 7,3%. Đáng chú ý trong số những người tham gia khảo sát có 21,3% và 5,4% người trẻ (15-24 tuổi) cho rằng TLĐT "ít hại hơn" và "ít hại hơn nhiều" so với thuốc lá truyền thống. Trong số những người đang hút TLĐT thì 55,1% trả lời "vì tôi thích TLĐT" và 36,8% trả lời "vì TLĐT ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống".
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá lần thứ 8, WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo: "Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm".
Do đó, trong bối cảnh ở Việt Nam, tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm các sản phẩm độc hại này cũng như ngăn chặn việc tiếp thị các sản phẩm này tới trẻ em để giúp ngăn chặn tình trạng nghiện mới, gia tăng hoặc trì hoãn việc cai thuốc lá. Quan điểm của WHO và Bộ Y tế Việt Nam cũng chỉ rõ "không thể giảm tác hại thuốc lá bằng một sản phẩm gây nghiện khác và tạo ra một thế hệ người nghiện mới".
- Ngành công nghiệp thuốc lá thời gian qua cho rằng các sản phẩm TLĐT, TLNN không được cung cấp cho trẻ vị thành niên nên sẽ không ảnh hưởng tới giới trẻ. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Trên thực tế, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá vẫn tích cực tuyên truyền rằng TLĐT, TLNN là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào giới trẻ. Nhưng bằng chứng từ các nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy các sản phẩm TLĐT và TLNN luôn nhắm tới một lượng lớn khách hàng chưa từng hút thuốc, đặc biệt là giới trẻ.
Trái ngược với luận điệu của ngành công nghiệp thuốc lá, theo báo cáo của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids về quảng cáo trên mạng xã hội năm 2023, các sản phẩm TLĐT và TLNN do British American Tobacco và Philip Morris International bán đã được xem hơn 3,4 tỷ lần trên mạng xã hội ở 60 quốc gia và hơn 40% khán giả đó dưới 25 tuổi.
Hàng năm, ngành công nghiệp thuốc lá chi số tiền khổng lồ và lôi kéo nhiều người nổi tiếng tham gia tiếp thị, quảng bá các sản phẩm này. Với giới trẻ thì ngành công nghiệp thuốc lá quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông đại chúng phổ biến, đặc biệt là mạng xã hội với các hình ảnh, bài viết cho rằng TLĐT, TLNN là những sản phẩm hướng tới phong cách sống mới năng động, hương vị hấp dẫn, kiểu dáng thời thượng.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Y tế và WHO cũng đã chỉ rõ bài học của một số quốc gia cho thấy việc quản lý hoặc hạn chế các sản phẩm này là vô cùng khó khăn. Các quốc gia phát triển như Canada, Mỹ, Nhật Bản, Úc… đã cố gắng áp dụng các biện pháp quản lý nhưng không thể ngăn cản thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng các sản phẩm này.
Hàng năm, ngành công nghiệp thuốc lá chi số tiền khổng lồ và lôi kéo nhiều người nổi tiếng tham gia tiếp thị, quảng bá các sản phẩm này. Với giới trẻ thì ngành công nghiệp thuốc lá quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông đại chúng phổ biến, đặc biệt là mạng xã hội với các hình ảnh, bài viết cho rằng TLĐT, TLNN là những sản phẩm hướng tới phong cách sống mới năng động, hương vị hấp dẫn, kiểu dáng thời thượng.
Thực tế thời gian qua, các quốc gia cho phép các sản phẩm TLĐT, TLNN lưu hành đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm độc hại này ở giới trẻ.
Ví dụ tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THCS và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021. Ngoài ra, các sản phẩm này đã khiến tái bình thường hóa hành vi hút thuốc, thúc đẩy việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.
Nhận thức rõ các chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc tìm kiếm thị trường mới, chính vì vậy, Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay cũng đã chọn chủ đề là "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá".
Do đó, tôi cho rằng Chính phủ các nước trong đó có Việt Nam cần có hành động mạnh mẽ, hướng tới cấm hoàn toàn các sản phẩm này để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng TLĐT, TLNN, đặc biệt là trong thanh thiếu niên để bảo vệ sức khỏe của thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
- Xin cảm ơn PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh!
Mời bạn đón đọc các bài tiếp theo của tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?" trên Sức khỏe và Đời sống.