Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như nhiều chuyên gia y tế, chính sách, các Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh những tác hại, gánh nặng do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra với sức khỏe người sử dụng, cũng như tăng thêm gánh nặng tài chính chi cho điều trị bệnh tật do các sản phẩm này gây ra.
Cùng đó, Bộ Y tế đã nhiều lần nhất quán quan điểm cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Vậy đâu là lý do WHO, Bộ Y tế và các chuyên gia y tế, chính sách cũng như các Đại biểu Quốc hội lại nêu quan điểm phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?
Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?"
Bài 1: Hệ lụy nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, nung nóng: Nhìn từ bệnh viện
Bài 2: Hiểm họa khôn lường khi ma túy 'núp' trong thuốc lá điện tử
Bài 3: Thuốc lá điện tử, nung nóng chứa chất gây ung thư, nguy hại cho sức khỏe nên cần cấm chứ không 'quản'
Vì sao phải cấm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm khác), tác hại của chúng đến sức khỏe con người như thế nào? Hệ lụy nghiêm trọng với xã hội ra sao nếu chúng ta cho phép thuốc lá thế hệ mới được phép lưu hành? Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã gặp gỡ GS.BS Nguyễn Thu Anh - Viện trưởng của Viện Đại học Sydney Việt Nam để tìm hiểu về những nội dung này.
Đừng bán sức khỏe thế hệ trẻ vì lợi ích kinh tế
- Thưa GS.BS Nguyễn Thu Anh, Bộ Y tế, Bộ Công an nhất quán chủ trương cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới trong đó có thuốc lá nung nóng để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong khi có một số quan điểm trái ngược, cho rằng chỉ cần quản lý tốt là được, không nên cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới, quan điểm của bà thế nào ạ?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Quan điểm của tôi là cái gì có lợi cho người dân thì mới làm. Cái gì có hại cho người dân thì tuyệt đối không làm. Do đó, cần cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới, bất kể đó là thuốc lá điện tử, nung nóng hay bất kỳ hình thức nào khác nhằm mục đích đưa nicotine là một chất gây nghiện vào cơ thể.
Tại sao chúng ta lại cho phép một sản phẩm có thể gây hại cho phổi và sức khỏe con người xâm nhập vào đời sống? Đặc biệt là khi sản phẩm đó được quảng bá rộng rãi không chỉ cho thanh thiếu niên mà còn cho học sinh ở độ tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường? Nếu điều này nhằm mục tiêu phát triển kinh tế thông qua thương mại thuốc lá, thì có phải chúng ta sẵn sàng bán sức khỏe của thế hệ trẻ vì lợi ích kinh tế?
- Dưới góc nhìn của một chuyên gia về sức khỏe, bác sĩ có thể chia sẻ về thành phần cũng như tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng, đặc biệt với giới trẻ?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Thuốc lá nung nóng là loại thuốc lá làm nóng thuốc lá hoàn nguyên ở 350 độ C để người dùng hít nicotine vào phổi. Còn thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách nung nóng dung dịch hóa chất có chứa nicotine và nhiều chất khác để tạo ra hơi cho người dùng hít.
Vậy thuốc lá hoàn nguyên là gì? Thuốc lá hoàn nguyên là tấm thuốc lá đã qua xử lý. Quá trình xử lý gồm các bước: loại bỏ phế liệu thô (thân cây, hạt, bụi), xay thành bột mịn, trộn với chất phụ gia (chất kết dính, chất động, hương liệu) và nước để tạo thành bột nhuyễn, ép và sấy khô, và cuối cùng là tẩm hương liệu hoặc thêm hóa chất.
Như vậy, có thể thấy là thành phần của thuốc lá nung nóng có cả thuốc lá nguyên liệu và các một số loại hóa chất thêm vào trong quá trình sản xuất, tùy theo từng loại sản phẩm. Khi nung nóng, hơi thuốc lá sẽ mang theo một số chất có hại với cơ thể con người. Ngoài thuốc lá hoàn nguyên, một số người sử dụng hoa cần sa để nung nóng và hít.
- Với thành phần như vậy thì mức độ độc hại của hơi thuốc lá nung nóng thế nào, thưa GS.BS Nguyễn Thu Anh?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Tác hại của thuốc lá làm nóng ở chỗ, thứ nhất hơi thuốc lá nung nóng có chứa nicotine là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não và gây hại cho quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Nồng độ nicotine và hắc ín trong hơi thuốc lá nung nóng gần tương đương với thuốc lá truyền thống.
Thứ hai, hơi thuốc lá nung nóng mang theo nitrosamine là một trong những chất gây ung thư. Khi hút thuốc, Nitrosamine có thể hình thành ngay cả ở nhiệt độ thấp. Hơi thuốc lá nung nóng cũng mang theo các hợp chất carbonyl như Acetaldehyde, Acrylamide, Formaldehyde, Acrolein; cũng như hợp chất hữu cơ bay hơi như Benzene, Toluene và Hydrocarbon thơm đa vòng. Đây là những chất gây kích ứng hệ hô hấp và khi tiếp xúc trong thời gian kéo dài có thể gây ung thư.
Thứ ba, hơi thuốc lá nung nóng có cả các kim loại nặng như Cadmium, Chì, Asen, gây hại cho nhiều cơ quan, bao gồm thận, gan, phổi và có thể gây ung thư.
Cuối cùng, hơi thuốc lá nung nóng mang theo các hạt nhỏ mà khi hít phải có thể gây tổn thương phổi và hệ tim mạch, dẫn đến các bệnh hô hấp và tim mạch. Một số chất phụ gia và hương liệu có thể giải phóng các hóa chất có hại khi bị làm nóng như diacetyl gây ra tình trạng "phổi bỏng ngô," một căn bệnh nghiêm trọng về phổi. Carbon monoxide vẫn có mặt trong khí thải của thuốc lá nung nóng, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, gây bệnh cho hệ tim mạch.
- Như vậy, hơi thuốc lá điện tử, nung nóng có các hóa chất độc hại nào ít hơn hay nhiều hơn so với khói thuốc lá truyền thống không, thưa bác sĩ?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Theo các công trình nghiên cứu độc lập, hơi thuốc lá nung nóng có 22 chất độc có nồng độ cao hơn trên 200% so với hơi thuốc lá truyền thống, và 7 chất độc có nồng độ cao hơn trên 1.000% so với thuốc lá truyền thống, mặc dù các sản phẩm thuốc lá nung nóng có thể có nồng độ một số chất gây hại khác ít hơn so với thuốc lá truyền thống.
Ngoài ra, một nghiên cứu chỉ ra rằng người sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng thường hút thuốc với tốc độ nhanh, tăng hấp thu nicotine qua đường hô hấp làm tăng mức độ nghiện, và tăng lượng carbonyl (có khả năng gây ung thư).
Đừng đi vào vết xe đổ của thuốc lá truyền thống
- Như bác sĩ vừa phân tích thì thuốc lá truyền thống cũng rất độc hại, vì sao chúng ta không cấm thuốc lá truyền thống mà lại cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Trên thực tế, thuốc lá truyền thống gây hại lớn cho sức khỏe của cả người trực tiếp hút và người hít phải khói thuốc. Kể cả khi ngành công nghiệp thuốc lá mang lại lợi nhuận kinh tế cho quốc gia thì những tổn thất kinh tế gây ra do tổng hại về sức khỏe, tăng đầu tư cho hệ thống y tế và các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thực thi việc quản lý thuốc lá.
Tuy nhiên, thay vì trở thành một quốc gia không khói thuốc, trên thực tế, thuốc lá đã ăn sâu vào đời sống xã hội, các tác phẩm văn học, điện ảnh, nên rất khó nói bỏ là bỏ ngay. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến việc đề ra các chính sách chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, coi đây là trách nhiệm của mọi ngành, đoàn thể, và là lợi ích thiết thân của mỗi công dân. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác hiện đang thực hiện các chính sách thắt chặt dần dần, bước đầu là cấm hút thuốc ở nơi cộng cộng. Hiện nay, nhiều quốc gia đã ban bố các quy định thắt chặt hơn, thu hẹp nơi có thể hút thuốc, góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện thuốc lá.
Thuốc lá điện tử, nung nóng chưa được phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam. Vậy chúng ta không nên đi vào vết xe đổ của thuốc lá truyền thống, hoặc của nhiều quốc gia khác, cho phép sử dụng rồi "mất bò mới lo làm chuồng", quay ra loay hoay quản lý mà biết chắc là sẽ không quản lý được.
- Nếu không cấm thuốc lá thế hệ mới mà chỉ quản lý, theo bà thì hệ quả xã hội chúng ta phải đối mặt sẽ là gì?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Nếu không cấm tuyệt đối, số người hút thuốc lá thế hệ mới sẽ tăng lên vì loại thuốc lá này dễ tiếp cận hơn, được dán nhãn là an toàn và thời trang hơn. Thực tế ở nhiều nước phát triển, ngày càng có nhiều phiên bản thuốc lá mới hơn có hàm lượng nicotine cao hơn với nhiều hương vị và mẫu mã sản phẩm hơn, đi kèm là số lượng người hút là giới trẻ tăng vọt.
Khi đó, hậu quả gây ra sẽ là rất lớn đối với sức khỏe của cả người hút chủ động và người hít phải hơi thuốc như đã nêu trên. Đó là chưa kể các các lo ngại về tác động tiềm ẩn chưa được nghiên cứu đầy đủ do sự thay đổi liên tục của các loại thuốc lá này. Chi phí xã hội cho việc quản lý thuốc là và chữa trị bệnh tật tăng cao, trong khi nguồn lực xã hội là hữu hạn và hơn bao giờ hết cần tập trung các các ưu tiên phát triển xã hội và phát triển kinh tế. Cho phép sử dụng thuốc lá thế hệ mới cũng đòng nghĩa với việc làm mất đi hình ảnh, uy tín quốc gia trên trường quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam luôn ưu tiên vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân lên hàng đầu.
- Tại một diễn đàn facebook mang tên "Sức Khỏe Cộng Đồng" có tổ chức nhiều nội dung ủng hộ cho thuốc lá điện tử, nung nóng, cho rằng cần sớm có chính sách quản lý chứ không nên cấm hoàn toàn bởi nhu cầu dùng thuốc là nung nóng vẫn đang được đáp ứng bởi hàng nhập lậu. Quan điểm của bà thế nào?
GS.BS Nguyễn Thu Anh: Nếu chúng ta cho rằng cần đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng bằng cách cho phép lưu hành thuốc này, đồng thời đằng nào cũng không quản lý được hàng nhập lậu thì đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Thứ nhất, nếu chúng ta đáp ứng nhu cầu của người muốn sử dụng thuốc lá nung nóng thì ai sẽ đáp ứng nhu cầu của những bậc phụ huynh không muốn con em mình bị nghiện loại thuốc lá mới này? Ai đáp ứng nhu cầu của những người hút thuốc lá thụ động là những người dù không muốn cũng bị buộc phải hít hơi thuốc lá nung nóng của người khác? Chắc chắn, những người phản đối thuốc lá nung nóng sẽ chiếm đa số.
Có một số quan niệm sai lầm cho rằng thuốc lá điện tử, nung nóng có thể giúp cai nghiện nhưng thực tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa nicotine như thuốc lá truyền thống nên không thể dùng để cai nghiện. Tổ chức Y tế thế giới và FDA cũng khuyến cáo không sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng để cai nghiện thuốc lá truyền thống. Độc giả nào đã từng nỗ lực cai thuốc lá cũng biết nghiện nicotine khó cai thế nào.
Thứ hai, để giải quyết vấn đề không quản lý được hàng nhập lậu thì cần rà soát, củng cố và tăng cường hệ thống và năng lực của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về phòng chống buôn lậu. Cho dù là thuốc lá nung nóng hay các loại hàng hóa khác không được lưu hành trên thị trường thì vấn đề này vẫn cần được giải quyết thấu đáo.
Cho phép một loại sản phẩm gây nghiện và gây hại cho sức khỏe không làm tăng cường năng lực phòng chống buôn lậu. Tôi xin đặt ra một ví dụ để bạn đọc suy ngẫm: Thực tế giới trẻ vẫn có thể tiếp cận và sử dụng bóng cười thì có nên cho phép lưu hành và sử dụng bóng cười không?
Thứ ba, thuốc lá nung nóng có nhiều loại khác nhau, với công nghệ và thương hiệu đa dạng và thay đổi liên tục. Điều này làm cho việc kiểm soát các sản phẩm trên thị trường trở nên phức tạp hơn, vì mỗi loại có thể yêu cầu các biện pháp quản lý khác nhau. Sự phổ biến của các sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng trên thị trường chợ đen và tình trạng buôn lậu khiến cho việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm trở nên khó khăn. Các sản phẩm giả hoặc nhập lậu không qua kiểm duyệt có thể dễ dàng xâm nhập thị trường.
Thứ tư, thuốc lá nung nóng dễ dàng được mua bán qua các kênh trực tuyến, nhất là từ "Thung lũng hơi" Thâm Quyến rất gần với chúng ta, làm cho việc quản lý việc mua bán và phân phối trở nên khó kiểm soát, đặc biệt là đối với việc bán hàng cho trẻ nhỏ. Trên thực tế, việc thu thuế từ thương mại điện tử xuyên biên giới là vô cùng khó khăn và việc cho phép thuốc lá thế hệ mới có thể biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ tiềm năng không rào cản, cũng không mang lại lợi ích thương mại cho quốc gia. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất thuốc lá nung nóng hiện đang sử dụng các chiến lược tiếp thị trên các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội, tập trung vào nhóm trẻ nhỏ và thanh thiếu niên nên việc quản lý là bất khả thi.
Cuối cùng, bộ phận nung nóng thuốc và thuốc lá điện tử có hình dạng bên ngoài tương đối giống nhau, rất nhiều người không thể phân biệt được. Vì vậy, cho phép thuốc lá nung nóng sẽ vô tình mở cửa cho thuốc lá điện tử được nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam. Trong khi chúng ta đều biết rõ là thuốc lá điện tử còn gây hại và có tính gây nghiện cao hơn nhiều.
- Hiện cũng có một số KOL (người có sức ảnh hưởng) trên mạng xã hội không đồng tình với việc cấm thuốc lá thế hệ mới, cho rằng nếu cấm thì phải có lý lẽ thuyết phục hơn là chuyện "không quản được thì cấm", bà nghĩ về điều này thế nào?
TS.BS Nguyễn Thu Anh: Tôi chỉ muốn hỏi các anh chị KOL là các anh chị sẽ quản lý thế nào khi thấy con em, cháu chắt của anh chị phì phèo điếu thuốc nung nóng hay điếu thuốc điện tử lúc còn mang cặp sách tới trường? Theo tôi, lý lẽ thuyết phục rõ ràng như ban ngày. Thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử có hại, không mang lại lợi ích gì, lại có tính gây nghiện cao, thì phải cấm. Ngược lại, có lý lẽ nào để thuyết phục việc đồng ý đưa chất độc vào cơ thể người không?
- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của GS.BS Nguyễn Thu Anh!
Mời bạn đón đọc các bài tiếp theo của tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?" trên Sức khỏe và Đời sống.
GS. BS Nguyễn Thu Anh là nhà nghiên cứu dịch tễ học và khoa học xã hội. GS. Thu Anh tốt nghiệp Bác sĩ chuyên ngành Dịch tễ tại Trường Đại học Y Hà Nội, Thạc sĩ về Quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Trường Đại học Mahidol (Thái Lan) và Tiến sĩ về Nhân học trong Y tế tại Trường Đại học Amsterdam (Hà Lan). GS. Thu Anh hiện đang là Viện trưởng của Viện Đại học Sydney Việt Nam và giáo sư Y tế công cộng tại trường Đại học Sydney, Úc. Bà cũng là thành viên ban cố vấn của Tạp chí The Lancet Regional Health – Western Pacific và biên tập viên khoa học của tạp chí PLOS Global Public Health.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người đàn ông bật khóc khi nhận tờ kết quả xét nghiệm ADN, phát hiện bị vợ lừa suốt 10 năm | SKĐS