Người trẻ sử dụng thuốc lá có xu hướng gia tăng
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Nghệ An, nhận thức của một bộ phận người dân về tác hại của thuốc lá còn hạn chế và chủ quan, xem nhẹ các ảnh hưởng của thuốc lá.
Thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới đã và đang từng bước thâm nhập vào môi trường học đường ở các cấp học từ THCS đến THPT. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Đây là con số đáng báo động. Ngoài ra, việc dễ dàng mua thuốc lá điện tử cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên ngày càng tăng. Vì lợi nhuận, người kinh doanh đã tiếp thị thuốc lá điện tử tới tận cổng trường.
Chúng tôi từng chứng kiến hai học sinh khoảng 13-15 tuổi đang hút thuốc lá điện tử tại một quán trà đá gần cổng trường, khi được hỏi học sinh này cho biết: 'Cha mẹ và thầy cô đều cấm nhưng chúng cháu giấu, và sở dĩ cháu hút thuốc lá điện tử vì 'nghe nói' không độc hại và nhìn cũng 'ngầu', trong lớp cháu cũng nhiều bạn hút'. Hai yếu tố "không độc hại" và "ngầu" khiến thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hiển, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, theo các nhà khoa học, khói thuốc có tới hơn 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khi hút thuốc lá điện tử thì dung dịch thuốc lá điện tử được làm nóng và tạo ra khói thuốc. Và trong khói này chứa nhiều hóa chất khác nhau. Ngoài ra, hàng loạt tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người sử dụng và người hít phải khói thuốc thụ động.
Các loại thuốc lá điện tử được thiết kế bắt mắt, thu hút giới trẻ.
Trong khi đó, Nicotine được xếp vào nhóm chất gây nghiện mạnh, tương tự như Heroin và Cocain. Nicotine khiến người hút thuốc nhanh chóng bị nghiện.
Cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, chán nản, và cáu gắt. Việc cai nghiện rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Sử dụng nicotine liều cao có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm và lo âu, kìm hãm sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhớ, tập trung và học tập, đặc biệt tác động đến trẻ em. Vì não bộ phát triển từ khi sinh ra đến 25 tuổi, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử dễ dàng bị nghiện nicotine hơn, dẫn đến các ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn và sớm hơn.
Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác như ma túy. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ cũng làm tăng khả năng họ sẽ hút thuốc lá trong tương lai.
Cần cấm triệt để các sản phẩm thuốc lá mới để bảo vệ thanh thiếu niên
Hiện nay, các quy định pháp luật về quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn chưa rõ ràng, tạo ra hai luồng quan điểm khác nhau: một là cấm hoàn toàn, hai là cho phép lưu hành nhưng tăng cường quản lý.
Ít nhất có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp đặt lệnh cấm mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu thuốc lá điện tử, trong đó có Argentina, Brunei, Ấn Độ và Mexico. Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất có 16 quốc gia đã cấm sản phẩm này theo quy định hiện hành, bao gồm Brazil, Hàn Quốc và Ấn Độ, cùng với 5 quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Brunei, Singapore, Campuchia và Lào.
Mới đây, ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Về phía tỉnh Nghệ An, ngày 16/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long giao ngành Y tế, Công Thương, Thông tin & truyền thông, Giáo dục & Đào tạo, Công an tỉnh…căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trong giai đoạn 2023-2025, Nghệ An đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%, nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Ngoài ra, quyết tâm giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%, tại nhà hàng xuống dưới 75%... đồng thời, đề ra các biện pháp ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục nỗ lực giảm sâu các tỷ lệ này.
UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể và giải pháp để thực hiện kế hoạch, giao rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành và các địa phương liên quan. Trong đó, Sở Y tế được giao trọng trách là đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chiến lược. UBND các huyện, thành phố, thị xã được giao nhiệm vụ xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch.
Đồng thời, phải chủ động huy động nguồn lực và bố trí ngân sách để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề này.
Theo ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Nghệ An, cần tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị liên quan. Đồng thời, cần tích hợp nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các kế hoạch hoạt động hàng năm của UBND các cấp và đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ của các tổ chức.
Cần cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục, cũng như thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá.