Cuộc thi “Câu chuyện của Teen”: Ấn tượng, xúc động và lan tỏa

15-04-2023 17:04 | Đời sống
google news

SKĐS - Một sân chơi để học sinh lứa tuổi teen có thể chia sẻ những câu chuyện, thông điệp ấn tượng và nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia tâm lý, đó là những gì "Câu chuyện của Teen" hướng tới.

Nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về tâm lý cá nhân trong thời đại này và tạo sân chơi bổ ích để học sinh chia sẻ những câu chuyện cá nhân liên quan đến vấn đề tâm lý. Viện Tâm lý Giáo dục (Hội tâm lý học Việt Nam) đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về tâm lý tuổi vị thành niên chủ đề "Câu chuyện của Teen", giúp học sinh thể hiện sự sáng tạo, hiểu biết cá nhân về vấn đề tâm lý.

PGS.TS Dương Hải Hưng – Viện Tâm lý giáo dục, Giảng viên Khoa Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về cuộc thi: "Dự án Tâm lý tuổi teen bắt nguồn từ một nhóm các bạn học sinh lớp 12 có nhu cầu muốn nói ra những tâm tư, tình cảm với mong muốn nhận được sự đồng cảm từ mọi người. Khi nhận được đề án và xin bảo trợ chuyên môn từ Viện Tâm lý giáo dục, tôi rất hạnh phúc khi các em quan tâm đến vấn đề tâm lý và ngay lập tức đồng ý với đề án này".

Cuộc thi tìm hiểu tâm lý tuổi vị thành niên “Câu chuyện của tuổi Teen”: Ấn tượng, xúc động và lan tỏa - Ảnh 1.

Theo PGS.TS Hưng, lứa tuổi teen đã nhận thấy rằng các vấn đề tâm lý ở lứa tuổi này cần được chia sẻ và cần được nâng cao nhận thức. Không chỉ nâng cao nhận thức cho chính cho các con mà còn cho cả các bậc phụ huynh. Xét trên khịa cạnh chuyên môn, tâm lý là tính cách, xu hướng, khí chất, năng lực. Nếu được quan tâm đến vấn đề tâm lý, con người sẽ giống như cái cây được phát triển toàn diện, hoàn mỹ. Đặc biệt ở giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, nếu các em được phụ huynh hỗ trợ kịp thời thì thời gian đó sẽ diễn ra rất ngắn. Ngược lại nếu không được hỗ trợ, thời gian khủng hoảng sẽ kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống và thậm chí sau này có những "người lớn chưa trưởng thành".

Báo cáo về tỷ lệ mắc bệnh tâm thần tăng vọt trong độ tuổi teen vào những năm đầu trưởng thành cho thấy cứ 6 bạn thì lại có 1 bạn rối loạn trầm cảm nghiêm trọng ảnh hưởng tới các bạn khi đủ 18 tuổi. Nhẹ hơn là rối loạn lo âu ảnh hưởng tới 30% các bạn từ 13-18 tuổi. Chính những con số này đã thôi thúc Trần Mỹ Anh (Lớp 12G1, Trường THPT Newton) tìm hiểu sâu hơn về chủ đề tâm lý tuổi vị thành niên. Mỹ Anh và một vài bạn học sinh khác đã cùng nhau thảo luận và đề ra dự án "Nâng cao nhận thức về vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên" cùng hoạt động chính là cuộc thi "Câu chuyện của Teen" và xin bảo trợ từ Viện Tâm lý Giáo dục.

Cuộc thi tìm hiểu tâm lý tuổi vị thành niên “Câu chuyện của tuổi Teen”: Ấn tượng, xúc động và lan tỏa - Ảnh 2.

Những thông điệp ấn tượng trong cuộc thi.

"Một cái xe, một cái nhà được gọi là tài sản, một sức khỏe, một tinh thần vui vẻ cũng được gọi là tài sản. Đối với "Câu chuyện của Teen", em mong muốn cuộc thi sẽ tiếp cận được nhiều bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh, là cầu nối để các bạn có thể bộc lộ và truyền tải các cảm xúc chân thật nhất của mình mà trước nay chưa dám bộc lộ tới cộng đồng. Từ đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức công chúng về các nhu cầu sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và vị thành niên là cực kỳ cấp thiết" – Mỹ Anh chia sẻ. 

Tại thời điểm kết thúc nhận bài thi, cuộc thi "Câu chuyện của Teen" đã nhận được khoảng 200 bài. Điều này khiến BTC khá bất ngờ bởi cuộc thi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn lại vào đúng thời điểm học sinh ôn thi. BTC cuộc thi cũng cho biết, sức lan tỏa của cuộc thi đã vượt ngoài mong đợi. Cuộc thi đã nhận được rất nhiều bài viết hay về vấn đề tâm lý vị thành niên. Trong đó, đa số là những chủ đề, câu chuyện vô cùng quen thuộc nhưng lại được các bạn thí sinh khai thác ở những góc nhìn rất mới mẻ và sâu sắc. Những bài thi về trăn trở của bản thân với câu hỏi "Tôi là ai?", những vòng lặp trong cuộc sống khiến học sinh bế tắc…

Cuộc thi tìm hiểu tâm lý tuổi vị thành niên “Câu chuyện của tuổi Teen”: Ấn tượng, xúc động và lan tỏa - Ảnh 2.

PGS.TS Dương Hải Hưng - Viện Tâm lý giáo dục, BTC cuộc thi tìm hiểu về tâm lý tuổi vị thành niên chủ đề "Câu chuyện của Teen".

"Trong quá trình nhận bài thi có nhiều vấn đề khiến chúng tôi cần nhìn nhận đánh giá lại. Ví dụ như cách bố mẹ tạo áp lực lên con cái hoặc cách các thầy cô xử lý những rung động khác giới ở lứa tuổi teen làm sao cho khéo léo, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các học sinh. Bởi đôi khi chúng ta đang dùng ánh mắt của người lớn để đánh giá, phán xét các con" – PGS. Hưng tâm sự.

BTC cuộc thi cũng cho biết có rất nhiều những bài viết thật sự chất lượng. Điều này cũng khiến PGS.TS Hưng thôi thúc xây dựng bộ công cụ đánh giá tâm lý cho học sinh nhằm mục đích giúp các giáo viên biết được tâm lý của học sinh đang gặp vấn đề và can thiệp kịp thời.

"Là người sáng lập ra Viện Tâm lý giáo dục và cũng là người trong BTC cuộc thi, tôi đặc biệt mong mỏi các em học sinh sẽ viết thêm nhiều đề án nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh, Viện Tâm lý giáo dục sẵn sàng đảm bảo về mặt chuyên môn".

Được biết, BTC cuộc thi sẽ mời các chuyên gia về tâm lý ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam, Đại học Thủ đô để có cái nhìn công tâm hơn về kết quả các bài viết trong cuộc thi.

Bài viết tham dự sẽ được đăng tải trên Fanpage Viện Tâm lý giáo dục. Điểm thi sẽ được tính dựa trên 50% điểm bầu chọn và 50% điểm từ giám khảo (Dựa trên tiêu chí: có thông điệp rõ ràng, chân thực và có sự sáng tạo cao). Giải thưởng sẽ được công bố vào ngày 25/5/2023. 


Kim Dung
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn