Tư vấn tâm lý học đường cần được chuẩn hoá

07-06-2022 14:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông đang đối mặt với nhiều khó khăn nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, do không có biên chế, hầu hết cán bộ làm công tác tư vấn trong trường học đều là giáo viên kiêm nhiệm.

Xử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bìnhXử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bình

SKĐS - Liên quan đến việc một phụ huynh ở trường quốc tế ở TP. HCM tố con bị bạn học đánh, dưới góc độ quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng dù giải quyết sự việc theo cách nào thì cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình.

Bộ GD&ĐT cho biết, theo báo cáo của các địa phương, hiện nay hầu hết trường học đều thành lập Tổ tư vấn tâm lý. Riêng phòng tư vấn tâm lý thì tùy thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, hầu hết các trường có phòng riêng, có một số trường ghép chung với phòng Y tế.

Nhiều trường đang nỗ lực chuẩn hóa công tác tư vấn tâm lý học đường

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, nếu tính riêng ở Hà Nội, chỉ có hơn 20 trường trung học có hoạt động tham vấn học đường khá bài bản.

Dù chưa có cơ chế cho tư vấn tâm lý học đường, nhưng tại trường THCS Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhà trường đã quyết định dành một phòng trong nhà trường để mở phòng tư vấn tâm lý sau khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Cô Phí Thu Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có nhiều khó khăn khi phát triển phòng tâm lý học đường như: chưa có biên chế cho người phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường; giáo viên vừa làm công tác chuyên môn vừa kiêm nhiệm; không có thù lao cho các giáo viên làm công tác tư vấn; không có tài liệu hướng dẫn cho giáo viên cũng như học sinh về tâm lý học đường... Cô Hương mong muốn nhà trường có một chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh. Nếu chưa thể có ngay thì ngành giáo dục nên có một tài liệu hướng dẫn tư vấn tâm lý để giáo viên đọc và nghiên cứu. Bên cạnh đó là sách dành cho học sinh trong phòng tư vấn tâm lý học đường.

Cần chuyên nghiệp hóa các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học - Ảnh 2.

Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên tham gia một tọa đàm chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực tham vấn tâm lý học đường.

Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), dù mới đi vào hoạt động nhưng phòng tham vấn học đường của trường đã hỗ trợ cho rất nhiều em học sinh ổn định tâm lý, giải tỏa áp lực sau thời gian dài học online.

Phòng tham vấn học đường của Trường THCS Ngô Sĩ Liên được vận hành theo tiêu chuẩn 3C là chuyên môn - chuyên nghiệp và chuyên trách, ngoài việc tư vấn thì mô hình tham vấn này còn giúp nhận diện, dự phòng những vấn đề tâm lý học đường có thể phát sinh. "Phòng tham vấn học đường đã trở thành người bạn thân thiết, hỗ trợ với các thầy cô trên hành trình thấu hiểu học sinh của mình. Từ đó đưa ra những định hướng tốt nhất cho tập thể lớp trong học tập và các hoạt động ngoại khóa cũng như đồng hành với phụ huynh học sinh khi có tình huống phát sinh", cô Phạm Thu Hà - hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cụ thể hóa và xây dựng chuẩn nghề nghiệp cho các nhà tâm lý học học đường

Để đạt được mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021 - 2025 (đặt ra trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 của ngành Giáo dục), theo PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), trong bối cảnh hiện tại, nhà trường cần xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường, cũng như thực hiện các chính sách để thúc đẩy mã nghề và chứng chỉ cấp phép hành nghề cho các nhà tâm lý học học đường.

Một thuận lợi là, từ 26/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, có xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634), hiệu lực từ 15/1/2021. Nhưng sẽ cần tiếp tục cụ thể hóa và xây dựng chuẩn nghề nghiệp cho các nhà tâm lý học học đường. Cần xây dựng cơ chế để sớm cấp chứng chỉ hành nghề, tạo ra một con đường nghề nghiệp có triển vọng cho ngành này, bổ sung vào nguồn nhân lực các nhà tham vấn tâm lý trong tương lai.

Ông Nam cho biết, trong ngắn hạn, để xây dựng dịch vụ hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho học sinh, nhà trường cần cởi mở với các nguồn lực xã hội hóa. Tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng mô hình tham vấn học đường đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học. Các phòng/sở GD&ĐT cần thành lập nhóm gồm các chuyên gia tâm lý có trình độ, kinh nghiệm làm việc để hỗ trợ cho nhiều cụm trường; từ việc lên kế hoạch hoạt động, giám sát giáo viên đã được bồi dưỡng năng lực và nhận ca tham vấn can thiệp trực tiếp cho những trường hợp nặng.

Về phía Bộ GD&ĐT, ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ để tạo cơ chế và nhân sự trong nhà trường để tiến tới chuyên nghiệp hóa các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học tốt hơn.

Cách giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh khi các kỳ thi đang đến gầnCách giải tỏa áp lực tâm lý cho học sinh khi các kỳ thi đang đến gần

SKĐS - Do ảnh hưởng của COVID-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường, học sinh lại bước vào kỳ thi cuối năm và các kỳ thi chuyển cấp quan trọng… điều này đã khiến không ít học sinh bị áp lực và rơi vào khủng hoảng tâm lý.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn