Bạo lực học đường ngày càng có tính chất nghiêm trọng
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ba vụ bạo lực học đường. So với cùng kỳ, số vụ việc không tăng, không giảm nhưng tính chất vụ việc có nghiêm trọng hơn.
Có thể kể đến vụ bạo lực học đường nghiêm trọng vừa xảy ra hôm 7/4, tại Trường TH&THCS Ba Lòng (xã Ba Lòng, huyện Đakrông) mà cơ quan Công an hiện vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 15h chiều 7/4, nhóm bốn em gồm L., P., T., (học sinh Trường THPT Đakrông) và N.V.Q. (học sinh Trường Trung học cơ sở Krông KLang) đi xe máy đến Trường TH&THCS Ba Lòng.
Tiếp đó, em N.V.Q. vào trong trường dùng mũ bảo hiểm ném vào người em L.A.Q (học sinh lớp 9, Trường TH&THCS Ba Lòng). Lúc này, em L.A.Q. đã dùng dao thủ sẵn trong người từ trước, đâm khiến em N.V.Q. tử vong.
Ngay sau sự việc, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã có mặt tại hiện trường để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân, đồng thời chỉ đạo các Trường học có học sinh liên quan vụ việc ổn định tâm lý, để hoạt động dạy và học diễn ra bình thường.
Ông Phan Hữu Huyện – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, tình trạng bạo lực học đường thỉnh thoảng vẫn xảy ra trên địa bàn. Sở GD&ĐT đã có nhiều văn bản gửi tới đơn vị trường học, tổ chức nhiều buổi tập huấn cho đội ngũ tư vấn cho học sinh về việc bạo lực học đường. Ngoài ra, đưa các nội dung giáo dục pháp luật về bạo lực học đường vào các nội dung học chính khóa và ngoại khoá. Phối hợp với cơ quan chức năng để có các giải pháp truyền thông, tuyên truyền tới các em.
"Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng quy chế để chấn chính, giảm thiểu tình trạng này ở các trường học. Trong văn bản hướng dẫn hiện nay cũng chưa có các chế tài cụ thể, nên khi xảy ra các sự việc cũng rất khó để xử lý. Cho nên trong công tác đoàn, đội cần phối hợp cùng chính quyền để thực hiện tốt hơn việc truyền truyền phòng chống bạo lực học đường", ông Huyện nói.
Gia đình cần quan tâm các em nhiều hơn
Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, TS Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học sư phạm, Đại học Huế cho biết, bạo lực học đường xảy ra nhiều ở lứa tuổi THCS vì đây là độ tuổi nằm trong nhóm đang phát triển dậy thì, đang có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất đặc biệt là về tâm sinh lý. Các em rất thích thể hiện, hay bốc đồng, chưa có sự nhất quán trong suy nghĩ và hành vi.
Sự phát triển mạnh mẽ về thể chất và tâm lý nhưng nhận thức của các em lại không theo kịp. Do vậy, đứng trước những tác động gây căng thẳng, các em sẵn sàng sử dụng lời nói và hành động thiếu kiểm soát bởi nhiều khi các em chưa hình dung ra được hậu quả từ lời nói và hành động mà mình gây ra.
Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường trong đó có thể kể đến sự ảnh hưởng của phim ảnh, game bạo lực. Đặc biệt, những trào lưu trên mạng xã hội với các hành vi lệch chuẩn đã kích động các em từ trong suy nghĩ dẫn đến những hành động bắt chước.
Từ đó, các em có suy nghĩ rằng thực hiện các hành vi bạo lực rồi tung lên mạng sẽ thu hút được sự quan tâm, theo dõi của nhiều người, chứng minh điều mình làm có thể thu được sự quan tâm, khẳng định bản thân nhưng lại không nghĩ đến hậu quả.
Những vụ bạo lực học đường trừ tính chất bộc phát thì có nhiều vụ có ý đồ từ trước. Biểu hiện cụ thể đó là việc các em hẹn hò, rủ rê tới một địa điểm để thực hiện hành vi và có cả người quay clip lại. Những trường hợp này rơi vào nhóm nhận được ít sự quan tâm của gia đình, kết quả học tập năm ở mức độ chưa cao. Các em thiếu các kỹ năng giải quyết xung đột, quản lý cảm xúc hay kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ…
TS Nguyễn Thanh Hùng lấy ví dụ, khi gặp một người bạn, bạn ấy đang nổi nóng với mình nếu mình nổi nóng lại thì hậu quả sẽ lớn hơn. Nếu ngược lại, gặp bạn ấy nổi nóng, mình tìm cách lui mình về lại, thu mình lại hoặc có thể xin lỗi bạn ấy, có thể tránh đi, dùng những câu nói không kích động, tìm kiếm sự hỗ trợ của mọi người thì chắc chắn những hậu quả khi bị tấn công nó sẽ hạn chế đi.
"Rõ ràng những kỹ năng như vậy các em cần được học, nắm để khi gặp những tình huống như thế các em biết cách giải phóng, giúp cho đối phương giảm sự bực tức xuống thì những hành vi hung tính sẽ giảm bớt đi", TS Nguyễn Thanh Hùng nói.
TS Nguyễn Thanh Hùng cũng cho rằng, không thể đổ thừa cho hệ thống giáo dục của nhà trường vì thực ra từ xưa đến nay, nhà trường luôn rất quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, giáo dục các em nhưng số lượng học sinh quá đông, thầy cô không thể để ý, quan tâm, quán xuyến hết, trong khi thời gian học tập quá nhiều và nặng nề.
TS Nguyễn Thanh Hùng phân tích, có ba nhóm đối tượng, một là nhóm khi bị tấn công các em giải quyết thế nào, hai là nhóm nguy cơ, ba là nhóm ủng hộ. Cần có sự đồng thuận rất lớn để giải quyết những nhóm như thế. Ngoài trang bị cho các em kiến thức, nhận thấy được hành vi, hậu quả thì cần dạy cho các em kỹ năng ứng phó với mâu thuẫn khi đứng trước các tình huống.
"Để giảm thiểu bạo lực học đường, cần tuyên truyền nhiều hơn ở lứa tuổi học sinh trung học thông qua các giờ chào cờ, buổi nói chuyện của các chuyên gia. Ngoài ra, gia đình phải thực sự quan tâm tới các em, tới những thay đổi, hoạt động hàng ngày, bạn bè, biểu hiện tâm lý của các em.
Chính những điều này sẽ giúp phụ huynh giải quyết hoặc cùng nhà trường kịp thời nắm bắt tâm lý để kịp thời động viên, chia sẻ, ủng hộ, trao cho các em sự yêu thương để các em giảm bớt áp lực, thay đổ suy nghĩ, hành vi", TS Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nguyên nhân bất ngờ khiến Hiệu trưởng đánh Hiệu phó ngay tại trường