Xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm lọt thỏm ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Phòng Nha – Kẻ Bàng. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru – Vân Kiều) và người A Rem (dân tộc Chứt).
Để đến xã Tân Trạch, Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống phải di chuyển hơn 40 km từ TP. Đồng Hới theo tuyến đường Hồ Chí Minh tới thị trấn Phong Nha rồi rẽ vào Đường 20 – Quyết Thắng.
Đoàn tiếp tục vượt hơn 30 km đường rừng khúc khuỷu dưới những tán rừng bạt ngàn, hai bên là những dãy núi đá vôi trùng điệp của dãy Trường Sơn mới thấy lấp ló từ xa những nếp nhà sàn của đồng bào.
Chúng tôi vào thăm bản 39 và được những bậc cao niên của người A Rem kể rằng, trước năm 1956 người Arem chủ yếu vẫn sống trong các hang đá, rèm đá trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Khi được phát hiện, tộc người này đang đứng bên bờ vực của sự diệt vong khi chỉ còn 18 người. Cuộc sống của họ hết sức nguyên thủy, ở trong hang, mặc quần áo vỏ cây và đồ ăn, thức uống chủ yếu không qua đun nấu.
Được chính quyền vận động, bà con đã rời rừng sâu về lập làng ở xã Tân Trạch ngày nay, cuộc sống đổi thay từng ngày, bà con được cán bộ dạy cách chăn nuôi, trồng trọt. Trải qua nhiều thăng trầm, cuộc sống của đồng bào A Rem ở Tân Trạch nay đã có nhiều đổi mới.
Dưới cơn mưa rừng, bên bếp lửa dưới nếp nhà sàn, mệ (bà) Y Rú chỉ tay về những người con và nói "bọn nó được sinh ra trong hang, trong lều nhỏ đó". Tò mò hỏi, bà Y Rú kể bằng thứ tiếng phổ thông không được "sõi".
Trước kia người phụ nữ A Rem nào sắp đến ngày sinh thường vào trong hang đá hoặc người chồng sẽ vào rừng chặt cây lồ ô, lá rừng về dựng một cái lều nhỏ ở bìa rừng hoặc gần nhà để làm nơi sinh nở.
Quá trình "vượt cạn" sẽ được sự giúp đỡ của cô dì, chị em trong bản. Người ta dùng thanh nứa để cắt dây rốn cho trẻ. Thỉnh thoảng người chồng sẽ đến thăm nom, tiếp tế lương thực cho vợ.
Sau 7 ngày, chồng mới đón vợ con vào nhà. Với cách sinh nở kỳ lạ này, nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong hoặc bị mắc nhiều bệnh.
"Vợ sinh 6 lần, trước đây tôi làm lều nhỏ gần nhà cho vợ sinh. Có 2 đứa con chết khi mới sinh nên giờ chỉ có 4 đứa con thôi", anh Đinh Côi cho biết.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho thai phụ và trẻ, chính quyền và cán bộ y tế luôn nỗ lực tuyên truyền để người dân tìm đến trạm y tế để sinh con.
Chuyện "mưa lâu thấm đất" đã cho kết quả đáng ghi nhận. Anh Nguyễn Ngọc Quyền, y sĩ đa khoa Trạm Y tế xã Tân Trạch cho biết, sau những nỗ lực tuyên truyền, đồng bào nơi đây đã dần loại bỏ được "hủ tục" sinh con kỳ lạ, tin tưởng vào y học và tìm đến những y bác sĩ.
"Cách sinh nở trong hang, trong lều, dùng nứa cắt dây rốn gây nguy hiểm sức khỏe và tính mạng cho sản phụ và trẻ nhỏ. Ngoài công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị, trạm cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền và các tổ chức tham gia tuyên truyền việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe tới dân bản. Trong đó việc thay đổi phương thức sinh nở được chú trọng và đã có nhiều hiệu quả", y sĩ Quyền cho biết.
Khi được tuyên truyền và hiểu sự nguy hiểm của việc để vợ sinh ở lều nhỏ cạnh nhà, mới đây anh Đinh Côi đã đưa vợ đến sinh tại trạm y tế của xã. Con của anh ra đời khỏe mạnh dưới sự hỗ trợ của các nhân viên y tế.
"Vợ đến ngày sinh là đưa đến trạm để thầy thuốc giúp thôi. Hai đứa đầu mất lúc nhỏ khi sinh ở lều là tôi sợ rồi. Sinh ở trạm bác sĩ giúp là con cũng ít bệnh hơn. Sinh con xong bác sĩ còn đến hỏi thăm nên tôi vui lắm", anh Đinh Côi kể về thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của mình.
Ở gần cuối bản, bà Y Già cũng luôn nhắc đến sự nhiệt tình của thầy thuốc và nhân viên Trạm Y tế xã Tân Trạch khi nhân viên y tế đã nhanh chóng có mặt ở nhà bà để giúp con dâu bà "vượt cạn".
"Trước là sinh con ở trong hang, trong lều chứ giờ biết nguy hiểm rồi là phải đưa đến trạm để sinh. Con dâu tôi sắp sinh đau quá không tới trạm được, tôi đến nói với bác sĩ là họ đến nhà tôi ngay. Cho con dâu sinh ngay trong nhà chứ không đưa ra lều nữa, con dâu khỏe và cháu khỏe là chúng tôi vui lắm. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm", bà Y Già vui mừng.
BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Trạch cho biết, dù còn nhiều khó khăn, vất vả trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào nơi đây, nhưng những y bác sĩ, cán bộ, nhân viên của trạm luôn nỗ lực hết mình. Họ vui mừng khi nhận thấy sự đổi thay trong nhận thức và cuộc sống của bà con giữa đại ngàn.