Nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt khi vào mùa mưa lũ. Với việc nước lũ dâng cao, hạn chế các điều kiện sinh hoạt cơ bản,… là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh và lây lan trong cộng đồng.
Dự đoán trước nguy cơ đó, Sở Y tế tỉnh này đã sát sao chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai của đơn vị, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
"Rút kinh nghiệm từ các trận lũ trước, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, phương án chỉ đạo các trạm y tế phát động phong trào vệ sinh môi trường sau lũ, chủ động phòng chống dịch bệnh trước khi thiên tai xảy ra.
Trong đó, yêu cầu địa bàn là vùng "rốn lũ" luôn chủ động phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó kịp thời trước mọi tình huống phức tạp của thời tiết, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa bão", BS Đinh Viễn Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết.
Tại xã Tân Hóa, nơi được xem là "túi lũ" của huyện Minh Hóa (Quảng Bình), trong những năm trở lại đây, cứ mùa lũ đến, nhà nổi chính là nơi để người dân tá túc và bảo quản tài sản.
Nhằm giúp những ngày vượt lũ trên nhà tránh lũ thêm phần an toàn cho sức khỏe, các cán bộ y tế đã đến tận các hộ gia đình hướng dẫn người dân cách dự trữ lương thực, thực phẩm an toàn, cách sơ cứu khi bị thương trong lũ và hướng dẫn người dân dự trữ sẵn các loại thuốc men cần thiết.
Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cũng thống kê số lượng phụ nữ mang thai đến kỳ sinh nở để có biện pháp an toàn, giúp di dời người dân an toàn khi mưa lũ xảy ra.
"Đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong công tác phòng chống bão lũ; chuẩn bị các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh… Chỉ đạo các Trạm y tế tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân đảm bảo an toàn thực phẩm, nước sạch… trước, trong và sau bão lũ; thống kê báo cáo số lượng phụ nữ mang thai đến kỳ sinh nở để có biện pháp di dời an toàn", Bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết.
Ngành Y tế huyện Tuyên Hóa cũng chuẩn bị những phương án thiết yếu, điều trị các loại bệnh thường mắc sau bão lũ. Ngoài sự chuẩn bị về thuốc men, cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, trung tâm đã chỉ đạo các Trạm y tế, đặc biệt các địa phương có nguy cơ ngập sâu lên nhiều phương án, di dời trang thiết bị để đảm bảo không hư hỏng, đảm bảo khi bão lụt xảy ra vẫn có thể thực hiện khám, điều trị cho người bệnh ngay tại địa bàn trạm phụ trách, tránh vận chuyển bệnh nhân khi chưa thực sự cần thiết.
Còn tại huyện Lệ Thủy, một trong những địa phương vùng chiêm trũng, có phần lớn diện tích ngập sâu trong nước lũ hằng năm. Công tác đảm bảo sức khỏe cho người dân trong thiên tai được chú trọng và sớm thực hiện.
Theo đó, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy đã xây dựng kế hoạch hoạt động trong thời gian bão lũ, khắc phục thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng". Chủ động cấp cứu bệnh nhân tại các điểm xảy ra thiên tai, cũng như bảo vệ bệnh nhân và tài sản tại bệnh viện khi có lũ lớn.
Bên cạnh đó, các cơ số thuốc thiết yếu được đóng gói theo các danh mục cụ thể, các dụng cụ như áo phao, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ giúp sơ cứu tai nạn ban đầu được chuẩn bị đầy đủ. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị xe cứu thương, ca nô cùng các phương tiện khác để chủ động vận chuyển bệnh nhân kịp thời trong mọi tình huống.