Hà Nội

Chuyên gia nói gì về luận án tiến sĩ "phát triển... môn cầu lông" cho viên chức?

06-05-2022 15:40 | Xã hội

SKĐS - Trong khi Viện Khoa học Thể dục thể thao xác nhận đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng thì giới chuyên gia cho rằng đây giống tham luận hơn là luận án tiến sĩ.

Đề tài được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng

Những ngày qua, dư luận xôn xao về luận án tiến sĩ ngành giáo dục học với đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của tác giả Đặng Hoàng Anh.

Đề tài thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

Trang bìa luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, bảo vệ thành công năm 2022.

Luận án được công bố trên luanvan.moet.edu.vn - một website chính thức của Bộ GD&ĐT đăng tải thông tin luận văn tốt nghiệp và luận án tiến sĩ của các cơ sở đào tạo.

Người trong cuộc nói gì về luận án tiến sĩ môn cầu lông? - Ảnh 1.

Trang bìa luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, bảo vệ thành công năm 2022.

Ông Đặng Hoàng Anh xác nhận là tác giả của luận án nói trên và từ chối đưa ra bình luận.

Trước đó, ông Đặng Hoàng Anh cũng từng công bố nghiên cứu "Thực trạng nhu cầu, động cơ và hứng thú tập luyện Cầu lông của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La".

Trong khi đó, ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được hướng dẫn và bảo vệ tại viện. Nội dung đề tài được công bố tháng 12/2021 và nghiệm thu thành công cấp viện ngày 19/1/2022.

Trước băn khoăn về chất lượng của luận án tiến sĩ này, ông Hiếu khẳng định, đề tài được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy định.

Giới chuyên gia nói gì?

Bàn về vấn đề trên, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: "Đọc tóm tắt những cái gọi "mới" của luận án thì chẳng có gì mới và không chút hàm lượng khoa học nào, nên chẳng thể coi là kết quả nghiên cứu. Nó giống với báo cáo tổng kết năm của Sở Văn hóa thể thao du lịch nhiều hơn. Không hội đồng chấm luận án có những ai và đánh giá thế nào?"

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, đề tài trên quá nhỏ để mang ra thực hiện một đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ. 

"Có thể thấy khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài ở Viện Khoa học thể dục thể thao đang có vấn đề. Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, copy-paste cần được loại bỏ ngay lập tức", TS Vinh nói.

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam thì đưa ra một chi tiết dở khóc dở cười ở chính Viện của mình: Có vị, làm tiến sĩ nông nghiệp mà khi kiểm tra thực tế ở ngoài ruộng không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa!.

Người trong cuộc nói gì về luận án tiến sĩ môn cầu lông? - Ảnh 2.

Luận văn với lời giới thiệu “những đóng góp mới” được đăng tải công khai trên một website của Bộ GD&ĐT

Một giáo sư của Đại học Quốc gia Hà Nội băn khoăn: "Không riêng luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT ngập tràn đề tài tiến sĩ về các môn cầu lông, bơi lội...". 

Cụ thể, trên chuyên trang này còn có đề tài "Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên đại học khối các trường kỹ thuật TP Thái Nguyên" của TS Nguyễn Trường Giang, cơ sở đào tạo là Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh; đề tài "Xây dựng chương trình thể thao ngoại khóa cho sinh viên Trường ĐH Hùng Vương tỉnh Phú Thọ" của TS Lưu Thị Như Quỳnh, cơ sở đào tạo là Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh...

Chưa kể, chuyên trang này cũng lưu giữ thông tin của nhiều đề tài với nội dung na ná nhau, ví dụ: "Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường ĐH Phú Yên", "Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường ĐH Hải Phòng"...

"Một công trình nghiên cứu, đặc biệt là luận án tiến sĩ, được yêu cầu phải có tính mới, tính ứng dụng, có phương pháp nghiên cứu khoa học bảo đảm độ tin cậy thì mới được xem là đạt chất lượng. Đó là những yêu cầu được Bộ GD&ĐT đặt ra. Nhưng, chúng ta đang thấy những gì? Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, không thể công nhận những tiến sĩ kém chất lượng", vị chuyên gia thẳng thắn.

Bảo Nguyên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn