Hà Nội

Người thầy thuốc và bản luận án cuối cùng

05-04-2009 07:08 | Thời sự
google news

Trong cuộc đời, có những con người, ta chỉ được gặp vài lần, lưu trong trí nhớ một ấn tượng nào đó... rồi họ mất hút trong ký ức quá tải của ta giữa điệp trùng bao mối giao lưu trong xã hội.

Trong cuộc đời, có những con người, ta chỉ được gặp vài lần, lưu trong trí nhớ một ấn tượng nào đó... rồi họ mất hút trong ký ức quá tải của ta giữa điệp trùng bao mối giao lưu trong xã hội. Anh bạn nhà văn - bác sĩ Hà Trung Nghĩa suýt là một người như vậy với tôi!

Năm ấy, khi tôi mới về làm cán bộ biên tập tờ tạp chí Núi Tản-Sông Đà của tỉnh Hà - Sơn - Bình (1976) thì Hà Trung Nghĩa nằm trong danh sách các cộng tác viên thơ, có ghi rõ bác sĩ khoa ngoại bệnh viện tỉnh Hoà Bình cũ (vừa sáp nhập với Hà Tây), mà tôi có nhiệm vụ phải tìm hiểu cả về thơ và con người tác giả. Ở một tỉnh miền núi, có một cây bút trí thức trẻ người dân tộc làm hạt nhân cho phong trào là của quý với chúng tôi.

 Bác sĩ Hà Trung Nghĩa.

Vốn thích tìm hiểu những vùng đất mới, tôi chuẩn bị  chuyến đầu tiên lên Hoà Bình thì anh bạn đồng nghiệp, nhà văn  Phạm Ngọc Chiểu bảo tôi "Hà Trung Nghĩa độ này mê văn xuôi rồi. Nghĩa vừa viết thư cho tôi, có câu: Cuộc sống bộn bề và phong phú quá! Thơ không thể nói hết những suy nghĩ của mình! Chuyến này anh em ta cùng đi, nhưng để tôi làm việc với Nghĩa về cái truyện ngắn anh vừa gửi, chỉ cần chỉnh lại một chút là thành một truyện khá hay! Anh gặp Đinh Đăng Lượng (nhà thơ Mường) trước nhé!...".

Thế là buổi sơ giao gặp Hà Trung Nghĩa, tôi chỉ được cùng anh và Phạm Ngọc Chiểu tản bộ, ra thăm vườn táo nhà anh ở phường Thịnh Lang ven bờ sông Đà, trò chuyện về văn thơ và cuộc sống xứ Mường. Chúng tôi luồn lách, chọn những trái táo vừa chín tới nhai rau ráu, rồi được tắm mát ngay bãi sông thoai thoải cuối vườn nhà anh.

Rồi, đáng lẽ với tôi, Nghĩa sẽ mất hút trong... Gió bụi nhân gian (tên cuốn tiểu thuyết của anh - 2001) khi anh nhập ngũ, đóng lâu dài ở một tỉnh phía Bắc và tôi chuyển về Hà Nội làm báo Độc Lập. Họa hoằn chỉ có thể gặp nhau trên trang báo, cuốn sách hoặc một vài tin tức về anh do vô tuyến truyền... mồm qua các bạn văn (anh được kết nạp Hội Nhà văn năm 2002, ngoài cuốn sách trên, anh còn xuất bản tập truyện ngắn Hoàng hôn, 1995 và hai cuốn tiểu thuyết: Lửa trong rừng samu, 1996, Bão từ hai phía, 2006).

Thế là, hôm nay, tôi chủ động về gặp lại "cố nhân" sau  33  năm cách biệt, chỉ nhờ một giao điểm: Tôi làm báo của Bộ Y tế, còn anh là một bác sĩ  tài hoa và đa năng trong nghề nghiệp, với hai chục năm làm công tác quản lý một bệnh viện đa khoa cấp tỉnh.      

Hà Trung Nghĩa là con út một gia đình Mường đã nghèo lại đông con tại xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Thuở nhỏ, Nghĩa là một đứa trẻ còi cọc, yếu đuối. Lớp 1, lớp 2 học ở nhà, khi đến trường phải khai rút tuổi vì sợ học chậm so với con người khác. Nào ngờ anh lại là học sinh giỏi suốt những năm học phổ thông. Vào Đại học Y khoa, anh vẫn giữ mức học chuyên cần và thông minh, điểm 9, điểm 10 với anh là chuyện bình thường. Tình yêu đậm thêm lòng nhân ái đã gắn kết họ thành một gia đình bền vững đến hôm nay. Năm thứ ba đại học, họ có đứa con đầu, phải gửi về cho ông bà nuôi. Vừa học, họ vừa tìm cách cải thiện cho gia đình ở nhà đỡ khó khăn. Thí dụ nhiều lần, Nghĩa phải về tận chợ Lồ huyện Tân Lạc mua thóc rẻ, tự xay thành gạo để chở về vùng quê Yên Lập - Phú Thọ đỡ đần cả cho chị dâu và  các cháu nhỏ.

Hà Trung Nghĩa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội cuối năm 1972, về công tác Bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Anh được phân công làm việc tại khoa ngoại, và nổi tiếng về khéo léo "mát tay" trong phẫu thuật mà hồi đi thực tập, anh đã được các bạn các thầy khen ngợi.

Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình - nơi BS. Hà Trung Nghĩa đã dành rất nhiều tâm huyết...

Năm 1979, anh nhập ngũ với quân hàm đại úy, Đại đội trưởng quân y của Quân khu 2, đến năm 1987 mới về lại Bệnh viện Hòa Bình công tác. Tám năm rèn luyện trong quân ngũ, anh trở thành một bác sĩ đa khoa rất vững tay nghề, vừa do kinh nghiệm thực tiễn, vừa nhờ những năm học  rất quy củ của anh ở hệ đại học...

Nghĩ về lâu dài, anh đề nghị giám đốc bệnh viện cho đi học chuyên khoa sau đại học. Nhưng tình hình bệnh viện lúc đó rất cần một trưởng phòng kế hoạch tổng hợp mà không ai đủ trình độ và uy tín như anh.       

Vậy là từ 1989, anh làm công tác trưởng phòng kế hoạch đến 8 năm.

Tiếp đó, tháng 2/1997, anh được bổ nhiệm Phó Giám đốc thường trực, đến nay đã quá hai nhiệm kỳ (hơn 12 năm). Anh tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy của đồng nghiệp. Đó là con người cẩn trọng trong mọi trường hợp: trong công tác điều hành, quản lý một bệnh viện lớn, trong đối nhân xử thế và chỉ đạo công tác chuyên môn, kỹ thuật phục vụ người bệnh.

Bệnh viện tỉnh gồm 8 phòng và 23 khoa, anh thuộc trình độ, cá tính từng vị trưởng phó phòng, trưởng phó khoa đến các bác sĩ, y tá... Phó giám đốc thường trực, đó là chức vị thượng vàng hạ cám, việc gì cũng đến tay. Từ việc lớn phụ trách khối hậu cần, sao cho trang thiết bị thuốc men không bao giờ được thiếu, dù số bệnh nhân lên tới 600 hoặc cao hơn nữa. Anh trực tiếp làm chủ tịch hội đồng thuốc và điều trị, quản lý chặt các loại thuốc quý hiếm. Khi giải quyết công việc, anh luôn đặt lợi ích chung lên trên nên không tránh khỏi đụng đến quyền lợi một vài cá nhân, gây nên ân oán...

Khi vị nữ giám đốc bệnh viện đến tuổi nghỉ hưu, việc phó giám đốc thường trực lên thay như một sự hiển nhiên, vì ở bệnh viện này, dù giám đốc vắng nhà cả tháng, công việc vẫn trôi chẩy. Quả nhiên, có quyết định của tỉnh: Hà Trung Nghĩa là người nhận sự bàn giao của giám đốc về hưu.

Nhưng Hà Trung Nghĩa, con người trung thực với tầm nhìn người, nhìn việc thấu đáo của một nhà văn, anh thấy ngay: Dù anh có nhận bàn giao, chính thức làm giám đốc một thời gian, anh vẫn không thể trụ lâu ở cương vị này, dẫu khả năng điều hành, quản lý giỏi đến đâu, anh vẫn thiếu một tiêu chuẩn: học vị sau đại học chưa có, do gần chục năm tại ngũ, do liên tục phụ trách những nhiệm vụ không dứt ra mà đi học được! Chưa kể tuổi nghỉ hưu của anh cũng gần kề. Được tiếng là ông giám đốc bệnh viện nghỉ hưu cũng có "oai" hơn, thêm được bậc lương. Nhưng thuận lợi cho bệnh viện sao bằng ngay từ bây giờ, tìm một người trẻ, đủ năng lực, có bằng cấp đáp ứng được yêu cầu. Từ lâu, anh chú ý đến T.Q.D., một cán bộ trẻ, kém anh hẳn 15 tuổi, đang học khóa hai năm để lấy bằng thạc sĩ y tế cộng đồng. D. thông minh, linh hoạt và quyết đoán. Năng lực giao tiếp đối ngoại để thuyết phục được các đối tác, đem lợi ích về cho bệnh viện đã được chứng tỏ: Suốt hai năm 2001, 2002, vị giám đốc cũ và anh đã trầy trật gõ cửa nhiều nơi mà không đạt kết quả. Đến năm 2003, D. vào cuộc và đã đem về được dự án xây dựng lại bệnh viện trong hoàn cảnh vừa đi học vừa lo vận động cho dự án. Rồi sang năm 2004, anh hút thêm được dự án Jica của Nhật, xây dựng khu kỹ thuật cao 3 tầng, 4 buồng phẫu thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, một khoa hồi sức điều trị tích cực, một khoa huyết học và truyền máu, trị giá dự án đến 140 tỷ đồng. Nghĩa kể với tôi một cách chân thành "Tuy anh ấy còn rất trẻ, lỗi lầm của tuổi trẻ  không ai tránh được. Nhưng cái anh làm được là dự án Jica 140 tỷ đồng và hoàn thành đề án khả thi xây lại toàn bộ bệnh viện trên 200 tỷ đồng vốn do Nhà nước cấp. Đó là những điều thế hệ tôi đã không làm được. Về đào tạo, anh là người có tầm nhìn. Đang thiếu bác sĩ (mà lúc nào chả thiếu!), anh vẫn mạnh dạn sắp xếp cho người đi học...". Mục tiêu ba năm tới đưa Bệnh viện tỉnh Hòa Bình thành bệnh viện loại I của Trung tâm khu vực Tây Bắc là trong tầm tay!

Những việc lớn đó, nếu không do một người tháo vát, đầy đủ kiến thức, sức khỏe và thời gian điều hành như T.Q.D. thì còn ai có thể đảm trách? Hà Trung Nghĩa thấy D. dường như không có đối thủ để so sánh.

Nhưng đó là cách nhìn của anh. Một cương vị có trách nhiệm lớn tất kèm theo những quyền lợi không nhỏ sẽ làm nẩy sinh những đối thủ khác, với các thế lực ủng hộ. Cách đạt đến đích trong cuộc đua dễ làm nhất là hạ thấp đối thủ, "chặt chân đối thủ để mình cao hơn"!.

Thế là trường hợp "ngựa hay có tật" T.Q.D. được tái hiện với mức độ phê phán anh quyết liệt. Những sai sót được ghi nhận trong quá trình làm việc của D. được vạch vòi, soi lên, được khuếch đại trong dư luận và cả công luận báo chí truyền thông...

Nhưng Hà Trung Nghĩa tự tin ở sự chọn lựa của mình, nắm chắc những sai sót trên chỉ đáng bị phê bình rút kinh nghiệm! Phải nhìn vào năng lực thực sự và hướng đi, biện pháp hoàn thành nhiệm vụ của một con người. Anh tổ chức cuộc họp gồm các trưởng phó phòng, trưởng phó khoa cho đánh giá những việc làm được của D. từ khi về bệnh viện và những thiếu sót. Kết quả cuộc họp sẽ là cơ sở để anh giải thích, chứng minh, "tả xung hữu đột" với công luận, với giới chức y tế và tổ chức tỉnh cả bằng lý lẽ, cả bằng những bài báo tranh luận. Anh coi đây như một "luận án" cuối đời của mình, vì sự nghiệp xây dựng bệnh viện mà anh dành cả đời cống hiến cho nó... Và mục tiêu của anh đã đạt được: T.Q.D. trở thành Giám đốc bệnh viện.

Có người bảo anh dại. Sao không mặc việc đời: "tuần tự nhi tiến", nhận chức giám đốc độ một hai năm, anh dư sức đảm nhiệm khi chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm quản lý không thiếu?. 

Nhưng... nếu lui một bước mà bảo đảm cho tương lai vững chắc của bệnh viện như anh hình dung, vẫn là niềm vui lớn với anh! Còn hơn... ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra một, hai năm sau đó?... 

Tôi may mắn được về thăm lại anh khi cơn bão lớn đã đi qua, được chứng kiến "tòa ngang dãy dọc" của hai dự án trên đã được thực hiện với một vài công trình đang hoàn thiện. Còn anh thì ung dung chuẩn bị "hạ cánh" để toàn tâm cho những trang viết hẳn sẽ là hồi âm của cuộc chống cơn bão lớn anh góp phần chèo lái gần hai năm trời... 

Vân Long


Ý kiến của bạn