“Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, GS. Nguyễn Thiện Thành đã dốc hết nghị lực và tâm huyết để xây dựng BV Thống Nhất. Ông không những là người đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển chuyên ngành Lão khoa, mà còn là nhà giáo mẫu mực hết lòng vì học trò, một nhà khoa học nghiêm túc với nhiều công trình được ứng dụng thiết thực hiệu quả trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Ông là một bậc thầy trong lĩnh vực y tế nước nhà”, PGS. Kim Tiến viết.
Tôi chỉ muốn học y khoa, muốn trở thành bác sĩ
Cố GS.TS.TTND. Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30/9/1919 tại xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Phụ thân ông là cụ Nguyễn Văn Thọ, một thầy giáo tiểu học trường tỉnh. Không chỉ tích cực trong việc vận động thanh niên hăng hái rèn luyện thể lực, cụ Thọ còn tích cực tham gia các phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, hưởng ứng cuộc vận động dân chủ của Đảng vào năm 1936 - 1938. Trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình cụ là cơ sở J22 (Cục Tham mưu Miền, B2). Thân mẫu của GS. Nguyễn Thiện Thành, cụ Nguyễn Thị Thàng, một phụ nữ nông dân đảm đang, tảo tần, chăm lo cho 7 người con ăn học nên người.
Năm 1936, Nguyễn Thiện Thành được gửi lên trường Lycée Pétrus Ký Sài Gòn (nay là trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) để hoàn tất chương trình tú tài. Ông nằm trong danh sách được Cơ quan Điều hành Giáo dục Đông Dương (DIRIP) chọn để cấp học bổng sang Pháp du học. Nhưng khi tìm hiểu kỹ sự thật, ông phát hiện, học bổng DIRIP chỉ dành cho ba chuyên ngành mà chính phủ Pháp quy định gồm võ bị, thương mại cao cấp hoặc chính trị. Nguyễn Thiện Thành nhận thấy những trường trên không hợp với sở nguyện, hơn thế Pháp chỉ muốn đào tạo thế hệ tay sai mới, bổ sung cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, con trai của GS. Nguyễn Thiện Thành, cùng mẹ trong Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha
Nguyễn Thiện Thành khẳng khái bày tỏ quan điểm: “Tôi không muốn học trong ba trường mà các ông yêu cầu, tôi chỉ muốn học y khoa, muốn trở thành bác sĩ”. Đại diện DIRIP trả lời: “Ở Đông Dương, ngay tại Hà Nội cũng có trường thuốc, khỏi phải sang Pháp làm gì cho tốn công tốn sức”.
Thế là Nguyễn Thiện Thành khăn gói ra Hà Nội để kịp dự thi vào khoa Y, ĐH Đông Dương Hà Nội. Những năm cuối cùng ở khoa Y, Trường ĐH Đông Dương Hà Nội, của sinh viên Nguyễn Thiện Thành chính là những năm tháng ông được chứng kiến sự chuyển biến tình hình chính trị một cách nhanh chóng, ảnh hưởng lớn đến vận mệnh đất nước.
Nhà tù, nơi khởi động phác đồ điều trị sốt rét “Filatov”
GS. Nguyễn Thiện Thành là một trong những cán bộ chủ chốt được chọn vào lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam trên chuyến tàu Không số, theo con đường huyền thoại “Hồ Chí Minh trên biển”. Nhìn lại cả cuộc đời phục vụ quân đội và nhân dân, GS. Nguyễn Thiện Thành đã có nhiều cống hiến to lớn cho nền y học Việt Nam.
Là một BS, ông luôn tận tụy làm việc, đau đáu với từng ca bệnh và trăn trở để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Đau đớn trước hàng ngàn tân binh bị sốt rét hoành hành, nhiều người đã ngã xuống khi chưa kịp ra mặt trận, GS. Nguyễn Thiện Thành đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra phác đồ điều trị sốt rét hiệu quả, giúp bộ đội tái tạo sức khỏe, trở lại chiến trường. Đó chính là sáng chế Filatov, với tác dụng tuyệt vời trong việc tăng cường khả năng đề kháng, giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật.
Điều đáng ngạc nhiên, phương pháp này được ông tiếp cận trong nhà tù của thực dân Pháp với sự giúp đỡ tìm tài liệu y khoa của một sinh viên năm thứ ba của trường ĐH Y khoa Paris bị bắt lính dưới chế độ quân dịch. Ở đó, ông đã tìm thấy bài báo của H. Vachon. H.Vachon đã đề cập sâu đến tính hiệu quả khi áp dụng phương pháp Filatov. Bằng sự nhạy cảm của một nhà khoa học trẻ, Nguyễn Thiện Thành cho rằng đây là một thành tựu mới của nền y học thế giới có nhiều triển vọng áp dụng vào điều kiện chiến trường miền Nam.
Cuối năm 1950, Pháp và Việt Nam có cuộc trao đổi tù binh, BS. Nguyễn Thiện Thành tự do về lại khu 9. Ông đã đề xuất ứng dụng sáng tạo phương pháp này bằng cách lấy bánh nhau sản phụ đặt trong môi trường tủ lạnh.
Theo nguyên lý, bánh nhau là một tổ chức tế bào sống, nếu được đặt trong nghịch cảnh, các tế bào bánh nhau sẽ huy động sức tự vệ để tồn tại và phát huy sức tự vệ để tồn tại và sản xuất ra chất sinh động tố (Biostimuline). Đem cấy bánh nhau này vào cơ thể hoặc lọc các chất sinh động tố để tiêm vào cơ thể, sẽ là liều thuốc tốt để điều trị bệnh.
Ngày 27/11/1951, BS. Nguyễn Thiện Thành bắt đầu thực nghiệm phương pháp điều trị bằng tổ chức liệu pháp Filatov trên người bệnh tại Viện Quân y Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Bánh nhau đầu tiên được đặt trong chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu hôi do một vị hòa thượng hiến tặng.
Ca cấy nhau đầu tiên được thực hiện ở một bệnh binh suy kiệt cơ thể do bệnh sốt rét kéo dài. Chỉ ít ngày sau khi được cấy nhau, người bệnh có sự thay đổi đáng mừng. Không những ăn, ngủ tốt, da dẻ đỡ xanh xao mà tinh thần người bệnh luôn sảng khoái, vui vẻ. Nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy, những thương binh sau khi phẫu thuật bụng, được điều trị bằng cấy nhau, vết mổ dễ lành sẹo hơn, chống được sẹo lồi.
Những người bị eczema với những tổn thương thành mảng viêm da, phù nề, được điều trị bằng Filatov, tổn thương nhanh chóng thu gọn, hết rỉ dịch, khô và thu nhỏ lại. Đặc biệt, Filatov còn hiệu quả đối với bệnh nhân viêm khớp có những cơn đau cấp tính.
Sau hơn một năm với 44 lần cải tiến kỹ thuật, thực hiện hơn 3.000 ca cấy nhau, phương pháp Filatov không những góp phần ngăn chặn bệnh tật, còn giảm tỷ lệ tử vong của thương bệnh binh.
Bà Dương Thị Minh - phu nhân của GS. Nguyễn Thiện Thành
“Thêm sức sống cho tuổi đời”
GS. Nguyễn Thiện Thành, người đặt nền móng cho Lão khoa, từng nói rõ quan điểm: “Kéo dài tuổi thọ là việc không có ý nghĩa, không những không đáp ứng được nguyện vọng của con người, mà còn có thể là việc làm tàn nhẫn nếu không kèm theo hai nội dung cơ bản: Sức khỏe tốt và khả năng hoạt động sáng tạo, lý thú đối với bản thân và có ý nghĩa đối với người khác. Chính vì xuất pháp từ quan điểm ấy, khoa học tuổi thọ hiện đại xác định tôn chỉ, mục tiêu: Không những “thêm năm tháng cho sự sống” mà nhất thiết phải “thêm sức sống cho tuổi đời”. Đó mới là hạnh phúc thực sự”.
GS. Thiện Thành đã có những nghiên cứu rất kỹ về tuổi thọ của con người trên thế giới. Trong cuốn “Đặc điểm cơ thể người có tuổi về mặt bảo vệ cơ thể”, GS. Thành đã đưa ra những con số: “Hiện nay, số người có tuổi trên hành tinh chúng ta đông hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử của loài người và có xu thế tăng thêm nhanh chóng. Năm 1950, mới có 200 triệu người tuổi từ 60 trở lên, năm 1970, con số này tăng lên 307 triệu, năm 1975, lên 350 triệu đến năm 2000 - tức 16 năm nữa - số ấy là 580 triệu… Rõ ràng đây là hiện tượng có tính bùng nổ, phát triển, một biến động có quy mô toàn cầu”.
Theo GS. Thành, trường thọ không còn là may mắn riêng của thiểu số. Quan trọng hơn, trên khắp hành tinh này, không những người ta sống lâu hơn ngày xưa mà cuộc sống còn tốt đẹp hơn. Tuổi cao không còn đồng nghĩa với mong manh và lệ thuộc vào thành phần trẻ hơn của gia đình và xã hội. Rõ ràng, tuổi thọ của con người tăng do biết sử dụng tài nguyên của thiên nhiên có hiệu quả hơn, biết bảo vệ và củng cố sức khỏe có hiệu lực hơn. Việc hàng trăm triệu người đạt tuổi thọ cao là một thành tựu đáng tự hào chứ không phải là một tai họa mới. Ông còn nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là Kaglutam và Spirulina (tảo xoắn xanh của Việt Nam) có tác dụng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trong số 35 đầu sách của GS. Nguyễn Thiện Thành, có tới 23 đầu sách nghiên cứu về sức khỏe, bệnh tật, cách chăm sóc và giữ gìn sức khỏe của người cao tuổi. Nhiều thế hệ học trò đã vô cùng ngưỡng vọng ông về tầm nhìn rất xa về y khoa. Gần 30 năm trước, khi dân số nước ta còn rất trẻ, GS. Thành đã từng viết hai cuốn sách: “Các bệnh thường gặp ở người có tuổi” và “Cấp cứu những tình huống ưu tiên ở người có tuổi”.
Thấu hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe đối với người cao tuổi, cùng với việc nghiên cứu kỹ lưỡng những tài liệu liên quan vấn đề tích tuổi, GS. Nguyễn Thiện Thành là người có công đặt viên gạch đầu tiên cho bộ môn Lão khoa còn mới mẻ, lạ lẫm đối với Việt Nam thời kỳ đó. Theo GS.TS.TTND. Nguyễn Đức Công, nguyên Giám đốc BV Thống Nhất, với tầm nhìn xa và cái tâm lớn, hơn 4 thập niên trước, GS. Nguyễn Thiện Thành đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ông đã sáng lập bộ môn Lão khoa từ năm 1986 và giúp bộ môn này phát triển thành một Trung tâm Lão khoa hàng đầu của khu vực và cả nước.
- GS. Nguyễn Thiện Thành đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm GS, là đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Năm 1985, GS. được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, GS. Nguyễn Thiện Thành tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu TTND.
- PGS.TS.BS. Lê Đình Thành - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, khẳng định, nhiều thế hệ học trò của GS. Nguyễn Thiện Thành đã nhận xét rằng, cả cuộc đời ông yêu và nặng nợ với ngành y. Ngoài thời gian cho công tác quản lý bệnh viện, còn lại ông dành cho việc nghiên cứu, học tập kiến thức y khoa. Trong công việc, ông nghiêm khắc với cấp dưới và nghiêm khắc với chính mình bởi ông hiểu rõ, bất cứ một sai sót nào của bác sĩ dù là nhỏ cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của con người. Ông hiểu rõ, xuyên suốt cuộc đời mình, ông chỉ có một luận án duy nhất, đó là sức khỏe của nhân dân và ông đã tận hiến không mệt mỏi để hoàn thành xuất sắc luận án đó.
- Buổi Lễ Kỷ niệm có sự tham dự của bà Dương Thị Minh - phu nhân của GS. Nguyễn Thiện Thành; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân - con trai của GS. Nguyễn Thiện Thành; các thế hệ lãnh đạo của Bệnh viện Thống Nhất, lãnh đạo các đơn vị ông đã từng công tác, các thế hệ học trò, đồng nghiệp - những người đã từng được làm việc và chiến đấu cùng với ông…
- Đằng sau con người trí tuệ uyên thâm, trái tim hừng hực lửa cách mạng, tấm lòng nhân hậu với học trò và cốt cách của một người chồng, người cha, người ông đúng chất Nam Bộ, trong Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, chia sẻ có dấu ấn của một nửa kia của cuộc đời cha ông, cô y tá chiến trường, người đồng đội cùng là đồng hương Càng Long, tỉnh Trà Vinh, bà Dương Thị Minh. Tình yêu giữa họ như một đốm sáng, như vì sao mai tiếp thêm niềm tin và hy vọng, dắt họ hồn nhiên băng qua chiến tranh, và cho đến ngày ông đi nhẹ tênh, qua bên kia bầu trời.