SKĐS - Tại Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và Trao giải Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội, có một nhân vật đặc biệt - người được tri ân của Giải đặc biệt lần này- BSCKII Võ Thái Trung đến từ BVĐK tỉnh Bình Dương.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có dịp trao đổi với BSCKII Võ Thái Trung, Trưởng Đơn nguyên Chấn thương Chỉnh hình 2, BVĐK tỉnh Bình Dương ngay sau khi anh lên nhận giải.

BS Võ Thái Trung chia sẻ cảm nghĩ tại Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và Trao giải Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI.

PV: Khi trở thành Nhân vật trong tác phẩm được giải đặc biệt ở cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" lần này, từ Bình Dương xa xôi ra đón 'cái rét ngọt' ngoài miền Bắc, cảm nhận của bác sĩ như thế nào?

Đó là điều bản thân tôi chưa từng nghĩ đến, là nhân vật hay giải thưởng đều quá bất ngờ. Trở lại Hà Nội, nơi tôi từng học tập và làm việc là trải nghiệm hạnh phúc. Không chỉ cái lạnh mà tất cả những gì thuộc Hà Nội đều khiến tôi đong đầy cảm xúc. Những tình cảm, những hình ảnh, những dãy phố… đều làm tôi thấy thật ấm áp, tôi sẽ lưu giữ thật nhiều những ký ức quý giá này.

Chúng tôi chỉ mong trả lại hình hài đầy đủ nhất cho bệnh nhân- Ảnh 1.

PV: Được biết: "Phương pháp Cấy ghép cẳng chân đứt lìa vào cẳng chân bên lành để nuôi dưỡng, chờ sức khỏe người bệnh hồi phục để cấy ghép" ở Việt Nam và trên thế giới chưa có tiền lệ, nhưng bác sĩ và ekíp vẫn quyết định thực hiện và thành công. Xin bác sĩ cho biết, động lực nào khiến anh và các đồng nghiệp có ý tưởng đó?

Chúng tôi chỉ mong trả lại hình hài đầy đủ nhất cho bệnh nhân- Ảnh 2.

Phương pháp Cấy ghép cẳng chân đứt lìa vào cẳng chân bên lành để nuôi dưỡng, chờ sức khỏe người bệnh hồi phục để cấy ghép.

Việc cấy ghép cẳng chân dập đứt lìa vào chân lành để cấp máu nuôi sống tạm thời, chờ sức khỏe người bệnh qua cơn nguy kịch và vết thương hết nhiễm trùng rồi chuyển ghép trả lại xuất phát từ một tình huống cấp cứu. Tính mạng bệnh nhân đã được kíp trực đặt lên hàng đầu, nhân viên y tế sẽ không vì cố gắng cứu chân đứt lìa mà đánh đổi tính mạng người bệnh.

Tuy nhiên nếu tính mạng người bệnh được hồi sức và qua cơn nguy kịch thì phần chân đứt lìa đã không còn có thể nối lại, vì thời gian thiếu máu của chân đứt lìa hay nói cách khác là thời gian mình có thể bảo quản chân đứt lìa có hạn, khoảng từ 6 đến 8 giờ, đó là chưa tính đến thời gian trong lúc mổ. Vì vậy bằng một cách nào đó mà ta có thể cấp máu tạm thời và liên tục cho chân đứt lìa đó để bảo quản (nuôi sống) chân đứt lìa được lâu hơn.

Chúng tôi chỉ mong trả lại hình hài đầy đủ nhất cho bệnh nhân- Ảnh 3.

Xuất phát từ mục tiêu vừa cứu sống người bệnh, vừa có thể bảo quản và nối lại chân cho người bệnh để tránh tàn phế nên kíp trực đã quyết định ghép tạm vào chân lành, bằng cách này chân đứt lìa sẽ được cấp máu liên tục, được nuôi sống và có thể bảo quản vô thời hạn, đủ thời gian cho bệnh nhân hồi phục, đủ thời gian cho nhân viên y tế chuẩn bị vài tuần hay vài tháng… đến khi nào thích hợp và đủ điều kiện thì tiến hành ghép nối chính thức, hoàn thiện chân lại cho người bệnh. Chúng tôi mong muốn có thể cấp cứu, điều trị, chăm sóc không chỉ giúp người bệnh qua cơn nguy kịch, có thể nhanh chóng hồi phục mà còn mong muốn trả lại vẻ ngoài hoàn thiện, đầy đủ nhất có thể để người bệnh trở về cuộc sống, sinh hoạt, lao động mà không bị khiếm khuyết, tàn tật.

PV: Xin BS cho bạn đọc hiểu rõ hơn về Kỹ thuật "Nuôi cấy khung sụn sườn dưới da cẳng tay và chuyển ghép lên mặt để tái tạo vành tai đã mất", hay "Kéo dài mỏm cụt bàn chân từ xương sườn"… đã được BS Thái Trung và đồng nghiệp phẫu thuật thành công, góp phần bổ sung vào y văn thế giới về tạo hình?

Việc thực hiện kỹ thuật "Nuôi cấy khung sụn sườn dưới da cẳng tay rồi cấy ghép lên mặt thay thế toàn bộ vành tai đã mất" hay "kéo dài mỏm cụt bàn chân từ vạt phức hợp da cơ lưng rộng và xương sườn" đều xuất phát từ tổn thương và nhu cầu thực tế của người bệnh. Trong những tình huống mà các phương pháp điều trị đã có không thể đáp ứng được mục tiêu đặt ra, không thể điều trị triệt để, đầy đủ các tổn thương mà người bệnh đang có cũng như nhu cầu vận động, sinh hoạt, thẩm mỹ chính đáng của người bệnh, ekip đã phải tìm ra những cách thức mới, phương pháp mới để giải quyết, mặc dù kỹ thuật mới hay phương pháp mới nào cũng phải dựa trên một số nền tảng, cơ sở của những kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả trước đó. Và nó phải được trao đổi rất tỉ mỉ với người bệnh và được người bệnh tự nguyện lựa chọn.

Đối với kỹ thuật "Nuôi cấy khung sụn sườn dưới da cẳng tay rồi cấy ghép lên mặt thay thế toàn bộ vành tai đã mất", chúng tôi đã sử dụng sụn sườn gọt tạo hình thành khung vành tai, rồi vùi nó dưới da cẳng tay để được cấp máu nuôi sống. Sau khi ổn định, chúng tôi chuyển toàn bộ khung sụn này kèm theo da của cẳng tay như một vạt phức hợp có mạch máu để ghép lên mặt tạo ra vành tai mới, thay cho vành tai đã mất. Điều này giúp giải quyết những trường hợp không thể sử dụng kỹ thuật thông thường do tổn thương bỏng hoặc ung thư mất toàn bộ mô mềm vùng mặt. Tôi tin rằng kỹ thuật này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tạo hình và tái tạo trong tương lai.

Chúng tôi chỉ mong trả lại hình hài đầy đủ nhất cho bệnh nhân- Ảnh 4.

BS Võ Thái Trung cùng gia đình trong Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và Trao giải Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội.

Còn ở kỹ thuật "Kéo dài mỏm cụt bàn chân từ vạt phức hợp da cơ lưng rộng và xương sườn", đây là kỹ thuật sử dụng nhiều xương sườn chuyển ghép xuống bàn chân bị cắt cụt từ trước, giúp cho những bàn chân này có thể đủ dài, đủ vững, đủ mạnh để người bệnh có thể tỳ đè, đứng và đi lại dễ dàng mà không cần lắp chân giả hoặc phải sử dụng các dụng cụ chỉnh hình hỗ trợ. Những kỹ thuật này đặc biệt có ý nghĩa đối với các bệnh nhân trẻ tuổi, trẻ em… hay những người không muốn lắp chân giả cả đời hoặc không thể lắp chân giả để đi lại do dị ứng với vật liệu hay nhiều lí do khác…

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn