Hà Nội

Thổi hồn vào kỹ thuật thêu long bào

12-02-2024 19:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Với lòng yêu nghề thêu truyền thống của quê hương, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi đã vượt qua nhiều khó khăn để phục dựng nghệ thuật thêu cung đình.

Ðam mê từ thuở nhỏ

Sinh ra trong một gia đình 5 đời làm nghề truyền thống về nghề thêu trên quê hương làng Ðông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội, ngay từ nhỏ, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi đã sớm tiếp xúc với từng đường kim, sợi chỉ, hoa văn họa tiết và thích tìm hiểu về các loại vải, sợi chỉ, lối thêu.

Thổi hồn vào kỹ thuật thêu long bào
- Ảnh 1.

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi

Từ khi lên 6 tuổi, cậu bé Vũ Văn Giỏi đã được ông bà, cha mẹ dạy cho từ những điều nhỏ nhất như cách cầm kim, chọn loại chỉ, vải, màu sắc, tuần tự các bước thêu. Bởi nghề thêu đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ bởi mỗi đường kim, mũi chỉ ấy sẽ tạo nên một tác phẩm đẹp, chỉ sơ suất nhỏ sẽ làm hỏng cả một tác phẩm mà phải mất hàng tháng mới hoàn thành.

Càng học thêu, ông Vũ Văn Giỏi càng đam mê với nghề truyền thống của cha ông để lại. Vì đam mê với nghề thêu mà ông đã cùng trải qua những thăng trầm của làng nghề thêu Ðông Cứu. Khoảng những năm 1991-1998, nghề thêu truyền thống của làng đã bắt đầu khởi sắc khi được nhiều người biết đến và đặt hàng. Cũng từ đó, ông đã bắt đầu quá trình phục dựng nghệ thuật thêu trang phục hoàng cung.

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi kể, nhiều năm trước, một Việt Kiều tìm đến đặt làm một số bộ trang phục hoàng cung. Bấy giờ, ông chưa thể hình dung ra hết sự khó khăn mà mình phải đối mặt để hoàn thành trang phục hoàng cung. Bởi thêu các trang phục hoàng cung đòi hỏi nhiều quy tắc từ các hình, họa tiết, chất liệu, lối thêu... Những khó khăn đó không làm nản lòng của người nghệ nhân đam mê với nghề. Ông đã không quản ngại khó khăn nỗ lực tìm lại những mẫu hoa văn, kỹ thuật thêu cổ truyền, phục chế thành công nhiều bộ trang phục cung đình triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Thổi hồn vào kỹ thuật thêu long bào
- Ảnh 2.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi hướng dẫn kỹ thuật thêu.

Ðể tìm tư liệu thêu về hoa văn, họa tiết của trang phục hoàng cung, ông Vũ Văn Giỏi đã tìm vào các bảo tàng, nhưng bấy giờ cũng chỉ còn lưu giữ mẫu vật các ghi chép về cách thức thêu thì gần như không có. Ông lại tìm đến các vị cao niên trong làng nhưng cũng chỉ là những truyền miệng vụn vặt, không có hệ thống. Rồi ông lại lặn lội vào Huế để tìm cách thợ xưa để học hỏi, đi các đình chùa để tham khảo các mẫu hoa văn. Không chỉ vậy, ông sang Pháp, Ấn Ðộ, Nhật Bản để tìm tài liệu ghi chép về trang phục, sinh hoạt, lối sống trong cung đình. Càng đi sâu ông mới thấy lối thêu trang phục cung đình hoàn toàn khác với thêu nghệ thuật thông thường, nơi mà người thêu thỏa sức sáng tạo, phá cách.

Thêu trang phục cung đình thì phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc như: Long bào của vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài, mỗi gam màu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng hàng trăm màu chỉ thêu. Ðó là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, sự đối xứng trong các họa tiết. Ðặc biệt khi thêu rồng trên áo vua phải "thổi hồn" để hình con rồng phải thể hiện được cái uy nghiêm. Không chỉ áo long bào mà đến giày, mũ của vua cũng có những họa tiết khác nhau.

Thổi hồn vào kỹ thuật thêu long bào
- Ảnh 3.

Thổi hồn vào kỹ thuật thêu long bào
- Ảnh 4.

Mỗi nét thêu lên tấm áo long bào đòi hỏi sự tỷ mỉ và kỹ càng...

Trong khi áo hoàng hậu lại là chỉ se một chiều, chỉ thêu là tơ tằm mà mỗi một trang phục là phải dùng một loại chỉ khác nhau. Chỉ nguyên liệu đã khắt khe như thế rồi, lối thêu cũng hoàn toàn khác biệt. Mỗi hoa văn, họa tiết có cách thêu khác nhau và đòi hỏi tỉ mỉ từng chi tiết, cả ngàn mũi giống nhau, màu sắc cũng phải uyển chuyển, hài hòa theo tự nhiên và thế giới quan của người xưa.

Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, đến nay đã có tổng cộng 18 bộ trang phục cung đình được Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi và đội ngũ của mình phục chế thành công như bộ long bào của vua Ðồng Khánh, Bảo Ðại, Khải Ðịnh, Tự Ðức, hoàng thái tử, hoàng hậu... Những bộ trang phục này đang được trưng bày tại Bảo tàng Cung đình Huế.

Rất nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới cũng rất yêu thích nghệ thuật thêu trên các trang phục và họ cũng đã tìm đến Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi để hợp tác, học hỏi.

Gìn giữ nghề thêu truyền thống

Với trách nhiệm "giữ lửa" nghề thêu truyền thống và kỹ thuật thêu cung đình, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi hàng ngày vẫn kiên nhẫn dạy cho thế hệ sau từng đường kim, mũi chỉ. Ông cảm thấy tự hào và vui mừng khi lớp trẻ trong đó có các con của mình đã biết trân quý những giá trị cốt lõi của dân tộc khi theo nghề.

Thổi hồn vào kỹ thuật thêu long bào
- Ảnh 5.

Một bộ triều phục do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục dựng.

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi hiểu hơn ai hết, bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí. Bởi chính thế hệ trẻ là những người nắm giữ tương lai của đất nước, bởi vậy, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một điều vô cùng cần thiết.

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề thêu phục chế trang phục Cung Ðình ở làng Ðông Cứu vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cá nhân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, sau khi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú năm 2013, tiếp tục được trao tặng danh hiệu cao quý nhất dành cho một nghệ nhân - Nghệ nhân Nhân dân.

Ðó là phần thưởng cao quý xứng đáng dành cho những cống hiến của ông cũng là động lực để ông tiếp tục thổi hồn vào từng đường kim, mũi chỉ giữ cho trang phục hoàng cung luôn hiện diện trong dòng chảy đương đại và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Tục dựng cây nêu ngày Tết, nét văn hoá trong đời sống  người ViệtTục dựng cây nêu ngày Tết, nét văn hoá trong đời sống người Việt

SKĐS - Theo quan niệm dân gian, cây nêu là một biểu tượng thiêng liêng vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Cây nêu ngày Tết gắn với nguyện ước, khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


Bài, ảnh: Nguyễn Khánh - Tuấn Anh
Ý kiến của bạn