Hà Nội

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng

27-02-2024 07:39 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Tại lễ Trao giải Cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng do Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Báo Sức khỏe & Đời sống thực hiện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với BS. Hoàng Tiến Lân, biệt danh “Lân tâm thần” – nhân vật trong bài viết được đoạt giải 3 trong cuộc thi lần thứ VI này.

Phóng viên: Vì sao người ta lại đặt cho anh biệt danh "Lân tâm thần"? Anh nghĩ sao về biệt danh này?

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng- Ảnh 1.

BS.Hoàng Tiến Lân

BS. Hoàng Tiến Lân (cười): Mọi người thường gọi mình như vậy là vì mình làm ở lĩnh vực chuyên khoa tâm thần, cho dễ phân biệt với các chuyên khoa khác. Biệt danh này cũng đáng yêu mà, nó trở thành "thương hiệu" mỗi lần đi họp lớp.

Phóng viên: Hơn 20 năm gắn bó với nghề, hằng ngày phải chăm sóc cho những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, chắc chắn là sẽ rất vất vả và gặp không ít tình huống dở khóc dở cười? Có lúc nào anh muốn chuyển sang một nghề khác?

BS. Hoàng Tiến Lân: Đúng là rất vất vả và trước đây chắc chắn là có muốn đổi nghề. Phần vì ngành tâm thần chưa được xã hội quan tâm đúng mức nên còn bị phân biệt đối xử trong nghề nghiệp, thu nhập còn thấp. Phần vì tâm lý tiếp xúc với người bình thường đã khó rồi, với người bệnh tâm thần còn khó khăn gấp bội phần.

Nhưng hiện tại tôi đã làm lâu năm rồi thấy quen và yêu nghề hơn vì mình đã góp sức nhỏ bé và những mảnh đời, những tâm hồn của người bệnh bị khiếm khuyết. Hạnh phúc nhất là khi người bệnh khỏe mạnh ra viện tái hòa nhập với cộng đồng, làm người có ích cho gia đình, xã hội.

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng- Ảnh 2.

BS. Nguyễn Tiến Lân chăm sóc cho bệnh nhân.

Phóng viên: Khi đọc được những gì mà cá nhân bác sĩ và các đồng nghiệp chuyên ngành tâm thần đã cố gắng làm cho bệnh nhân, chúng tôi rất ngưỡng mộ. Có khi nào anh nhận thấy những việc mình đã và đang làm cho bệnh nhân là một sự nhẫn nại, hy sinh cao cả?

BS. Hoàng Tiến Lân: Không. Tôi không nghĩ rằng đây là sự hy sinh. Mà đó là trách nhiệm khi mình lựa chọn nghề và tình người với nhau. Mình đến với nghề là chữ "Duyên" và cái "Tâm" với nghề, mặc dù làm nghề chăm sóc cho người bệnh tâm thần phải kiên nhẫn hơn rất nhiều so với các chuyên ngành khác. Không chỉ là yêu nghề mà còn phải xuất phát từ lòng yêu thương giữa con người với con người thì mới làm được. Nhưng đó không phải là sự hy sinh.

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng- Ảnh 3.

Tặng quà cho bệnh nhân tham dự Hội thi thể thao cho người bệnh.

Phóng viên: Khi tác giả chọn anh là nhân vật trong bài viết "Bảo mẫu Lân tâm thần" để tham gia cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" do Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Báo Sức khỏe & Đời sống thực hiện, anh có tự hào không? Và khi biết bài viết đoạt giải, anh có cảm xúc thế nào?

BS. Hoàng Tiến Lân: Mình rất tự hào khi là nhân vật trong bài viết, vì mình được nói lên tiếng lòng, được chia sẻ những góc khuất mà rất nhiều người chưa biết đến của nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng.

Cảm ơn nhà báo Đức Duy và nhóm tác giả báo Sức khỏe và Đời sống đã viết bài về "Sự hy sinh thầm lặng" của "những chiến sĩ áo trắng" trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, như một thông điệp lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.

Phóng viên: Trong cuộc đời gắn bó với bệnh viện, với bệnh nhân tâm thần, anh có thể bật mí về tỉ lệ bệnh nhân được ra viện và tái hoà nhập cộng đồng là bao nhiêu? Tỉ lệ tái phát bệnh và phải nhập viện có nhiều không?

BS. Hoàng Tiến Lân (trầm lắng): Trước hết mình xin khẳng định bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào một số yếu tố sau:

- Bệnh tâm thần có chiều hướng tiến triển mạn tính, vì vậy người bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đây là yếu tố cơ bản tiên quyết và là cơ hội vàng để người bệnh được chữa khỏi. Khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về trạng thái tinh thần, gia đình bệnh nhân không mê tín, không cúng bái hoặc sử dụng các biện pháp chữa bệnh không khoa học… Việc cần thiết lúc này là đưa người bệnh đi khám chuyên khoa tâm lý, tâm thần để có hướng xử lý, điều trị sớm nhất. Khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể khỏi bệnh hoàn toàn và tái hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng- Ảnh 5.

Giao tiếp với bệnh nhân tâm thần rất khó.

- Thể bệnh tâm thần mà người bệnh mắc phải: Bệnh tâm thần có trên 300 thể bệnh khác nhau theo phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chính vì thế cần được bác sĩ chuyên khoa khám lâm sàng, kết hợp làm các bài test cùng các kết quả cận lâm sàng... mới có thể xác định bệnh nhân thuộc thể nào và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

- Với những người bệnh mạn tính việc quản lý duy trì uống thuốc theo đơn của bác sĩ là rất cần thiết, kể cả khi người bệnh đã được ra viện, nếu không tuân thủ dùng thuốc, tái khám định kỳ và sự quan tâm săn sóc của người thân thì người bệnh rất dễ tái cơn, tái nhập viện là rất cao.

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng- Ảnh 6.

Cùng bệnh nhân, lắng nghe chia sẻ để hiểu họ hơn.

Phóng viên: Trước thực trạng đó, anh có mong muốn gì và đặc biệt với bệnh nhân tâm thần?

BS. Hoàng Tiến Lân: Đây là điều mà tôi rất muốn được chia sẻ, bởi nó không chỉ là mong muốn của cá nhân tôi mà còn là của rất nhiều nhân viên y tế ngành tâm thần.

- Đối với ngành tâm thần: Hiện nay nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước vẫn đang thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao, hơn nữa phân bổ không đều. Đa số lĩnh vực chuyên khoa tâm thần tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng và Thành phố Hồ Chí Minh, còn khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ rất ít...

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng- Ảnh 7.

Mong muốn bệnh nhân tâm thần được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế hiệu quả tốt nhất.

Mặc dù các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở y tế, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. 

Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được quan tâm và chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản. Hiện tại các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần.

BS 'Lân tâm thần': Mình rất tự hào khi được nói ra tiếng lòng trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng- Ảnh 8.

Vui khi bệnh nhân có tiến triển tốt.

Vấn đề đặt ra là nhà nước, ngành y tế cũng như cộng đồng cần quan tâm quy hoạch, phát triển mạng lưới phòng, chống bệnh tâm thần nhằm góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội đối với căn bệnh này.

- Đối với người bệnh tâm thần: Trước mắt và trong tương lai gần, vấn đề cần được quan tâm là quản lý, giám sát tốt hơn số người bệnh đã được phát hiện và điều trị về tâm thần phân liệt. Mặt khác mở rộng các đối tượng khác cần được quản lý và chăm sóc như động kinh, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, chậm phát triển tâm thần... đang có chiều hướng gia tăng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, cần coi trọng việc phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề cho người bệnh, nhằm giúp họ có cơ may tái hòa nhập cộng đồng mà lâu nay trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần làm được còn quá ít.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ này!

Mời độc giả xem thêm video:

Cuộc thi viết sự hy sinh thầm lặng: Hơn 1.000 tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp bề nghề Y | SKĐS

Nguyễn Hà
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn