Hà Nội

Để người dân hiểu và chia sẻ hơn với cán bộ y tế vùng cao

27-02-2024 08:56 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Chùm 4 bài viết "Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc" của nhóm tác giả vùng cao báo Điện Biên là nhà báo Hà Hải Yến và Nguyễn Thị Minh Thảo đoạt giải Ba cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" đã lan tỏa những thông điệp ấm áp.

Chùm bài viết của hai nhà báo Hà Hải Yến - Nguyễn Thị Minh Thảo là những câu chuyện đẹp về đội ngũ cán bộ y tế vùng khó, miền núi, biên giới ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với 1 trong 2 tác giả là nhà báo Hà Hải Yến (bút danh Hà Linh).

Để người dân hiểu và chia sẻ hơn với cán bộ y tế vùng cao- Ảnh 1.

Hai tác giả Hà Hải Yến (bên phải) - Nguyễn Thị Minh Thảo (bên trái) tham dự Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết 'Sự hy sinh thầm lặng' lần thứ VI. Ảnh: Khánh Ly.

Phóng viên (PV): Xin chào nhà báo Hải Yến, trước hết, xin chúc mừng bạn và nhà báo Minh Thảo đã vừa giành được giải Ba cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng lần thứ VI cho chùm 4 bài viết "Bố đỡ" của trẻ vùng cao; "Bác sĩ" bản; Chiếc loa di động da ngôn ngữ ở biên giới và Tiếp sức nối dài cánh tay y tế. Cảm xúc của bạn như thế nào sau khi nhận giải?

Nhà báo Hải Yến: Khi biết tin tác phẩm của mình đạt giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI (SHYTL), tôi và đồng nghiệp rất vui và cũng khá bất ngờ. Tham dự cuộc thi, có lẽ bất cứ ai cũng đều mong muốn đoạt giải. Thế nhưng, chúng tôi còn có một mong muốn khác là tác phẩm của mình được thông tin rộng rãi, lan tỏa hơn. Thông qua đó, nhiều người biết đến, hiểu và chia sẻ hơn với lực lượng y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở ở vùng khó, miền núi, biên giới như Điện Biên. Vì thế, ngay khi nhận được thông tin tác phẩm đạt giải, chúng tôi đã liên hệ để thông báo, chia sẻ tin vui này với các nhân vật trong tác phẩm của mình.

PV: Đây là lần thứ 6 SHSTL diễn ra, bạn có biết 5 chương trình trước không? Cơ duyên nào đã đưa nhóm đến với Cuộc thi "SHSTL" lần này? Có thể chia sẻ tại sao lại quyết định tham gia cuộc thi này và đã từng tham gia cuộc thi nào liên quan đến ngành Y chưa?

Nhà báo Hải Yến: Đây là lần thứ 6 diễn ra cuộc thi viết, song tôi mới chỉ biết đến chương trình khoảng vài năm gần đây. Đặc biệt là kể từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, khi ấy, vai trò của lực lượng y tế càng thể hiện rõ nét, đặc biệt ý nghĩa thông qua những thông tin truyền thông dày đặc. Và những tác phẩm báo chí đạt giải đã để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi về những cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ - những người trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để người dân hiểu và chia sẻ hơn với cán bộ y tế vùng cao- Ảnh 2.

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và đồng chí Đồng chí Lại Xuân Môn - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trao GIẢI BA cho các tác giả và nhân vật trong tác phẩm đoạt giải.

Bản thân tôi đã từng có một vài năm tham gia các cuộc thi viết về Phòng chống HIV/AIDS của ngành y tế. Song với cuộc thi SHSTL thì đây là năm đầu tiên tham gia. Cơ duyên và quyết định dự thi SHSTL mới chỉ bắt đầu từ khoảng tháng 8/2023 khi được một đồng nghiệp từ Báo Sức khỏe & Đời sống gợi ý, khích lệ. Tuy nhiên, ý tưởng về tuyến bài và nhân vật thì tôi đã xây dựng từ trước đó rất lâu.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn. Trong quá trình công tác, tôi đã nhiều lần được tiếp xúc, ghi nhận những vất vả và hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ các lực lượng ở tuyến cơ sở, đặc biệt là lực lượng y tế cấp xã, thôn, bản. Đồng thời cũng nghe nhiều tâm sự của họ về những câu chuyện dở khóc dở cười xoay quanh công việc, những trăn trở với nghề, cuộc sống.

Có nhiều người trong số đó vì cuộc sống mưu sinh mà không thể gắn bó với nghề. Tuy nhiên, đa phần họ đều cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục công việc vì sự tin tưởng, trách nhiệm với bà con dân bản gửi gắm. Thông qua đó đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở địa bàn còn nhiều khó khăn như Điện Biên. Đúng như tên gọi của cuộc thi - sự hy sinh thầm lặng chính là điều mà chúng tôi muốn chia sẻ, truyền tải để độc giả có cái nhìn rõ nét hơn, hiểu hơn về họ.

Để người dân hiểu và chia sẻ hơn với cán bộ y tế vùng cao- Ảnh 3.

Nhóm tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng 4 nhân vật trong chùm tác phẩm "Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc" đoạt giải Ba cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng". Ảnh: Khánh Ly

PV: Đây là tác phẩm của 2 tác giả thực hiện có tới 4 bài viết về những người làm công tác dân số, bạn cảm thấy nhân vật nào ấn tượng nhất?

Nhà báo Hải Yến: Trong chùm 4 tác phẩm, chúng tôi ấn tượng nhất với nhân vật Giàng A Thào, nhân viên y tế thôn 2, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) trong tác phẩm "Bố đỡ" của trẻ vùng cao. Đó là lý do chúng tôi đưa bài viết về nhân vật lên đầu tiên trong chùm 4 bài. 

Trên thực tế, làm công tác hỗ trợ sinh đẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao vốn không hề dễ. Đỡ đẻ là nam giới lại càng khó và hiếm hơn bởi đòi hỏi sự khéo léo của nghề lẫn đức tính kiên trì, bền bỉ để tháo gỡ "rào cản" trong văn hóa vùng miền. 

Theo quan niệm trước kia của đồng bào Mông - nơi ông Thào công tác, khi nhà có phụ nữ đẻ sẽ cắm lá xanh ngoài cửa, với ý nghĩa cấm kị người ngoài vào. Chính vì thế, hành trình hơn 20 năm trực tiếp tham gia đỡ đẻ trong đó có hàng chục ca khó xử lý thành công; rồi "bất đắc dĩ" trở thành "bố đỡ" cho những đứa trẻ vùng cao của ông Thào là câu chuyện hết sức đặc biệt với chúng tôi.

Ví dụ như trường hợp sản phụ Giàng Thị Sái, với ca sinh khó tại nhà ở lần trở dạ thứ 10. Rồi sản phụ Giàng Thị Vai với trường hợp thai ngược… Chính những ca đỡ thành công càng tạo thêm niềm tin của bà con với ông Thào. Nhờ vậy, từ chỗ là điều cấm kỵ, giờ phụ nữ Mông ở thôn, xã nơi ông Thào làm việc, khi mang thai đều đã có thể tự tin, thoải mái chia sẻ, học hỏi kiến thức và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn định kỳ mà không gặp bất cứ rào cản nào. Đa phần chị em đều đến cơ sở y tế sinh nở và những biến chứng liên quan cũng được hạn chế, kiểm soát.

PV: Bạn có kỷ niệm gì đặc biệt khi viết chùm bài này?

Nhà báo Hải Yến: Trong quá trình thực hiện chùm bài, không thể thiếu những chuyến công tác tại cơ sở. Trong đó, tôi nhớ nhất là chuyến tác nghiệp tại địa bàn xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Từ trung tâm thành phố, để đến trung tâm huyện chúng tôi mất khoảng gần 60km, cơ bản thuận tiện. Tuy nhiên, từ trung tâm huyện về xã còn khoảng chừng 40km, đường hết sức khó khăn. 

Do không phải địa bàn chúng tôi phụ trách, không thông thuộc đường nên chúng tôi đã hỏi thăm người dân bản địa thì được biết có 3 tuyến có thể đi, chúng tôi quyết định chọn đi tắt (chừng gần 30km).

Theo sự chỉ dẫn của đôi vợ chồng dân bản, chúng tôi men theo con đường bê tông nội bản, song chỉ đi được chừng vài cây số. Chặng còn lại hoàn toàn là đường đất, đá lổn nhổn, lên xuống gồ ghề. Lòng đường không chỉ liên tục xuất hiện những "ổ trâu" mà đa phần là các rãnh lớn xẻ dọc tuyến do bị nước lũ xói mòn. 

Vì là phụ nữ, tay yếu nên chúng tôi phải ghì chặt tay lái trong suốt chặng đường mà chiếc xe không ít lần trượt bánh. Chật vật, nhiều lần phải lấy sức người đẩy xe đi bộ vượt đường lầy, song điều chúng tôi lo lắng nhất là "liệu có bị lạc không?", do cả chặng không gặp bất cứ ai để hỏi. Cả tuyến cũng nằm trong khu vực không có sóng điện thoại để liên lạc ra ngoài.

Sau khoảng gần 2 giờ vật lộn trong sự hoang mang, chúng tôi cũng có mặt tại Trạm Y tế xã khi trời đã ngả về chiều. Khi ấy, anh Lầu A Dia - cán bộ chuyên trách dân số xã, đồng thời là nhân vật trong tác phẩm của chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì cho rằng, với tay lái nữ như chúng tôi thì không thể đi được con đường ấy. Và cho đến giờ, mỗi lần nghĩ lại cả 2 chúng tôi đều không thể tin điều đó!

PV: Khi viết bài, nhóm các bạn đã gặp những khó khăn và với bạn đâu là khó khăn nhất?

Nhà báo Hải Yến: Khi thực hiện chùm bài, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định. Ngay khi lên ý tưởng và xây dựng tuyến nhân vật, tôi nhận được sự đồng thuận cao từ đồng nghiệp. Tuy nhiên, do cơ quan báo hiện chúng tôi công tác thực hiện quy định phân địa bàn, 2 tác giả phụ trách 2 địa bàn khác nhau. Trong khi tuyến nhân vật lại ở các địa bàn khác và đều xa xôi, khó khăn về giao thông. Do vậy, chúng tôi phải mất nhiều thời gian để cân đối, sắp xếp thời gian xây dựng kế hoạch và khó khăn nhất là quá trình trực tiếp tác nghiệp tại cơ sở. 

Do cả 2 tác giả đều là nữ, phương tiện đi lại trong các chuyến công tác là xe máy, thời điểm thực hiện tác phẩm vào mùa mưa, đường trơn trượt, lầy lội hết sức vất vả. 

Mỗi chuyến đi kéo dài 2 - 3 ngày nhưng chúng tôi chỉ gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt thông tin được 1 nhân vật. Tuy nhiên, chính những khó khăn ấy lại càng thôi thúc chúng tôi hoàn thành tác phẩm.

Để người dân hiểu và chia sẻ hơn với cán bộ y tế vùng cao- Ảnh 4.

Đây là lần đầu tiên, các nhân vật trong chùm bài viết được tham dự một chương trình tôn vinh quy mô lớn. Ảnh: Khánh Ly

PV: Sau cùng, điều bạn muốn nói về cuộc thi này là gì?

Nhà báo Hải Yến: Tôi cho rằng đây là cuộc thi có giá trị "2 trong 1" và vô cùng ý nghĩa. Ý nghĩa với những người làm báo như chúng tôi, song càng ý nghĩa hơn với đội ngũ y tế cả nước. Đây như một món quà tri ân đặc biệt, thiết thực với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế khi đúng dịp này (ngày 27/2 - Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam), họ được xã hội tôn vinh, lắng nghe. Đặc biệt, với những nhân vật trong tuyến bài chúng tôi thực hiện, có thể nói, đây là lần đầu tiên họ được tham dự một chương trình tôn vinh quy mô lớn như vậy.

Tôi thấy được sự phấn khởi, hồ hởi của họ trong những ngày chờ đợi ngược núi, xuôi về Thủ đô (đa phần đều là lần đầu tiên trong đời) tham dự chương trình, mà có lẽ, nếu không có chương trình này có thể không bao giờ có cơ hội.

Qua đây, tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Sức khỏe & Đời sống đã xây dựng thành công chương trình này. Đây là "sân chơi" bổ ích cho những người làm báo chí khắp mọi miền Tổ quốc như chúng tôi thử sức, rèn nghề; được viết và hiểu hơn về ngành Y tế. Đồng thời, chương trình cũng tạo thêm một kênh truyền thông thiết thực, góc nhìn toàn cảnh, rõ nét hơn về đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế - những người đã, đang và sẽ công tác trong lực lượng y tế cả nước. Qua đó, là nguồn động viên, khích lệ tinh thần vô cùng to lớn để họ tiếp tục nỗ lực, cống hiến và để những hy sinh của họ không hề thầm lặng, vô nghĩa…

PV: Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cuộc thi viết 'Sự hy sinh thầm lặng': Hơn 1.000 tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp về nghề y.

Bảo Châu - Khánh Ly
(thực hiện)
Ý kiến của bạn