SKĐS - "Ranh giới giữa sống – chết rất mong manh, nếu không phối hợp thống nhất, nhịp nhàng của kíp phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tử vong ngay trên bàn mổ vì mất máu quá nhiều"- bác sĩ Võ Thái Trung chia sẻ.

Hình ảnh ca phẫu thuật ghép chi bệnh nhân Mai Văn Đẹt

Sau 3 tháng được bác sĩ BVĐK tỉnh Bình Dương ghép và nối lại cẳng chân bị đứt rời, anh Mai Văn Đẹt đã có thể vận động và đứng trên chân phải, cho thấy dấu hiệu của phục hồi. "Tôi có thể đứng, đi lại trên đôi chân của chính mình, vô cùng sung sướng. Bác sĩ Trung đã tái sinh cuộc đời tôi thêm lần nữa", anh Đẹt hồ hởi.


Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 1.

Câu chuyện của anh Mai Văn Đẹt, 41 tuổi bị tai nạn giao thông được đưa đến BVĐK tỉnh Bình Dương trước Tết Qúy Mão 2023, trong tình trạng đứt rời cẳng chân phải vẫn còn được nhắc đến nhiều ở Bình Dương. Cẳng chân của anh khi đưa đến viện bị đứt rời với phần cơ bị dập nát, lại không được sơ cứu và bảo quản đúng cách, dính nhiều dị vật là đất, cát.

Mới ngoài 40, là lao động chính của gia đình, nếu không còn phần cẳng chân, anh Đẹt phải làm bạn với chiếc nạng gỗ suốt đời. "Tôi suy sụp hoàn toàn khi nhìn xuống chân. Mẹ ngồi khóc, tim tôi như vò nát. Tôi tàn tật suốt đời ư? Một màu đen tối u ám…. Nhưng BS Trung đã đến và động viên tôi hãy yên tâm….", anh Đẹt nhớ lại.

Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 2.

Sau 3 tháng, thực hiện cấy ghép và nối lại chân, sức khỏe của anh Đẹt đã trở lại bình thường. Thời gian tới, các bác sĩ sẽ hướng dẫn anh tập vận động các khớp và tập đứng, tập đi chân lành với nạng và chưa chống chân ghép chịu lực. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và đánh giá quá trình lành xương. Dự kiến thêm 2 đến 3 tháng sau xương lành bệnh nhân có thể đi lại.

Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 3.

Mới đây nhất, bệnh nhân Tô Thị Bích Hậu, 43 tuổi, quê Phú Thọ được bác sĩ Trung đặt cho biệt danh "nữ hoàng Ma Cà Rồng". Kể về trường hợp bệnh nhân Hậu, anh Trung nói: "Gọi như vậy vì khi thực hiện ca mổ chúng tôi phải truyền 37 bịch máu, ê kíp phải phân công 2 bác sĩ trực tiếp hút và bơm máu để duy trì huyết áp ổn định cho suốt thời gian mổ".

Sau hơn 15 giờ đồng hồ ca mổ bóc u kết thúc an toàn, ê kíp lại đối diện với khó khăn nhiều hơn đó là tạo hình lại gần như toàn bộ gương mặt đã bị khối u phá hủy và chiếm chỗ trong khi chưa có vật liệu cứng hay mềm nào đủ yêu cầu để có thể tạo hình lại tầng giữa xương mặt, nhất là phục hình lại cấu trúc 3 chiều trọn vẹn.

Kíp phẫu thuật đã phải thảo luận và đi đến quyết định thực hiện kỹ thuật đặc biệt là lấy gần như toàn bộ một bên xương chậu của bệnh nhân để thay thế.

Nói về ca phẫu thuật này, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Dương - cho biết: "Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, chúng tôi nhận thấy nguy cơ không thành công khá cao vì kinh nghiệm lâm sàng còn rất ít, trong khi đó BVĐK tỉnh Bình Dương có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này. Mong muốn đạt hiệu quả cao nhất cho người bệnh nên chúng tôi đã chuyển bệnh nhân vào Bình Dương để bác sĩ Thái Trung phẫu thuật. Quyết định của chúng tôi đến giờ này hoàn toàn chính xác".

Còn BS Trung thì khiêm nhường: "Cảm ơn bệnh nhân đã cho chúng tôi hiểu thêm về nét đẹp của người Mẹ".

Được biết, Khoa Chấn thương – Chỉnh hình, BVĐK tỉnh Bình Dương thường xuyên phải tiếp nhận nhiều trường hợp không may bị tai nạn lao động đứt rời các bộ phận cơ thể như cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay hay kể cả cẳng chân, bàn chân.

Trong số đó không phải lúc nào người bệnh cũng có điều kiện lên tuyến trên điều trị, họ đành chấp nhận khâu tạo mỏm cụt và khiếm khuyết cơ thể. Nhưng BS Trung không chấp nhận những thiệt thòi đó của người bệnh, anh học hỏi từ các thầy, chuyên gia trong, ngoài nước, làm chủ kỹ thuật, sẵn sàng cấp cứu, phẫu thuật và điều trị cho những ca không may mắn như thế.

Và rồi tự lúc nào không hay biết, việc phẫu thuật nối lại các phần đứt rời cơ thể trở thành thương hiệu của BVĐK tỉnh Bình Dương như bức tường thành vững vàng góp phần giảm bớt gánh nặng cho tuyến trên.

Là bác sĩ của những ca tạo hình đặc biệt với thời gian mổ kéo dài, miệt mài với công việc nhưng chưa bao giờ anh đi trên lối mòn, từng ca bệnh khó là mỗi lần trăn trở, bác sĩ Trung luôn nghiên cứu để đưa ra giải pháp tốt nhất cho người bệnh.

Kỹ thuật "Nuôi cấy khung sụn sườn dưới da cẳng tay và chuyển ghép lên mặt để tái tạo vành tai đã mất", hay "Kéo dài mỏm cụt bàn chân từ xương sườn"… là một trong số các trường hợp rất đặc biệt được BS Thái Trung và đồng nghiệp phẫu thuật thành công, góp phần bổ sung vào y văn thế giới về tạo hình.

Mới đây, chị Lành Thị Yên, 52 tuổi, ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã được bàn tay tài hoa của BS Thái Trung và kíp thầy thuốc BVĐK tỉnh Bình Dương trả lại khuôn mặt của mình.

Khi sinh ra đến tuổi trưởng thành chị Yên sống cuộc đời bình yên, giản dị như bao người con gái khác. Đến một ngày, trời đất như sụp đổ xuống người con gái mảnh mai này. Trong một lần đi phun thuốc sâu, không may chị vòi phun thuốc dội ngược lại vào đúng mặt của mình. Nhà nghèo, không đi bệnh viện điều trị, chị Yên và gia đình chỉ biết dung lá thuốc nam hái ở vườn mong qua khỏi. Nhưng ở đời ai học được chữ ngờ, hậu quả của thuốc trừ sâu bắn vào mắt phái không được điều trị đúng dẫn đến hậu quả chị Yên bị ung thư da tế bào đáy giai đoạn IIIB phá hủy toàn bộ khuôn mặt bên phải. Mắt phải không còn, toàn bộ vùng da nham nhở, hàm răng trên bị đẩy ra phía trước…

Cuộc sống của chị Yên là những chuỗi ngày buồn tủi bởi khuôn mặt không mang hình cha mẹ trao. Chị đã không còn nước mắt để khóc…rồi đến một ngày…

Với sự hỗ trợ của MTTQ tỉnh Điện Biên, chị Yên được đi gần 2.000 km vào đến BVĐK tỉnh Bình Dương gặp bác sĩ Thái Trung.

Khi lần đầu gặp chị Yên, các bác sĩ đã không khỏi "sốc" bởi nỗi khổ chị Yên đã phải gánh chịu nhiều năm. PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Dương đề nghị BS Trung nỗ lực làm tốt nhất có thể đem lại khuôn mặt cho người con gái, bệnh viện hỗ trợ toàn bộ chi phí, điều trị cho bệnh nhân.

BS Thái Trung cùng kíp gây mê hồi sức, và các phẫu thuật viên BVĐK tỉnh Bình Dương, thực hiện cuộc đại phẫu trong 12 giờ đồng hồ liên tục. Thực hiện bóc bướu làm sạch tổn thương mặt phải, khâu, vá lại màng não bằng cân mạc đùi.

Tạo hình sọ khuyết bằng lưới titan và cement y học, chuyển vạt da cơ vùng lưng trái để trám độn và tạo lót vòm miệng má bên trong, chuyển vạt da cơ đùi bên phải để trám độn và tạo hình đầu mặt tạo, đồng thời tạo hình đường thở, tạo hình mũi, miệng.

Sau hơn 1 tháng kể từ ngày nhập viện điều trị, chị Yên được ra viện trở về Điện Biên với khuôn mặt lành lặn hơn. Khi ra viện, chị chỉ biết ôm bác sĩ Trung, đôi mắt khép hờ, bài vai rung lên vì hạnh phúc.

Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 4.

Chị Yên và BS. Thái Trung sau ca phẫu thuật.

BS Thái Trung chia sẻ về ca phẫu thuật: Chúng tôi nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ Thầy Lân Hiếu, nỗ lực làm hết sức để bệnh nhân có được chất lượng cuộc sống tốt hơn. "Một mình tôi sẽ không làm được hết, hồi sức trong và sau mổ rất quan trọng để ca phẫu thuật được thành công. Rồi sau đó, chăm sóc và hỗ trợ dinh dưỡng sau mổ rất quan trọng để người bệnh hồi phục nhanh".

Không khó để bắt gặp những ca mổ kéo dài từ sáng cho đến đêm, đôi khi là đến sáng ngày hôm sau mới kết thúc. Với những trường hợp phức tạp, thời gian của cuộc mổ thường xuyên kéo dài có khi gần 16 giờ, tốn rất nhiều công sức nhưng anh và kíp mổ chưa bao giờ nề hà.

"Mỏi, mệt ư? Có chứ. Nhưng thấm vào đâu so với mất mát của người bệnh! Thiên chức của người bác sĩ phải cứu chữa, dù có đứng chùn chân vẫn cần nỗ lực hết mình", BS Trung cười nói.

Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 5.

Bận bịu với nhiều ca mổ khó là thế nhưng cứ hễ có thời gian rảnh, anh tự mình liên hệ và đến tận nơi các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ và người tàn tật để khám, đánh giá, nhận phẫu thuật và kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ kinh phí điều trị cho các con, giúp các con lành lặn hoặc phần nào bớt đau đớn do các di chứng co quắp biến dạng tay chân gây ra.


Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 6.

BS Trung đi đến từng giường bệnh, nói chuyện với bệnh nhân và người nhà, chất giọng miền Nam pha lẫn giọng Bắc nhẹ nhàng thân thương, bàn tay xem từng vết thương, chăm sóc cho người bệnh...

Anh ghi lại và khắc sâu những ca mổ của mình thành những bức điêu khắc tuyệt đẹp qua những dòng nhật ký về nghề. Anh viết cho cháu Lưu Thanh Sơn 13 tuổi, quê Đà Nẵng sau khi mổ bóc khối u thần kinh ngoại biên khổng lồ xâm chiếm nữa mặt: "Ca mổ là bức tranh với hai màu tương phản".

Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 7.

"Nhóm phẫu thuật thận trọng từng động tác nhỏ tách khối u ra khỏi mắt và dây thần kinh thị giác với tốc độ làm như không làm, cứ thủng thẳng kiểu thách thức thời gian, giống những con rùa đang rãnh rỗi cõng ốc sên trên mai đi dạo ngắm cảnh quanh bờ hồ, thi thoảng đứng lại ngó trộm các cặp đôi hẹn hò đang phối hợp ăn ý để thực hành theo giáo án khám phá cơ thể người.

Tiếp đến lại đủng đỉnh thu ngắn mắt trả về hốc mắt và khâu dúi dụi đính lại để nó đừng rớt ra ngoài, tạo hình nền ổ mắt bằng titanium phủ cement và gọt xương gò má theo đúng nghĩa, cuối cùng di dời cái vành tai về vị trí và thu ngắn ống tai ngoài, che phủ lại vết mổ.

Cuộc phẫu thuật phức tạp rồi cũng kết thúc. Sức khoẻ bệnh nhân ổn định. Niềm vui sướng hân hoan cho những nỗ lực tuyệt vời mà ẩn giấu bên trong lại là sự day dứt ngậm ngùi."

"Chúng tôi đã thực hiện ca mổ trả lại diện mạo cho em vậy còn ai sẽ là người trả lại cho em tuổi thơ, hàn gắng ký ức gãy vụn, chữa trị khuyết tật tâm hồn, chuẩn bị hành trang và dìu dắt em đi cho đoạn đường tiếp theo?" ,
BS CKII Võ Thái Trung

Hay với ca mổ của chị Pi Năng Thị Xinh 30 tuổi, quê Ninh Thuận bị u sụn sọ khổng lồ choán chỗ đầu mặt cổ: "Chúng tôi cố gắng thực hiện ca mổ trước Tết cổ truyền với hy vọng bệnh nhân sẽ kịp hồi phục để sum họp với người thân và gia đình - đó sẽ là cây mai tươi tắn trong ngày Xuân. Với chúng tôi đó là thách thức, là nỗ lực còn với bệnh nhân đó là hy vọng, là niềm tin".

Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 8.

BS Trung trải lòng: "Ê kíp trải qua nhiều giờ cân não là để ca mổ kết thúc, bệnh nhân trải qua nhiều ngày hậu phẫu là để cuộc sống khởi đầu. Sự tiếp nối đó cho phép chúng tôi có quyền tự hào về mình và cho phép bệnh nhân trút bỏ gánh nặng bệnh tật, mặc cảm của bản thân.

Bài học về niềm tin cho thấy cuộc sống còn có những điều tốt đẹp để tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn. Suy cho cùng bác sĩ cũng chỉ là kẻ "ăn xin" đang hành khất vay trả những mảnh ghép của số phận, là người qua đường nhận được một mẫu nhỏ chữ tình từ người bệnh để lắp vào con tim còn khuyết và luôn sẵn có một tấm lòng để gió cuốn đi".


Hồi sinh những mảnh đời bất hạnh- Ảnh 9.

Gặng hỏi mãi BSCKII Võ Thái Trung, Phó trưởng Khoa Chấn thương – Chỉnh hình, BVĐK tỉnh Bình Dương mới nói về mình. Đam mê của bác sĩ là những ca phẫu thuật khó đang chờ đợi ở phía trước.

"Công sức của tôi rất nhỏ, một chút kết quả như hôm nay là nhờ sự dìu dắt và dạy dỗ của các thầy, cô, tin tưởng và tạo điều kiện của lãnh đạo bệnh viện, sự tiếp lửa từ Thầy - PGS.TS.BS.Nguyễn Lân Hiếu và hỗ trợ từ đồng nghiệp", BS Trung nói.

Sinh ra ở Đồng Tháp, tuổi thơ anh đã chứng kiến vùng quê lam lũ, người dân còn lạc hậu và đậm chất quê, mỗi lần đau ốm không đi khám chữa bệnh, chỉ tin vào bùa phán, khấn cúng để đến khi bệnh ở giai đoạn nặng không thể cứu vãn được nữa mới đưa đi nhà thương (bệnh viện) hoặc mặc nhiên xem như là cái số. Từ đó anh mong ước mình sẽ trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho bà con quê mình.

Lớn lên thi đỗ Học viện Quân Y. Tạm xa gia đình hàng nghìn cây số, mang ước mơ cháy bỏng bác sĩ đeo quân hàm. 6 năm học ở trường, chàng sinh viên trẻ nỗ lực học tập đạt nhiều thành tích xuất sắc, tốt nghiệp được thăng quân hàm vượt cấp.

Bác sĩ Võ Thái Trung

Anh quyết định không theo đuổi con đường học nội trú mà xin được về miền Nam công tác gần quê nhà. Được phân công về Bệnh viện 16 thuộc Binh đoàn 16 đóng tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Công tác hơn 2 năm, một lần nữa anh đạt nhiều thành tích xuất sắc và tiếp tục được thăng quân hàm vượt cấp lần 2. Nhiều cơ duyên và đam mê cháy bỏng với chuyên ngành chấn thương – chỉnh hình, bác sĩ trẻ Thái Trung đã chuyển ngành và học chuyên khoa 1 tại Đại học Y Dược TP HCM. Ra trường anh xin về BVĐK tỉnh Bình Dương công tác, nơi có nhiều khu công nghiệp, lực lượng lao động trẻ đông bên cạnh đó là địa phương có con đường huyết mạch Quốc lộ 13 từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh tiềm ẩn nhiều vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động ở trong tỉnh cũng như lân cận chuyển đến.

Tôi xin khép lại bài viết này, với dòng tâm sự của anh Trung gửi bệnh nhân Pi Năng Thị Xinh khi chị được xuất viện: Lời tạm biệt không phải là mãi mãi, cũng không phải là kết thúc. Những điều tuyệt vời, đẹp đẽ trên thế gian không thể nhìn bằng mắt, cũng không thể chạm bằng tay. Nó chỉ có thể cảm nhận được bằng cả trái tim và sẽ không bao giờ bị quên lãng.

Từ tận đáy lòng em Xinh sẽ không bao giờ quên hình ảnh những bóng áo blouse, những hy sinh thầm lặng của bác sĩ Trung như đã trao thêm cuộc đời cho họ.

Ý kiến của bạn