Chế độ ăn người bệnh viêm gan B cần biết

01-07-2024 15:06 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đối với người bị viêm gan B, ngoài việc điều trị, chế độ ăn uống khoa học, giàu dưỡng chất có thể giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng gan, ngăn ngừa biến chứng, hỗ trợ điều trị bệnh.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị viêm gan B

Viêm gan B là bệnh lý về gan hàng đầu thế giới. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, có thể gây suy gan và dẫn đến tử vong. Hiện tại, viêm gan B chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn.

Do vậy việc phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa biến chứng. Vai trò của chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong điều trị bệnh.

Người mắc bệnh viêm gan B có chế độ ăn khoa học, giàu dưỡng chất hoàn toàn có thể giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng gan, ngăn ngừa biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện và nâng cao sức khỏe toàn diện.

Chế độ ăn người bệnh viêm gan B cần biết- Ảnh 1.

Vai trò của chế độ ăn uống rất quan trọng trong điều trị bệnh viêm gan B.

Khi bị mắc bệnh viêm gan, nên tuân thủ một lối sống lành mạnh, tránh uống rượu và thuốc lá. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

2. Các dưỡng chất cần thiết khi bị viêm gan B

Chế độ ăn người bệnh viêm gan B cần biết- Ảnh 2.

Người bị viêm gan B nên tuân thủ một lối sống lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

Trái cây, rau xanh giàu vitamin và khoáng chất

Vitamin có tác dụng hỗ trợ giúp gan phục hồi nhanh chóng. Đặc biệt, các loại trái cây giàu vitamin A, C như cam, đu đủ, ổi, dâu, việt quất rất tốt cho người bị viêm gan. Ngoài ra, người bệnh đừng bỏ qua các loại rau có màu xanh đậm như cải, rau ngót, súp lơ xanh, rau bina…

Thực phẩm giàu protein

Gan có chức năng dự trữ protein trước khi mang đi phân bổ khắp cơ thể. Do đó, bạn nên bổ sung nhóm thực phẩm này cho cơ thể. Các thực phẩm giàu protein có thể kể đến như thịt lợn nạc, thịt gà, trứng…

Các loại hạt

Đậu đen, đậu xanh, đậu tương, bột mì, gạo tẻ… đều là các loại hạt quen thuộc đối với người Việt, Duy trì các loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày không chỉ giúp duy trì năng lượng cần thiết mà còn giải độc, làm mát gan hiệu quả.

Tinh bột và đường

Khi gan bị tổn thương, cơ thể sẽ mất đi lượng glycogen nhất định. Điều này làm cho gan không đủ năng lượng để thực hiện chức năng của mình. Do vậy, người bệnh viêm gan B cần tăng cường glycogen thông qua glucid có trong các thực phẩm tinh bột và đường.

Một số loại thực phẩm thuộc nhóm tinh bột và đường tốt cho sức khỏe đó là: gạo, bột mì, trái cây, mật ong… Các thực phẩm chứa đường tự nhiên sẽ hỗ trợ tăng glycogen tốt hơn cho cơ thể.

3. Thực phẩm nên ăn để nhanh hồi phục khi bị viêm gan B

Nên ăn thanh đạm, ít gia vị

Đối với người bị mắc viêm gan B nên chọn những thực phẩm thanh đạm, chế biến ít gia vị để giảm tải áp lực cho gan. Điều này tránh cho gan phải làm việc quá nhiều gây suy giảm chức năng.

Đối với món ăn quá nhiều gia vị sẽ làm tăng áp lực cho gan. Người bệnh phải cân nhắc yếu tố bệnh viêm gan nên ăn gì và viêm gan kiêng ăn gì thì việc chế biến thức ăn thanh đạm, ít gia vị càng cần chú ý.

Đôi khi triệu chứng của viêm gan dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng thông thường khác và bị bỏ qua. Điều này dễ khiến bệnh âm thầm tiến triển thành viêm gan mạn, thậm chí suy gan. Việc điều chỉnh lượng gia vị sử dụng trong mỗi bữa ăn góp phần giảm áp lực cho gan, phòng bệnh tiến triển nặng hơn.

Nến chọn những loại thức ăn dễ tiêu hóa

Đối với người bị bệnh viêm gan B, hệ tiêu hóa hoạt động chậm hơn so với người khỏe mạnh, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chán ăn và chướng bụng.

Do vậy nên chọn thức ăn có dạng lỏng như canh, súp… giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn.

4. Thực phẩm nên tránh khi bị viêm gan B

Chế độ ăn người bệnh viêm gan B cần biết- Ảnh 4.

Cần kiêng bia rượu khi mắc viêm gan B.

Viêm gan B nên kiêng tuyệt đối rượu, bia

Được biết, nhiệm vụ chính của gan là giải độc cơ thể, do vậy khi bị mắc bệnh viêm gan B, tế bào gan bị hư tổn khiến gan suy giảm khả năng giải độc. Khi uống rượu bia, có đến 90% lượng cồn sẽ được xử lý qua gan. Việc nồng độ cồn nạp vào cơ thể đòi hỏi gan phải mất nhiều thời gian để xử lý.

Khi tế bào gan hoạt động quá tải, cồn tích tụ sẽ thành chất rất độc khiến gan ngày càng bị suy yếu, làm tăng men gan, dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí tử vong do suy gan…

Các món nhiều dầu mỡ

Khi gan bị tổn thương, quá trình chuyển hóa thức ăn sẽ bị hạn chế. Gan sẽ mất nhiều thời gian để chuyển hóa chất béo dễ dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ. Do đó, người bị viêm gan B nên tránh ăn các món nhiều dầu mỡ để ngăn ngừa bệnh gan nghiêm trọng hơn.

Nội tạng động vật

Các món ăn được chế biến từ nội tạng động vật như tim, gan, lòng, ruột… chứa lượng lớn cholesterol, gây ảnh hưởng đến hoạt động của gan khi bị nhiễm virus viêm gan B.

Đồ ăn chứa nhiều đường

Việc nạp lượng đường lớn vào cơ thể cũng khiến gan bị quá tải, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi và chuyển hóa chất dinh dưỡng tại gan. Một số thực phẩm nhiều đường mà người mắc bệnh viêm gan B cần hạn chế như như bánh, kẹo, chè, trà sữa...

Viêm gan B: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng bệnhViêm gan B: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Người bệnh cần hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, theo dõi và điều trị khi có chỉ định để ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan và suy gan.



BS.CKII Nguyễn Nguyên Huyền - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn