Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM cho biết tại hội nghị về bệnh truyền nhiễm quốc tế APAC-IRIDS 2024 diễn ra từ ngày 19-21/6.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ, ước tính có khoảng 7,8 triệu người tại Việt Nam đang sống chung với bệnh viêm gan B, trong đó cứ 11 người thì có một người mắc bệnh viêm gan B mãn tính. Viêm gan (B và C) gây ra gần 80.000 ca ung thư gan và 40.000 ca tử vong mỗi năm.
Tuy nhiên, nhiều người bị viêm gan B, viêm gan C không biết mình bị nhiễm bệnh sớm, do đó không tìm cách điều trị.
Cho đến nay, xét nghiệm viêm gan virus thường dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của bệnh gan giai đoạn cuối. Kết quả là chỉ có khoảng 10 - 20% số người nhiễm virus viêm gan B được chẩn đoán và chỉ có khoảng 30% số người được chẩn đoán được điều trị.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cần phải có một chiến lược tầm soát tất cả những người dân trong cộng đồng đang bị viêm gan siêu vi để điều trị sớm. Hiện nay, chi phí xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán viêm gan không lớn. Nó giúp người bị viêm gan điều trị kịp thời, chi phí điều trị thấp hơn nhiều so với giai đoạn ung thư.
"Người dân nên quan tâm đến sức khỏe của mình và nếu có điều kiện thì nên đi làm xét nghiệm có bị viêm gan không. Và nếu bị viêm gan thì điều trị. Hiện nay, viêm gan B uống thuốc sẽ ức chế được tải lượng virus và sẽ phải uống thuốc suốt đời. Đối với viêm gan C đã có thuốc điều trị kháng virus trong vòng 3 tháng có thể hết".
Theo bác sĩ Châu, điều đáng lo ngại là nhiều người Việt không biết mình bị bệnh viêm gan, dẫn đến không tìm cách điều trị. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng. Đến lúc có biểu hiện bệnh, vào viện xét nghiệm thì đã ở giai đoạn muộn.
Thống kê cho biết, cứ 11 người Việt Nam có 1 người dương tính với viêm gan B mạn tính mà không biết. Hiện nay hệ thống y tế chỉ phát hiện ra người bị viêm gan khi họ đi bệnh viện khám bệnh hoặc điều trị bệnh gì đó, làm xét nghiệm mới phát hiện ra bị viêm gan.
Viêm gan B, viêm gan C lây qua đường máu, đường quan hệ tình dục nên vợ chồng có thể lây cho nhau và nếu mẹ bị viêm gan B thì sẽ lây cho bào thai. Do đó, người dân cần tầm soát sớm để phát hiện điều trị, tránh lây lan viêm gan, đặc biệt là với phụ nữ mang thai.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đang xây dựng chương trình phòng ngừa lây nhiễm viêm gan siêu vi. Theo đó, tất cả phụ nữ mang thai khi đi khám thai sẽ được tầm soát viêm gan B và nếu bị viêm gan B sẽ được điều trị để không lây cho em bé.
"Mọi người nên thăm khám, sàng lọc sớm viêm gan thì hiệu quả điều trị tăng lên rất nhiều, phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm. Viêm gan B, C là tác nhân dẫn tới ung thư gan, chi phí điều trị rất tốn kém", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư hàng đầu tại Việt Nam. Từ năm 2018, ung thư gan vượt qua ung thư phổi, xếp thứ nhất ở cả số mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong tại Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư gan, biện pháp quan trọng hàng đầu là người dân nên tiêm phòng viêm gan B.
Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có có dấu hiệu bất thường cần đi đến các cơ sở y tế chuyên khoa được khám và xét nghiệm cần thiết.
Bên cạnh đó, người viêm gan phải điều trị triệt để, ngăn chặn tiến triển xơ gan và ung thư gan. Trong gia đình, một người mắc viêm gan, những người còn lại cần đến viện kiểm tra, theo dõi.
Ngoài ra, có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn do chúng làm suy giảm chức năng gan, nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý.
Tăng cường thực phẩm tươi, xanh, bổ dưỡng, không dùng thực phẩm ôi thiu, nấm mốc bởi đây là một trong các tác nhân gây ung thư nguyên phát.
Duy trì hoạt động thể dục, thể thao duy trì thể trạng tốt, hỗ trợ gan đào thải độc tố.
Không sử dụng chung bơm kim tiêm với người khác. Cần khám, chữa bệnh hoặc làm đẹp tại các cơ sở uy tín, chuyên nghiệp, tuân thủ nguyên tắc y khoa.
Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm.
-