Viêm gan B ảnh hưởng như nào đến gan?
Virus viêm gan B là virus có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan…Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, viêm gan B có thể gây ra biến chứng xơ gan và ung thư gan.
Các triệu trứng của bệnh viêm gan B
Phần lớn, người mắc viêm gan B luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu gì cảnh báo khiến người bệnh chủ quan và bỏ qua, đặc biệt với những trường hợp viêm gan B cấp tính. Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với virus viêm gan B thì người bệnh có thể cảm thấy không khỏe, ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ mỡ.
Ngoài ra, có thể có một số biểu hiện khác của viêm gan B mạn tính như:
- Mệt mỏi kéo dài, xanh xao
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sậm
- Đau nhức xương khớp
- Đau hạ sườn phải
- Rối loạn tiêu hoá, đi cầu phân đen
- Chướng bụng, phù chân
- Xuất huyết dưới da
- Nghiêm trọng có thể hôn mê do bệnh não gan
Viêm gan B có bị lây không?
Viêm gan B không lây qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn hoặc qua muỗi đốt, hắt hơi…
Tuy nhiên, virus viêm gan B có thể lây qua tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không được bảo vệ và mẹ truyền sang con. Cụ thể:
- Mẹ truyền viêm gan B cho con khi sinh nở hoặc trong quá trình mang thai
- Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
- Dùng chung dụng cụ khi tiêm chích ma túy
- Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nhíp, dụng cụ cắt móng tay, móng chân (bấm móng tay..) với người bị viêm gan B
- Xăm mày, xăm môi, xăm cơ thể, xỏ lỗ tai….
- Quan hệ bằng miệng khi có vết thương, vết loét, viêm, nhiệt miệng
- Có tiền sử truyền máu và các chế phẩm của máu
- Tiếp xúc với máu của người nhiễm vi rút viêm gan B qua vết thương hở
- Thủ thuật y tế: làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa….
Cách phòng tránh để không bị viêm gan B
- Tiêm phòng vắc xin viêm gan B: là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và an toàn.
- Mọi em bé sinh ra đều cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, sau đó tiêm các mũi còn lại theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Mắc viêm gan B cần làm gì?
Nếu bạn mới bị nhiễm vi rút viêm gan B dưới 6 tháng, được gọi là viêm gan B cấp. Nếu bạn nhiễm vi rút viêm gan B trên 6 tháng, được gọi là viêm gan B mạn.
Nếu bạn là người lớn ≥ 16 tuổi có hệ miễn dịch khỏe mạnh, khi bị viêm gan B cấp thì 95% cơ thể bạn có thể tự đào thải vi rút, sạch HBsAg ( có thể coi như là khỏi bệnh) và không bị viêm gan B mạn. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh khi bị viêm gan B cấp, do hệ miễn dịch chưa trưởng thành nên chỉ có 5-10% có khả năng đào thải vi rút và sạch HBsAg. Hơn 90% trẻ sơ sinh sau khi nhiễm viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn.
Trường hợp bạn mắc viêm gan B lâu hơn 6 tháng và trở thành viêm gan B mạn thì bạn cần quan tâm theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Bởi vì 30% người mắc viêm gan B mạn sẽ tiến triển thành xơ gan; 5-10% sẽ tiến triển thành ung thư gan. Thông thường, người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó người bệnh thường chủ quan và bệnh sẽ tiến triển nặng lên mà không hề hay biết.
Chính vì vậy, người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc gan mật. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình, cũng như phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, ung thư gan. Nếu là phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch sinh em bé mà có xét nghiệm HBsAg dương tính, người bệnh cần đến chuyên khoa truyền nhiễm để được khám và tư vấn về các dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
Hiện tại, thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng virus giúp ức chế virus viêm gan B.