1. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, có thể gây suy gan và dẫn đến tử vong.
Viêm gan B mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn của viêm gan B mạn còn tương đối thấp.
Mục tiêu chính là ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan B, phát hiện sớm, theo dõi và điều trị khi có chỉ định để ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan và suy gan.
Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vắc-xin.
Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày. Virus có thể được phát hiện trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh và có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan B.
Virus viêm gan B rất dễ lây. Khả năng lây nhiễm cao hơn HIV 100 lần.
2. Triệu chứng bệnh viêm gan B
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết.
Trường hợp viêm gan B cấp tính thường không có biểu hiện rõ ràng hoặc biểu hiện không nghiêm trọng, nên rất dễ bị bỏ qua. Đối với một vài trường hợp triệu chứng có thể là cảm giác mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, sốt, đau nhức gan hoặc có một số triệu chứng gần giống với cúm.
Các triệu chứng bị viêm gan B mạn tính gồm có:
- Mệt mỏi kéo dài, xanh xao
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sậm
- Đau nhức xương khớp
- Đau hạ sườn phải
- Rối loạn tiêu hoá, đi cầu phân đen
- Chướng bụng, phù chân
- Xuất huyết dưới da
3. Những con đường lây nhiễm viêm gan B
Đường từ mẹ sang con: Đa số xảy ra trong thời kỳ chu sinh hay những tháng đầu sau sinh, không lây nhiễm qua nhau thai, đây là một cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất.
Đường máu: Máu có lượng HBV cao vì vậy nếu da hoặc niêm mạc của chúng ta bị xây xước mà tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao. HBV cũng được tìm thấy trong dịch âm đạo, tinh dịch, sữa, nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, phân, dịch mật nhưng với nồng độ rất thấp, vì vậy khi da hoặc niêm mạc bị tổn thương mà tiếp xúc với các dịch này thì cũng có thể bị lây nhiễm HBV.
Đường tình dục: Khi quan hệ tình dục không an toàn (sử dụng chung dụng cụ tình dục nếu không rửa hoặc không dùng bao cao su) với người bị viêm gan siêu vi B. Bạn cũng sẽ có khả năng bị nhiễm HBV vì virus có trong dịch tiết của người nhiễm và thâm nhập vào thân thể bạn qua các vết xước nhỏ và di chuyển vào máu gây tình trạng nhiễm HBV.
Tái sử dụng kim và ống tiêm: Việc truyền virus cũng có thể xảy ra thông qua việc tái sử dụng kim và ống tiêm trong môi trường chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy.
Nhiễm máu nhiễm bệnh: Nhiễm virus viêm gan B xảy ra trong quá trình y tế, phẫu thuật và nha khoa, thông qua hình xăm hoặc thông qua việc sử dụng dao cạo và các vật tương tự bị nhiễm máu nhiễm bệnh.
4. Điều trị bệnh viêm gan B
Nếu người lớn mắc viêm gan B cấp thì khả năng tự hồi phục và đào thải virus là 95%. Vì vậy người mắc viêm gan B cấp phần lớn không cần dùng thuốc kháng virus (trừ một số trường hợp đặc biệt có suy gan nặng). Người mắc viêm gan B cấp có men gan cao cần nghỉ ngơi, dùng các thuốc hỗ trợ gan theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhập viện nếu cần.
Nếu mắc viêm gan B mạn, việc điều trị sẽ giúp giảm nguy cơ tiến triển đến xơ gan và ung thư gan trong tương lai, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Biện pháp chính để điều trị viêm gan B mạn là uống thuốc kháng virus. Đây là loại thuốc có tác dụng làm giảm sự nhân lên của virus viêm gan B, vì vậy sẽ bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại nhiều hơn.
Việc uống thuốc kháng virus sẽ kéo dài rất lâu, rất nhiều năm, thậm chí cả đời với những người đã bị xơ gan. Người bệnh không nên tự ý ngừng uống thuốc kháng vi rút khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Việc tự ý ngừng thuốc kháng virus có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Uống thuốc kháng virus viêm gan B không đều, thường xuyên quên thuốc sẽ giúp cho virus quen với thuốc và dẫn đến kháng thuốc (nhờn thuốc). Gan vẫn bị tổn thương, và vẫn có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Một biện pháp nữa để điều trị viêm gan B mạn là tiêm các thuốc để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho vi rút không hoạt động như Peg-Interferon, Interferon, thymosin alpha….
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm gan B
Tiêm vaccine phòng viêm gan B
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Cách phòng ngừa hiệu quả đó chính là tiêm vaccine phòng viêm gan B. Đối với người lớn, trước khi tiêm phòng viêm gan B cần làm xét nghiệm máu để biết cơ thể mình đã nhiễm virus chưa và có kháng thể hay chưa.
Nếu cơ thể chưa từng nhiễm virus viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (AntiHBs âm tính) sẽ được khuyến cáo tiêm phòng 3 mũi theo phác đồ:
- Mũi 1: lần đầu đến tiêm
- Mũi 2: một tháng sau mũi 1
- Mũi 3: sáu tháng sau mũi 1
Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học
Lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những đối tượng bị nhiễm virus viêm gan B. Cụ thể như sau:
Nên áp dụng chế độ ăn đủ dinh dưỡng: Người bệnh cần bổ sung cân bằng các loại dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Lưu ý nên chọn những thực phẩm lành mạnh, ưu tiên các loại rau xanh, trái cây.
Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế những loại thực phẩm gây hại cho cơ thể chẳng hạn như chất béo động vật, các loại nội tạng động vật, không sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn và chất kích thích.
Cần tăng cường vận động
Rèn luyện sức khỏe mỗi ngày là thói quen rất tốt mà người bệnh nên thực hiện. Không cần những bài tập quá nặng, bạn chỉ cần lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân và rèn luyện khoảng 30 phút mỗi ngày. Đây là cách giúp bạn nâng cao sức khỏe, phòng chống được nhiều loại bệnh tật.
Không những vậy, tập thể dục cũng là một cách giúp bạn loại bỏ căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và từ đó đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh.
Cần khám sức khỏe định kỳ
Đối với người khỏe mạnh, mỗi năm cần khám sức khỏe định kỳ 2 lần. Đối với những người có kết quả dương tính với xét nghiệm viêm gan B thì điều này lại càng cần thiết.
Người bệnh tuyệt đối phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ về việc tái khám định kỳ để theo dõi được tình trạng bệnh và xử lý sớm những bất thường nếu có, phòng tránh tối đa nguy cơ biến chứng.
Người mắc bệnh viêm gan B tránh lây nhiễm bệnh cho người khác
Không dùng chung các đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây nhiễm bệnh, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn mặt, khăn tắm,…
Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
Khi người bệnh bị thương, chảy máu và buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác thì cần thông báo về tình trạng nhiễm virus viêm gan B của mình để người sơ cứu biết cách phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.