Chiều tối 6/4, tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội về tình hình KT-XH quý I/2022, Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng tại 61 Trần Phú (quận Ba Đình) đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Về vấn đề pháp lý, để một công trình từ chủ trương ra đến hiện trạng thì có nhiều bước, từ chủ trương, quy hoạch, giấy phép… gói ở trong chức năng nhiệm vụ của nhiều sở ngành. Tất cả các ngành đều căn cứ quy định của luật, của nhà nước, thành phố.
Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Theo ông Kỳ Anh, công trình tại 61 Trần Phú là công trình công nghiệp của người Pháp xây dựng, kết cấu không có gì đặc biệt. Đối với kiến trúc mái hình răng cưa cũng có nhiều công trình có kiến trúc tương tự.
"Công trình xây mới đã được xác định là tòa nhà đa chức năng 11 tầng, đưa vào khu vực này là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Công trình được đánh giá nghiên cứu nghiêm túc và kiến trúc tương đối đẹp", ông Kỳ Anh nhận định.
Theo Sở QH-KT, toà nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú không phải công trình kiến trúc cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, công trình này không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá".
Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078m2 trong đó 1.555m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 15/11/2004.
Hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học, nơi làm việc, khu công nghiệp