Chúng tôi tìm về khu vực Cồn Cưỡi nằm giữa dòng sông Gianh thuộc địa phận thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) nơi hàng chục hộ dân vạn đò dựng nhà tạm để sinh sống để hiểu hơn về cuộc sống khốn khó của người dân nơi đây.
Chia sẻ cùng PV Báo Sức khỏe & Đời sống, chị Hoàng Thị Huề, một người dân vạn đò dựng nhà tạm tại Cồn Cưỡi cho biết, dù có hộ khẩu tại xã Quảng Tiên nhưng chị và những hộ vạn đò khác không có một mảnh đất để "cắm dùi". Vậy nên quanh năm họ phải lênh đênh theo dòng nước, lấy ghe đò làm nhà, sống cảnh tạm bợ, khó khăn trăm bề.
Cuộc sống gắn với sông nước, mưu sinh phần lớn dựa vào việc đánh bắt thủy sản trên sông. Nhưng bây giờ cá tôm cũng ngày một khan hiếm, việc kiếm đủ miếng ăn cho gia đình lại thêm khó khăn. Cái đói, cái nghèo vì thế cứ mãi đeo bám cư dân vạn đò.
Lênh đênh theo con nước, nên những nguy hiểm luôn bủa vây những hộ dân này. Đã có nhiều cháu nhỏ không may rơi từ thuyền xuống sông tử vong, cũng nhiều lần thuyền bị hư hại đẩy người dân trên đò vào cảnh hiểm nguy.
"Con trai đầu của tôi không may rơi từ thuyền xuống sông đuối nước mất đi đến nay cũng gần 2 năm rồi. Nhiều hộ vạn chài khác cũng có con mất vì đuối nước như tôi. Cuộc sống trên thuyền thì hết sức thiếu thốn, khó khăn và nguy hiểm", chị Huề cho biết.
Nhận thấy không thể sống mãi trong hoàn cảnh như vậy, nhiều hộ vạn chài đã rủ nhau cùng về khu vực đất bỏ hoang tại Cồn Cưỡi dựng nhà, mà nói đúng hơn là những lán tạm để sinh sống. Nhà được dựng từ khung gỗ mái che tôn, bao quanh nhà là ván gỗ hoặc bạt. Là nơi chắn nắng, che mưa nhưng người dân nơi đây quanh năm chịu cảnh thấm dột, gió lùa vì nhà quá tạm bợ. Những người vạn đò thường gọi nơi mình sinh sống là "xóm nhà là".
"Mình sống trên sông nước lâu cũng quen rồi, nhưng khi có con nhỏ mà sống vậy thì quá bất tiện và nguy hiểm. Rồi khi con đến tuổi đi học không thể ở mãi trên thuyền được. Người dân vạn đò chẳng mấy ai có đất trên bờ nên đành rủ nhau về bãi hoang ven sông này dựng nhà để đảm bảo an toàn và dễ bề chăm sóc con cái. Rồi thuận tiện cho con cái đi học, mong các con học hành để sau không còn nghèo như mình", anh Mai Văn Phong, một cư dân của "xóm nhà lá" cho biết.
Dù đã có nhà tạm trên bờ, nhưng người dân vạn đò nơi đây vẫn lo sợ khi mùa mưa bão tới. Mỗi lần có mưa lớn kéo dài, nước sông lại dâng cao gây ngập "xóm nhà là", dân vạn chài phải neo đậu ghe đò thật chắc rồi tới nhà các hộ dân ở vùng cao hơn xin tá túc.
"Chúng tôi vẫn nhớ mãi trận lũ lịch sử tháng 10/2020. Nước lũ lên nhanh chỉ kịp đưa con cái đi tới vùng đất cao xin trú tạm. Khi lũ rút quay về trong nhà chẳng còn đồ đạc gì vì lũ cuốn hết. Nên bây giờ cứ hễ mưa to là lo đưa tài sản đi gửi, khi lũ lên thì chèo đò đi tránh lũ", chị Bùi Thị Thanh, cư dân tại "xóm nhà lá" chia sẻ.
Nói về tương lai, những người dân vạn chài dựng nhà tạm sinh sống ven sông mong muốn có cho gia đình một mảnh đất để dựng căn nhà kiên cố hơn làm nơi tá túc. Họ mong sớm thoát cái cảnh sống tạm bợ trên thuyền, trong nhà tạm.
Liên quan đến vẫn đề này, ông Hoàng Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn cho biết, hiện có 17 hộ dân sinh sống trên thuyền, đò lên dựng nhà tạm ở vùng đất thuộc Nghị định 64 (đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp) mà người dân địa phương từ lâu không canh tác.
"Vùng đất đó bà con địa phương đã ngừng canh tác nông nghiệp từ lâu, trở thành vùng đất hoang, cây cối mọc um tùm. Người dân vạn đò xung quanh thấy thuận tiện nên dựng nhà tạm. Chính quyền địa phương cũng đang tiến hành xin ý kiến, chủ trương, họp bàn với người dân để sớm quy hoạch cho bà con đấu thầu. Mong muốn người dân sớm có đất để ổn định cuộc sống nhưng cần thực hiện mọi việc theo đúng quy định của pháp luật", ông Ngừng cho biết.