Thuyên tắc động mạch phổi là một trường hợp cấp cứu có liên quan đến nhiều chuyên khoa về cơ chế sinh bệnh cũng như xử trí. Đây là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có liên quan đến bệnh lý tim mạch.
Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, thuyên tắc động mạch phổi có tỷ lệ tử vong lên tới 30%.
Nếu người bệnh được phát hiện, chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 2-8%.
Thuyên tắc động mạch phổi là gì?
Thuyên tắc động mạch phổi là tình trạng các cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch di chuyển lên làm tắc nghẽn nhánh động mạch phổi trong đó chủ yếu là các tĩnh mạch ở chi dưới hoặc vùng chậu.
Ngoài ra, còn có các trường hợp thuyên tắc động mạch phổi không do huyết khối như: tắc mạch do mỡ, tắc mạch khí, thuyên tắc dị vật…
Thuyên tắc động mạch phổi có biểu hiện gì?
Triệu chứng lâm sàng của thuyên tắc động mạch phổi đa dạng và không đặc hiệu. Cần tìm ngay lập tức các dấu hiệu chứng tỏ mức độ nặng của bệnh nhân trên lâm sàng, gồm: sốc, tụt huyết áp kéo dài (Huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc tụt huyết áp ≥ 40 mmHg, trong ít nhất 15 phút, mà không có rối loạn nhịp tim mới xuất hiện, thiếu dịch hoặc nhiễm trùng). Các dấu hiệu khác gồm:
- Triệu chứng cơ năng: khó thở khi nghỉ ngơi hay khi gắng sức, đau ngực kiểu màng phổi, khò khè, ho ra máu.
- Khám lâm sàng: thở nhanh; nhịp tim nhanh, tiếng tim T2 mạnh (bình thường nhịp tim đều sẽ là T1- T2); ran ẩm/nổ phổi; rung thanh giảm; tĩnh mạch cổ nổi; sưng, đau, nóng đỏ chi dưới nếu có kèm theo huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
Để đánh giá nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi trên lâm sàng các bác sĩ sẽ sử dụng thang điểm Wells.
Một số đối tượng sau đây có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị các bệnh lý gây hình thành cục máu đông.
- Người mắc các bệnh lý gây tổn thương hoặc làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu và tình trạng tăng đông.
- Người sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen.
- Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh.
- Người có các bệnh lý rối loạn đông máu di truyền.
- Bệnh nhân ung thư.
- Một số yếu tố khác như: người vừa phẫu thuật nằm bất động, chấn thương, gãy xương, người hay phải ngồi bất động trong thời gian dài như khi phải di chuyển bằng máy bay, xe ô tô thời gian dài.
Chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi
Bệnh nhân nghi ngờ thuyên tắc động mạch phổi có nguy cơ cao (sốc hoặc tụt huyết áp).
- Bệnh nhân có thể đi chụp MSCT động mạch phổi (Chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt): Chụp MSCT xác nhận chẩn đoán và điều trị tái tưới máu nếu có thuyên tắc động mạch phổi.
- Bệnh nhân không thể đi chụp MSCT do tình trạng bệnh nặng hoặc cơ sở không có điều kiện: Siêu âm tim cấp cứu tại giường, có thể tiến hành tiêu sợi huyết cấp cứu nếu trên siêu âm có tăng gánh thất phải hoặc thấy huyết khối trong các nhánh lớn.
- Thuyên tắc động mạch phổi cũng có thể phát nhờ siêu âm tim để giúp loại trừ các nguyên nhân gây sốc, tụt áp khác. Ngoài ra có thể siêu âm tim tại giường, siêu âm tĩnh mạch chi dưới để hỗ trợ chẩn đoán.
Bệnh nhân nghi ngờ thuyên tắc động mạch phổi không có sốc hoặc tụt huyết áp được chia làm 2 trường hợp:
- Nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi trên lâm sàng thấp/trung bình (điểm Wells rút gọn ≤ 1): Định lượng D-dimer huyết thanh.
+ D-dimer tăng: Chụp MSCT động mạch phổi để xác nhận chẩn đoán.
+ D-dimer không tăng: Loại trừ thuyên tắc động mạch phổi.
- Nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi trên lâm sàng cao (điểm Wells rút gọn > 1): Chụp MSCT động mạch phổi để chẩn đoán xác định.
Ngoài ra các bác sĩ sẽ sử dụng thêm một số phương pháp khác để chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi như: phẫu thuật lấy huyết khối hoặc can thiệp lấy huyết khối bằng ống thông (catheter).
Điều trị tắc động mạch phổi bằng cách nào?
Để điều trị tắc động mạch phổi, các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của người bệnh và cá thể hóa.
Bệnh nhân sẽ được điều trị hồi sức bao gồm: hồi sức hô hấp, thông khí nhân tạo, truyền dịch, các thuốc vận mạch.
- Điều trị tái tưới máu bằng các phương pháp: thuốc tiêu sợi huyết được chỉ định cho bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp có sốc, tụt huyết áp (dựa vào từng cá thể bệnh nhân).
- Phương pháp: Phẫu thuật lấy huyết khối hoặc can thiệp lấy huyết khối bằng ống thông (catheter). Được cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi cấp có sốc, tụt huyết áp nhưng có chống chỉ định điều trị tiêu sợi huyết hoặc điều trị tiêu sợi huyết thất bại. Đối với bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi cấp có huyết động ổn định, phẫu thuật lấy huyết khối hoặc can thiệp lấy huyết khối bằng catheter được cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân nguy cơ tử vong sớm ở mức trung bình cao, có chỉ định điều trị tái tưới máu nhưng nguy cơ xuất huyết cao.
Dự phòng thuyên tắc động mạch phổi
Thuyên tắc động mạch phổi là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, đúng cách. Do vậy, việc dự phòng và phát hiện thuyên tắc động mạch phổi để tránh hậu quả đáng tiếc rất quan trọng. Mọi người nên thực hiện một số khuyến cáo sau:
- Nhận thức về căn bệnh nguy hiểm này.
- Những người có yếu tố nguy cơ khi có bất thường về hô hấp hoặc bất kỳ bất thường nào nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để tìm nguyên nhân.
- Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế thức khuya và không sử dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…). Ăn uống lành mạnh bằng cách bổ sung nhiều rau xanh, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, nội tạng, uống đủ nước. Mọi người nên duy trì tập luyện thể dục thể thao, một số bộ môn đơn giản như đi bộ, chạy bộ… Không nên ngồi lâu, nếu làm việc trong môi trường phải ngồi lâu nên vận động nhẹ sau khoảng 45 phút.
- Phát hiện và điều trị ổn định các bệnh lý về tim mạch.
- Đặc biệt người bệnh cần lưu ý khám ngay khi có các dấu hiệu sưng, nóng đỏ, đau 1 bên chân để phát hiện sớm huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.