Do đó, kết hợp lối sống lành mạnh cùng với chế độ ăn uống bổ dưỡng, bổ sung những thực phẩm tốt cho tim là cách hiệu quả để giữ cho trái tim khỏe mạnh, ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.
Nghiên cứu cho thấy, để giữ cho tim hoạt động tốt, cần cung cấp loại "nhiên liệu" tốt cho tim mạch bằng các thực phẩm lành mạnh như: Cá, thịt nạc, sữa ít béo, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch…; Đồng thời hạn chế hoặc tránh các thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung, thức ăn chiên rán, thực phẩm chứa nhiều muối, chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia…
Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thói quen ăn uống không hợp lý dẫn đến thừa cân, béo phì và nhiều hệ lụy. Thói quen lựa chọn thực phẩm không đúng dẫn đến sử dụng nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe, chế độ ăn không đủ lượng rau xanh, quả chín, không ăn đủ chất xơ, ăn mặn, nhiều muối là nguyên nhân làm gia tăng các nguy cơ tim mạch, rối loạn chuyển hóa.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo về các thành phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho tim như sau:
- Tập trung vào nguồn omega-3.
- Cung cấp đủ chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn.
- Ít chất béo không lành mạnh như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Hạn chế natri.
- Thêm màu sắc trên đĩa của bạn để cung cấp chất chống oxy hóa từ rau củ và trái cây.
- Chú ý lượng carb/đường/tinh bột.
Thực phẩm lành mạnh giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khẳng định, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch và tiết chế ăn uống là những nguyên tắc quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh lý tim mạch.
Các khuyến nghị cho tim mạch nêu rõ chất bột đường phải chiếm tối thiểu 50-60% tổng năng lượng hàng ngày, chất đạm chiếm 15-20%, chất béo chiếm 20-25% hoặc tối đa 39% tùy từng tình trạng cụ thể. Người bệnh tim mạch cần được thăm khám, dùng thuốc và thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Một số lưu ý dễ thực hiện trong bữa ăn hàng ngày có thể tham khảo theo gợi ý sau:
- Chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo chưa đánh bóng, hạt kê, lúa mì nguyên hạt, đậu, quả hạch và hạt... để lấy năng lượng nhưng có thêm chất xơ và vi chất.
- Kiểm soát nguồn cung cấp chất đạm nên bao gồm các loại đạm động vật từ thủy hải sản và thịt gia cầm phổ biến hơn thịt đỏ trong chế độ ăn kiêng tốt cho tim.
- Chế độ ăn nên ưu tiên những loại thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch bao gồm: trái cây, rau củ, cá, sữa ít béo, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt… Nghiên cứu cho thấy, các loại thực phẩm này có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách cải thiện chức năng của tim hoặc ngăn ngừa các tình trạng góp phần gây ra bệnh tim. Các loại rau xanh, củ quả chứa nhiều chất xơ, vitamin, các chất chống oxy hóa sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch, làm giảm hấp thụ cholesterol, hạn chế hình thành mảng xơ vữa, kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp.
Trái cây tươi là thực phẩm chứa chất xơ và chất chống oxy hóa tự nhiên tốt cho tim mạch, giảm nguy cơ mỡ máu.
Các loại đậu có hàm lượng chất xơ tự nhiên cao giúp thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh. Chúng cũng cung cấp các vi chất dinh dưỡng quan trọng như: kẽm, kali, vitamin B, sắt, mangan, phốt pho. Nhiều loại đậu rất giàu chất chống oxy hóa.
Trong khi việc tiêu thụ nhiều ngũ cốc tinh chế có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, viêm nhiễm thì ngũ cốc nguyên hạt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có lợi ích giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Yến mạch chứa chất xơ có lợi cho sức khỏe tim mạch.
- Bổ sung chất béo lành mạnh là chất béo tốt cho sức khỏe, bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa giúp cải thiện mức cholesterol trong máu.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng khuyến cáo mọi người nên ăn thực phẩm có chất béo không bão hòa thay vì chất béo bão hòa.
Theo AHA, cả chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa đều làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, giảm tử vong do mọi nguyên nhân. Những chất béo này cũng giúp giảm mức cholesterol xấu và chất béo trung tính (cả hai đều góp phần gây ra bệnh tim).
Chất béo không bão hòa đơn được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như các loại hạt, quả bơ, dầu ô liu…
Acid béo omega-3 là chất béo không bão hòa đa làm giảm mức chất béo trung tính và tăng nhẹ mức HDL (cholesterol tốt). Nguồn cung cấp acid béo omega-3 tốt nhất là các loại cá béo như: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm... Omega-3 cũng được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: bông cải xanh, rau bina, đậu Hà Lan, quả óc chó, hạt lanh, hạt chia, dầu hạt cải, dầu đậu nành…
PV