Hà Nội

Gia tăng số ca thuyên tắc động mạch phổi cấp

07-05-2022 08:50 |

SKĐS - Thời gian gần đây, khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 liên tục tiếp nhận những trường hợp cấp cứu thuyên tắc động mạch phổi cấp với nhiều bệnh cảnh khác nhau. Nhiều người có thể liên quan đến COVID-19.

Thuyên tắc động mạch phổi là gì?

Thuyên tắc động mạch phổi là hiện tượng tắc ít nhất một động mạch phổi hoặc nhánh động mạch phổi, thường do cục máu đông (còn gọi là huyết khối) từ tĩnh mạch chi dưới di chuyển lên.

Thông thường cơ chế đông máu hình thành huyết khối mang tính chất bảo vệ, giúp cơ thể chúng ta liền vết thương, cầm máu khi chảy máu… Sau khi hoàn thành vai trò này, cơ thể có thể tự ly giải những huyết khối nhỏ một cách liên tục trong hệ thống tuần hoàn.

 Tuy nhiên ở một số bệnh nhân tuổi cao, phải nằm lâu một chỗ, bệnh nhân rối loạn đông máu di truyền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh ung thư hoặc gần đây là những bệnh nhân mắc COVID-19… đều có nguy cơ đông máu. 

Những cục máu đông di chuyển, khi đến vị trí các động mạch phổi thì bị tắc lại làm người bệnh suy hô hấp cấp, sốc do tắc nghẽn luồng chảy của dòng máu từ tim phải sang tim trái. Người bệnh nhanh chóng đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời.

Gia tăng bệnh thuyên tắc động mạch phổi do COVID-19

ThS. BS. Lưu Quang Minh - Khoa Hồi sức tim mạch - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Trước dịch COVID-19, mỗi tháng Khoa Hồi sức tim mạch Bệnh viện TWQĐ 108 chỉ tiếp nhận khoảng 1-2 trường hợp bệnh nhân mắc thuyên tắc động mạch phổi, nhưng gần đây, tình trạng này gia tăng ở mức báo động, lên tới 4-5 bệnh nhân mỗi tháng.

Thực tế lâm sàng cho thấy tình trạng này gặp ở những bệnh nhân mắc COVID-19. Thậm chí bệnh nhân vẫn có nguy cơ hình thành cục máu đông, gây thuyên tắc động mạnh phổi sau nhiễm COVID-19 đến 6 tháng, ThS. BS. Lưu Quang Minh cho hay.

Báo động gia tăng tình trạng thuyên tắc động mạch phổi trong kỷ nguyên COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốc tim do thuyên tắc động mạch phổi cấp

Trường hợp bệnh nhân 92 tuổi, bị nhiễm COVID-19 tuần đầu tiên bị ngã gãy cổ xương đùi. Bệnh nhân đang được phẫu thuật thay khớp háng thì đột ngột tụt huyết áp, nhịp tim chậm dần… cũng do thuyên tắc động mạch phổi. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị kịp thời nên tiến triển tốt và có thể tự sinh hoạt bình thường.

Trường hợp khác là bệnh nhân TLN 98 tuổi (trường hợp rất hy hữu vì cao tuổi nhất thế giới được ghi nhận mắc bệnh này được cấp cứu thành công). Bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Trước đó, bệnh nhân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.  Một ngày, bệnh nhân đột ngột khó thở, huyết áp tụt sâu 60/30 mmHg. Khi cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán sốc tim do thuyên tắc động mạch phổi hai bên và được tiêu sợi huyết cấp cứu.

Theo TS. Đặng Việt Đức - PT Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tim mạch - Bệnh viện TWQĐ 108: "Thuyên tắc động mạch phổi cấp là một bệnh khá thường gặp, là nguyên nhân đứng thứ 2 gây đột tử do tim. 80% bệnh nhân tử vong trong bệnh viện mà không xác định được nguyên nhân. Chỉ khi giải phẫu thi thể mới được xác định do thuyên tắc động mạch phổi. 

TS. Đặng Việt Đức nhấn mạnh: "Khả năng chẩn đoán và điều trị thuyên tắc động mạch phổi phụ thuộc vào trang thiết bị, kinh nghiệm của từng cơ sở y tế. Khi thuyên tắc động mạch phổi cấp mức độ nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 60% với diễn biến thường rất nhanh trong 1 đến 2 giờ đầu. Do vậy, chúng ta phải luôn nghĩ tới nó thì mới kịp đưa ra chiến lược chẩn đoán và điều trị cho người bệnh".

Báo động gia tăng tình trạng thuyên tắc động mạch phổi trong kỷ nguyên COVID-19 - Ảnh 4.

Bệnh nhân 98 tuổi sau điều trị đã hồi phục, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt và có thể xuất viện.

Có thể nói, căn bệnh này không phải hiếm gặp nhưng lại ít người biết đến. Không chỉ người già yếu nằm lâu bất động hay các bệnh nhân đột quỵ não, bệnh nhân phẫu thuật mà cả người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể liên quan đến vấn đề thai nghén, hoặc các bệnh nhân có sẵn bệnh lý huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Dù chưa đủ bằng chứng về mối liên quan giữa COVID-19 và tình trạng gia tăng đông máu, huyết khối, nhưng thời gian gần đây, bệnh viện đã ghi nhận  gia tăng số ca bệnh, ngay ở người trẻ tuổi cũng có thể gặp.

Bệnh có nhiều biểu hiện mức độ khác nhau. Với mức độ nặng có thể gây sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp. Biểu hiện nhẹ xuất hiện khó thở mức độ vừa, không gây hiện tượng sốc. Thậm chí có những bệnh nhân âm thầm không có biểu hiện, mạn tính lâu ngày không phát hiện ra. Chính vì vậy để phòng tránh bệnh, người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để tránh những hậu quả khó lường. Hoặc khi có biểu hiện, dù chỉ là nhẹ cũng nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Điều trị COVID-19 kéo dài_Nghiên cứu liệu pháp tăng cường miễn dịch, cách tiếp cận mới

Thu Hà
Ý kiến của bạn