Ca sĩ Võ Hạ Trâm: 'Tết đầu tiên chồng tôi bối rối khi được lì xì'

01-02-2022 11:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - "Tôi không gặp khó khăn gì khi làm dâu xứ lạ bởi tôi may mắn có chồng và gia đình chồng tâm lý, yêu thương.

Năm đầu sau khi cưới, tôi sang Ấn Độ làm dâu và được mẹ chồng hết sức cưng chiều. Mẹ thương tôi như con gái. Thậm chí, tôi còn không phải rửa bát, mẹ chồng làm hết", ca sĩ Võ Hạ Trâm chia sẻ.

"Vợ chồng tôi xót xa mỗi lần nhắc đến Ấn Ðộ"

Năm qua, cả hai quê hương của Võ Hạ Trâm là Việt Nam và Ấn Ðộ - quê chồng, đều đã trải qua những ngày tháng lao đao vì đại dịch COVID-19. Cảm giác của chị thế nào khi nghĩ về những ngày đã qua?

Rất khó để diễn tả cảm xúc khi mỗi ngày đọc tin tức về COVID-19, số ca dương tính tăng, sự đau xót khi đọc những câu chuyện về sự mất mát. Dù Việt Nam, Ấn Ðộ hay bất cứ đất nước nào thì sự mất mát người thân trong đợt dịch cũng đau xót. Sự mất mát người thân một cách đột ngột, có khi không có cơ hội nhìn nhau lần cuối chắc chắn là cảm giác khủng khiếp, để lại những nỗi đau khó lành. Tôi thường tự đặt mình nếu rơi vào hoàn cảnh đó thì sẽ thế nào? Làm thế nào để vượt qua?

Nhưng tôi may mắn vì đi qua những ngày kinh khủng COVID-19, gia đình hai bên đều an toàn. Tôi không dám mong quá nhiều, chỉ mong rằng niềm đau nỗi buồn đó sẽ nhanh chóng qua đi để mọi người nhìn về tương lai, xây dựng lại cuộc sống, tìm lại nguồn năng lượng tích cực.

Vợ chồng ca sĩ Võ Hạ Trâm.

Vợ chồng ca sĩ Võ Hạ Trâm.

Ðỉnh điểm của dịch bệnh COVID-19 ở Ấn Ðộ, hẳn chị và gia đình "đứng ngồi không yên". Chị còn nhớ cảm giác của mình thời điểm đó không?

Thời điểm đó, xung quanh nhà mẹ chồng, mỗi ngày đều có 15 - 20 người chết vì COVID-19. Khi đó, vợ chồng tôi rất lo lắng vì mẹ chồng đã lớn tuổi, lại sống một mình. Chúng tôi gọi điện hỏi thăm mẹ mỗi ngày, căn dặn mẹ nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng chống dịch và hạn chế tối đa việc đi lại ngoài đường. Thật sự đến giờ chúng tôi cảm thấy rất may mắn vì mẹ an toàn qua hai đợt dịch ở Ấn Ðộ.

Bên cạnh đó, nhìn thấy hình ảnh đau thương bao trùm, vợ chồng tôi vô cùng xót xa. Chúng tôi cầu nguyện sự bình yên sẽ quay về, để mình không còn phải thấy những mất mát, đau thương mỗi khi xem tin tức.

Ði qua những ngày này, chị thấy mình đã thay đổi thế nào?

Cuộc sống này thật sự rất ngắn, mình không biết trước điều gì sẽ xảy ra. Mong mọi người hãy sống trọn vẹn, ý nghĩa nhất, hãy trân trọng những gì đang có, trân trọng từng giây phút với gia đình. Vì bao nhiêu tiền bạc, danh vọng ngoài kia chẳng mang đi được khi bạn "thở ra mà không thể hít vào được nữa".

Hãy sống ý nghĩa, sống chia sẻ, lan toả nhiều điều tốt đẹp để dù có gì xảy ra cũng không nuối tiếc vì đã sống cuộc đời trọn vẹn.

"Không có cái tôi cá nhân, chúng tôi tạo ra văn hóa riêng cho gia đình"

Nói là thế nhưng 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi hoạt động gần như "đóng băng", chắc hẳn chị có nhiều điều nuối tiếc?

Thực sự điều khiến tôi vui nhất, tự hào nhất trong thời gian qua có lẽ là việc gia đình chào đón thiên thần nhỏ đáng yêu. Ngôi nhà nhỏ của chúng tôi trong những ngày giãn cách có tiếng khóc, tiếng cười trẻ nhỏ, đó là niềm hạnh phúc lớn.

Còn nuối tiếc? Chắc chắn rồi! Suốt 2 năm qua, vì dịch bệnh nên nhiều dự án tôi ấp ủ đều dời lại chưa biết đến khi nào. Ðiều này không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp cũng thế. Tất nhiên có nuối tiếc song vẫn phải ưu tiên an toàn, mong sau dịch sẽ thực hiện và trình làng những sản phẩm nghệ thuật.

Ngoài ra, một điều nuối tiếc năm qua là việc mẹ chồng tôi chưa thể sang Việt Nam thăm cháu nội. Thú thực là từ khi tôi có thai, bà đã mong muốn về Việt Nam nhưng hết lần này đến lần khác hoãn lại vì dịch bệnh. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, mẹ chồng lại khóc rất nhiều.

Những lúc như thế, chị có cảm thấy chạnh lòng vì lấy chồng xa?

Không! Lấy chồng xa mà được gia đình chồng rất tốt thì đâu phải chạnh lòng!

Còn vợ chồng tôi do sinh cùng ngày, cùng tháng nên cùng cung hoàng đạo. Vì thế, tính cách, sở thích, sinh hoạt, thói quen... đều tương đồng. Sau khi về chung một nhà, gần như chúng tôi không gặp khó khăn gì trong việc dung hòa.

Chúng tôi thống nhất không có cái tôi cá nhân, không có văn hóa Việt hay văn hóa Ấn gì hết. Cả hai sẽ tự tạo ra văn hóa riêng cho gia đình.

"Tết đầu tiên ở Việt Nam chồng tôi đã bối rối khi được lì xì"

Nhân nói về sự khác biệt văn hoá, thì những ngày Tết cổ truyền điều này thường được bộc lộ rất rõ. Làm dâu Ấn Ðộ đã 3 năm, chị có thể chia sẻ về những khác biệt này?

Tôi nghĩ khác nhau lớn nhất là thời điểm đón Tết. Ở Việt Nam chúng ta, Tết là ngày đầu tiên của năm mới. Tết cổ truyền thường tính lịch Âm nên thường "rơi" vào khoảng tháng 1 - 2 Dương lịch. Còn Ấn Ðộ, do các tôn giáo khác nhau nên họ cũng đón chào năm mới theo những thời điểm và cách thức khác nhau. Nhà chồng tôi thường khoảng tháng 10-11 Dương lịch sẽ có ngày lễ Tết là Diwali. Ðây còn được gọi là Lễ hội ánh sáng, ý nghĩa là chào đón một vị thần quay trở lại Trái đất nên các nhà đều thắp đèn sáng để vị thần đi đến đâu cũng thấy được ánh sáng và ban phát phước lành cho gia đình đó.

Người ta chơi Tết Diwali 2 - 3 ngày thôi. Nhưng cả Tết Việt và Tết Ấn đều làm cho ta cảm giác ấm cúng, quây quần vui vẻ bên nhau.

Võ Hạ Trâm trong chuyến đón Tết truyền thống Diwali đầu tiên về nhà chồng.

Võ Hạ Trâm trong chuyến đón Tết truyền thống Diwali đầu tiên về nhà chồng.

Chị đã có một năm đón Tết ở nhà chồng, việc làm dâu xứ lạ chắc ít nhiều cũng có những khó khăn chứ?

Thực sự là tôi không gặp khó khăn gì khi làm dâu xứ lạ, bởi tôi may mắn có chồng và gia đình chồng tâm lý, yêu thương. Năm đầu sau khi cưới, tôi sang Ấn Ðộ làm dâu và được mẹ chồng hết sức cưng chiều. Mẹ thương tôi như con gái. Thậm chí, tôi còn không phải rửa bát, mẹ chồng làm hết.

Chỉ có một điều khó, tôi không giao tiếp được với mẹ chồng vì mẹ không nói được tiếng Anh, còn tôi không nói được tiếng Ấn. Mẹ con chủ yếu giao tiếp bằng hành động hoặc nhờ chồng, chị chồng giúp đỡ.

Ngoài ra, đối với phong tục Ấn Ðộ có những khác biệt như phụ nữ ra đường không mặc thoải mái như Việt Nam. Sang Ấn Ðộ phải mặc rất kín đáo và đi đâu cũng luôn có ông xã bên cạnh.

Ông xã của chị đã đón nhận những phong tục tập quán Việt Nam, đặc biệt là ngày Tết ra sao?

Anh ấy bỡ ngỡ khi đón cái Tết đầu tiên ở Việt Nam và được lì xì. Anh ấy ngại không dám nhận vì chưa hiểu về tập tục của người Việt. Sau đó, tôi đã giải thích đó là điều may mắn, là lời chúc tốt đẹp, suôn sẻ trong năm mới.

Ðến nay đã 3 năm đón Tết cổ truyền Việt Nam, anh ấy phấn khởi vì được chụp hình với cây mai, cây đào... rồi đi chúc Tết, hay cùng lên chùa thắp nhang. Bây giờ anh ấy đã hiểu khá nhiều về văn hóa Việt.

Ngày Tết Việt Nam có rất nhiều kiêng kỵ, còn Ấn Ðộ thế nào?

Ngày Tết là chào đón điều tốt đẹp nên những điều không tốt sẽ là kiêng kỵ. Nhưng những điều kiêng quét nhà, không xông đất nếu không hợp tuổi của người Việt thì ở Ấn Ðộ lại không quan tâm. Họ chỉ tránh không tranh cãi, không tiêu cực để trọn vẹn niềm vui.

Nhân dịp năm mới, chị gửi lời chúc đến người hâm mộ và độc giả của Báo Sức khỏe&Ðời sống?

Tôi muốn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người. Phía trước chúng ta có thể có nhiều khó khăn nhất định nhưng rồi tất cả sẽ qua đi, quan trọng nhất là chúng ta lạc quan, có niềm tin tích cực thì chắc chắn sẽ vượt qua và xây dựng cuộc sống mới. Chúc mừng năm mới 2022!

Cảm ơn chia sẻ của Võ Hạ Trâm! Chúc chị và gia đình năm mới an khang - hạnh phúc!

Video đang được quan tâm

Ngọc Mai (thực hiện)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn