Theo con đường tu tập, hướng Phật từ nhỏ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau này trở thành một nhân vật nổi tiếng khắp thế giới trong nhiều vai trò khác nhau.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh biết từ tận sâu trong lòng mình, muốn làm một người tu
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên khai sinh là Nguyễn Đình Lang, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 trong một đại gia đình tại cố đô Huế. Cha của Thầy là Nguyễn Đình Phúc, người làng Thành Trung (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông làm quan trong triều đình nhà Nguyễn thời Pháp thuộc, đảm trách công việc di dân lập ấp.
Năm 1954, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành Giám Học tại chùa Ấn Quang, đã ghi danh để học trong một trường đại học vừa mới được thành lập, đó là trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Muốn ghi danh, thầy phải đăng ký tên họ chính thức với chính quyền. Vì vậy như rất nhiều người trong thời kỳ đầy biến động của đất nước, thầy đã đổi tên và chọn đăng ký dưới tên Nguyễn Xuân Bảo. Trong khóa sinh viên đầu tiên có Doãn Quốc Sỹ, sau này trở thành những nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam.
Mẹ của Ngài là bà Trần Thị Dĩ, người làng Hà Trung, tỉnh Quảng Trị. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là con áp út trong số 6 người con. Thầy có ba người anh lớn, một người chị và một em trai út sinh sau không lâu. Cho đến khi lên 5 tuổi, Thích Nhất Hạnh sống trong nhà của ông bà nội cùng với đại gia đình gồm các chú bác và anh em họ. Đó là một ngôi nhà lớn có sân, vườn trong thành nội.
Năm thầy lên 4 tuổi, cha được phái đến vùng miền núi ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa để giám sát việc khai phá rừng làm đất canh tác cho nông dân nghèo. Một năm sau đó, cả gia đình thầy chuyển về huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa để sống cùng với cha. Thầy học tiểu học ở đó và khi nghỉ hè thì đi học thêm ở các lớp dạy tư tại nhà. Thầy được ghi danh đi học với tên mà cha mẹ đặt cho là Nguyễn Đình Lang.
Vốn hiếu học, ngoài giờ ở trường, Thích Nhất Hạnh còn dành thời gian rảnh để trau dồi thêm quốc ngữ, tiếng Pháp và tiếng Hán cổ. Thầy thích thú đọc những cuốn sách hay những tờ báo Phật giáo mà anh Nho - anh trai của Thầy, đem về nhà. Đây là người anh mà Thầy rất thương kính và ngưỡng mộ. Anh Nho cũng dạy thầy cách vẽ truyền thần, thậm chí còn dạy cả cách chụp và rửa ảnh từ một cái máy do anh tự chế.
Trong nhiều bài pháp thoại sau này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường nhớ lại một khoảnh khắc vô cùng quan trọng, là khi 9 tuổi, thầy tình cờ nhìn thấy hình Bụt trên bìa của một tạp chí Phật giáo mà anh Nho mang về. Hình ảnh Bụt ngồi thật an nhiên trên bãi cỏ với nụ cười từ bi đã chiếm lấy tâm trí của cậu bé và để lại trong cậu một dấu ấn sâu đậm về sự bình an và tĩnh lặng. Hình ảnh ấy thật tương phản với những khổ đau và bất công mà cậu nhìn thấy xung quanh mình, trong bối cảnh đất nước nằm dưới sự đô hộ của người Pháp.
Bức hình đã đánh thức ước muốn rất rõ ràng và mãnh liệt trong lòng cậu bé, ước muốn được giống như Bụt – hiện thân của sự tĩnh lặng, bình an, thảnh thơi – và có thể giúp những người xung quanh cũng làm được như vậy.
Năm thầy khoảng 11 tuổi, vào một buổi tối sau khi ăn cơm xong, thầy cùng các anh trai và hai người bạn ngồi chơi, trò chuyện với nhau về ước muốn mình sẽ làm gì khi lớn lên. Có người muốn làm bác sĩ, có người muốn làm luật sư. Anh Nho là người đầu tiên trong nhóm muốn trở thành một người tu. Ban đầu, ý tưởng đi tu thật là mới mẻ với những người còn lại trong nhóm, nhưng sau một hồi nói chuyện với nhau thì cả nhóm đều đồng ý là sẽ đi tu hết. Sau này Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ: "Trong buổi nói chuyện đó, có một ước muốn đi lên trong thầy rất rõ ràng. Thầy biết là tận sâu trong lòng mình, thầy muốn làm một người tu".
Khoảng 6 tháng sau đó, trong một chuyến đi dã ngoại do trường tổ chức tới một ngọn núi thiêng trong vùng, cậu bé Nguyễn Đình Lang đã có được sự trải nghiệm tâm linh đầu tiên, theo như thầy diễn tả sau này. Khi các bạn cùng lớp ngồi ăn trưa, cậu đã háo hức một mình đi khám phá ngọn núi này, vì nghe nói có một ông đạo sống trên núi. Cậu không tìm được ông đạo nhưng vừa khát vừa mệt, cậu tình cờ thấy một cái giếng thiên nhiên có nước rất mát và tinh khiết.
Cậu bé vốc nước uống rồi nằm xuống tảng đá cạnh bên ngủ một giấc ngon lành. Trải nghiệm đó đem đến cho cậu một cảm giác mãn ý vô cùng sâu sắc. Cậu có cảm tưởng mình đã gặp được ông đạo dưới hình thức cái giếng và đã tìm được một thứ nước ngon nhất trên đời để thỏa mãn cơn khát. Trong đầu cậu bé đi lên một câu tiếng Pháp: J’ai gouté l’eau la plus délicieuse du monde (tôi đã nếm được thứ nước ngon nhất trên đời). Từ ngày ấy trở đi, cậu nuôi ước muốn xuất gia.
Theo anh trai tu học tại chùa Từ Hiếu
Năm lên 12 tuổi, anh Nho quyết định xuất gia. Con đường mà anh Nho – người anh mà thầy vô cùng quý kính – chọn để bước đi đã gây cảm hứng cho Thầy. Anh Nho xuất gia tại chùa Đại Bi ở Thanh Hóa, cách nhà khoảng 15km. Thời gian đó, rất khó để cha mẹ chấp nhận chọn lựa này của anh Nho, bởi vì cha mẹ biết rằng cuộc sống của một người xuất gia có thể rất khó khăn. Dù vậy thầy vẫn muốn xuất gia cùng với anh, nhưng thầy đã chờ cho đến khi được cha mẹ cho phép.
Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng những bài viết và các câu chuyện Phật giáo mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đọc đã gây cảm hứng và cho thầy ý tưởng là đạo Bụt có thể giúp mang lại nhiều công bằng, tự do và thịnh vượng hơn cho xã hội. Không lâu sau đó, anh Nho đã được Ôn Trú trì chùa Đại Bi, Thiền sư Trừng Pháp Chân Không gửi đi Huế để tiếp tục tu học tại chùa Từ Hiếu. Thầy rất háo hức muốn được đi cùng. Cuối cùng cha mẹ đã đồng ý cho thầy thực hiện ước mơ xuất gia, thầy theo anh Nho vượt 500 cây số đường dài ngược về phía Nam.
Năm 16 tuổi, thầy được xuất gia với thầy bổn sư là thiền sư Chân Thật (1884-1968), thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông và phái Liễu Quán. Lúc mới vào chùa, thầy được gọi là Điệu Sung. 3 năm sau, vào sáng sớm ngày rằm tháng 9 (âm lịch) năm 1945, thầy chính thức được thọ giới sa di. Khi thọ Năm giới, thầy được nhận pháp danh là Trừng Quang, nghĩa là ánh sáng tịch tĩnh. Khi thọ giới sa di, thầy được bổn sư đặt pháp tự là Phùng Xuân, có nghĩa là "đi gặp mùa xuân". Đây là tên mà thầy được gọi trong chùa.