Bớt dát cà phê sữa và cách điều trị

29-03-2023 14:47 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thuật ngữ cafe-au-lait (café-au-lait macule) là một từ tiếng Pháp có nghĩa là "cà phê với sữa". Sở dĩ bệnh có tên như vậy là do bớt có màu sắc thay đổi từ nâu nhạt đến nâu đậm. Màu sắc của bớt là do tăng hắc tố ở thượng bì.

Nhận biết bớt "dát cà phê sữa" và cách điều trị - Ảnh 1.

Bớt "dát cà phê sữa" một loại bớt thường gặp, xuất hiện lúc mới sinh hoặc trong các tháng đầu sau sinh

Trên 1 người có nhiều dát cà phê sữa thường liên quan đến các hội chứng di truyền mà bệnh nhân và các thành viên trong gia đình cần được đánh giá, theo dõi chặt chẽ bởi một nhóm bác sĩ nhiều chuyên khoa.

Thông thường bớt xuất hiện lúc mới sinh hoặc trong các tháng đầu sau sinh. Tỷ lệ bệnh ở nam nữ là tương đương nhau, thay đổi tùy theo chủng tộc (0.3% người da trắng, 0.4% người Trung Quốc, 3% người gốc Tây Ban Nha, 18% người Mỹ gốc Phi).

Biểu hiện của bớt "dát cà phê sữa"

Đây là một loại bớt thường gặp, xuất hiện lúc mới sinh hoặc trong các tháng đầu sau sinh, biểu hiện dưới dạng một dát hoặc mảng da tăng sắc tố với giới hạn rõ, đường kính > 0,5 cm, thay đổi từ vài milimet đến vài chục centimet, có thể có ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng vị trí phổ biến nhất là thân và tứ chi. Bớt có thể có bờ đều hoặc không đều, hình dạng tròn hoặc bầu dục, có thể lan ra thêm theo thời gian.

Thông thường bớt xuất hiện đơn độc. Trường hợp có nhiều bớt "dát cà phê sữa" trên da (>6) có thể là dấu hiệu đặc trưng cho một nhóm hội chứng rối loạn di truyền gây bất thường về thần kinh, thị giác, thính giác, tim mạch, xương khớp, cơ quan sinh dục, rối loạn nội tiết và nguy cơ ác tính.

Các hội chứng di truyền liên quan đến nhiều dát cà phê sữa bao gồm:

Bệnh u sợi thần kinh loại 1 (bệnh NF1, Von Recklinghausen)
Bệnh u sợi thần kinh loại 2 (NF2)
Hội chứng McCune Albright
Hội chứng Legius (hội chứng giống NF1)
Xơ cứng não củ
Thiếu máu Fanconi
Hội chứng Coffin-Siris
Hội chứng Watson
Hội chứng Noonan (hội chứng LEOPARD)
Hội chứng Bloom
Hội chứng Silver-Russell

Diễn tiến

Tình trạng tăng sắc tố da có thể sẫm màu hơn và lan rộng theo tuổi tác, thường là trong 2 năm đầu sau sinh và độ tuổi dậy thì. Ánh nắng mặt trời cũng có thể làm bớt sậm màu hơn. Kích thước và số lượng dát cà phê sữa tăng theo tuổi bệnh nhân ở bệnh nhân mắc NF1.

Điều trị

Bớt "dát cà phê sữa" trên da đơn độc lành tính, không có báo cáo ghi nhận diễn tiến thành ung thư. Nếu không điều trị, các dát cà phê sữa sẽ tồn tại suốt đời. Trường hợp hội chứng di truyền liên quan có thể dẫn đến phát triển các khối u ác tính. Điều trị các hội chứng rất phức tạp và cần phối hợp đa chuyên khoa.

Điều trị bớt đơn độc nói chung là không cần thiết trừ khi bệnh nhân yêu cầu để cải thiện thẩm mỹ. Liệu pháp laser là phương pháp điều trị chính cho những tổn thương này. Các loại laser đã được sử dụng để điều trị bao gồm:

Laser Q-switched neodymium:yttrium-aluminum-garnet (QS Nd:YAG)
Laser Q-switched alexandrite
Laser Q-switched ruby
Laser nhuộm xung
Laser Er: YAG

Các nghiên cứu cho thấy các tổn thương có bờ không đều đáp ứng tốt hơn những tổn thương có bờ đều. Biến chứng đối với điều trị laser bao gồm tăng sắc tố tạm thời/vĩnh viễn, giảm sắc tố và sẹo.

Sau điều trị cần chú ý điều gì?

Sau khi điều trị, để ngăn ngừa tăng sắc tố da tái phát cần tránh tối đa tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Chú ý khi ra nắng, cần mang khẩu trang, đội mũ rộng vành, đeo kính râm với sang thương vùng mặt, mặc áo khoác, quần dài với sang thương ở thân mình hay tứ chi, có thể thoa kem chống nắng phổ rộng.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

Ngủ trưa liệu có tốt cho sức khỏe như nhiều người nghĩ?


BS CKI. Phan Ngọc Quỳnh Anh
Phụ trách Trung tâm U Máu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn