Tăng sắc tố da là một tình trạng mà các mảng/đốm da trở nên sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh, thường xảy ra khi melanin (sắc tố quyết định màu sắc của làn da) bị dư thừa. Các loại hình tăng sắc tố mà ta thường gặp như: Nám, tàn nhang, đồi mồi…
1. Các yếu tố có thể gây tăng sắc tố da
1.1 Viêm
Các chấn thương da như: Mụn trứng cá, chàm, vết côn trùng cắn, vết cắt, vết trầy xước, chà xát mạnh… có thể gây viêm. Tình trạng viêm có thể khiến các tế bào sản xuất sắc tố hoạt động mạnh, để lại vết thâm sau khi vết thương đã lành. Viêm là nguyên nhân của sự đổi màu da, thường được gọi là tăng sắc tố sau viêm.
1.2 Phơi nắng
Tia UV của mặt trời kích hoạt sản xuất melanin như một cách để bảo vệ làn da khỏi bị hư hại. Lượng melanin dư thừa này lại là nguyên nhân mang lại cho bạn làn da rám nắng.
Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên hoặc quá nhiều, có thể làm xuất hiện các vết đen. Mặc dù vết đen không phải là ung thư, nhưng theo Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ, da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể phát triển các tiền ung thư trông giống như vết đen. Vì lý do này, điều quan trọng là bạn cần phải kiểm tra da liễu hằng năm.
Hình ảnh tăng sắc tố da.
1.3 Nám da
Nám da được đặc trưng bởi các mảng màu nâu, hình thành ở phụ nữ khi có nồng độ hormone dao động trong cơ thể, chẳng hạn như trong thời kỳ mang thai. Loại tăng sắc tố này thường xảy ra ở phụ nữ, nhưng cũng có thể xảy ra ở nam giới.
Nám da có thể được kích hoạt bởi sự kết hợp của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, di truyền và thay đổi nội tiết tố.
Ngoài ra, các loại thuốc nội tiết tố được sử dụng để ngừa thai và ứng phó với các triệu chứng mãn kinh, các loại thuốc trị bệnh khác… cũng có thể gây ra nám (nám da do thuốc).
1.4. Tình trạng y tế hoặc thuốc men
- Một số loại bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây tăng sắc tố da như: Bệnh Addison, một chứng rối loạn tuyến thượng thận có thể làm tăng sản xuất melanin.
- Một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc chống sốt rét đều có thể làm tăng nguy cơ tăng sắc tố da.
- Một số loại thuốc hóa trị cũng có thể gây tăng sắc tố tạm thời. Trong trường hợp dùng thuốc hóa trị, các đốm đen liên quan thường biến mất sau 10 đến 12 tuần, sau khi kết thúc điều trị do các tế bào da mới thay thế các tế bào chết.
2. Những cách tốt nhất điều trị và ngăn ngừa tăng sắc tố da
Có rất nhiều giải pháp giúp khắc phục tăng sắc tố da, nhưng điều quan trọng cần phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả. Một số giải pháp dưới đây có thể hữu ích:
2.1 Giữ ẩm cho da
Các sản phẩm giữ ẩm như glycerin hoặc axit hyaluronic, thậm chí là retinol... cũng giúp tăng cường tái tạo tế bào. Những thành phần này cho phép các chất tẩy trắng hoạt động hiệu quả hơn.
Một loại kem dưỡng ẩm tốt cũng có thể phục hồi hàng rào lipid hoặc chất béo của da, giúp các tế bào da mới khỏe mạnh khi chúng trồi lên bề mặt thay cho các tế bào cũ.
2.2 Tránh làm tổn thương da
Không gãi, cạy, nặn mụn. Việc gãi và cạy này sẽ làm tăng tình trạng viêm nhiễm, nguyên nhân gây ra sự đổi màu da, làm trầm trọng hơn tình trạng tăng sắc tố da.
2.3 Bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự đổi màu da do ánh nắng mặt trời là thường xuyên thoa kem chống nắng phổ rộng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên, mỗi ngày, kể cả vào những ngày nhiều mây hoặc mát mẻ.
Tia UV khiến các sắc tố hoạt động quá mức, làm các đốm đen trở nên sẫm màu hơn. Do đó, cần thoa kem chống nắng hằng ngày trên những vùng da hở.
Ngoài ra, Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), khuyên bạn nên tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, khi mặt trời mạnh nhất. Bạn cũng có thể đội mũ rộng vành để bảo vệ đầu, cũng như mặt, tai và cổ.
2.4 Các lựa chọn làm trắng da OTC
Các sản phẩm trị tăng sắc tố da cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị tăng sắc tố càng sớm thì càng dễ đạt hiệu quả, vì sắc tố trong các đốm nâu có thể di chuyển sâu hơn vào da theo thời gian.
Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), các thành phần giúp loại bỏ đốm trong các sản phẩm OTC (không kê đơn) như: Axit azelaic và glycolic, vitamin C và retinoid.
Các phương pháp điều trị có chứa các thành phần như vitamin C, rễ cam thảo và axit kojic giúp giảm tăng sắc tố bằng cách ức chế tyrosinase, một loại enzyme chịu trách nhiệm hình thành hắc tố làm sẫm màu da.
Mặc dù nhiều thành phần OTC này có tác dụng "tẩy trắng" đối với các đốm đen, nhưng AAD đặc biệt cảnh báo không nên bôi thuốc tẩy dạng lỏng lên da. Thận trọng với các sản phẩm làm sáng da trôi nổi có nhiễm thủy ngân, steroid và các thành phần có hại khác.
2.5 Xem xét các sản phẩm kê đơn
Nếu các biện pháp khắc phục OTC không hiệu quả, cần liên hệ với bác sĩ, có thể dùng các sản phẩm kê đơn chứa hydroquinone.
Hydroquinone có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các chất làm sáng da khác, là tiêu chuẩn vàng để làm mờ các vết thâm, vì nó làm chậm quá trình sản xuất sắc tố.
Lưu ý, khi dùng các sản phẩm này, cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ da liễu, bởi vì hydroquinone ở nồng độ cao có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Nếu không được chỉ định đúng cách, sử dụng các sản phẩm tẩy trắng da chứa hydroquinone sẽ khiến da dễ bị nhiễm trùng, tổn thương do tia UV và có khả năng kháng điều trị cao.
Ngoài hydroquinone, bác sĩ da liễu có thể kê đơn các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như kem bôi cortisone hoặc tretinoin - một loại vitamin A tổng hợp.
Nếu các giải pháp tại chỗ không khắc phục được vấn đề, bác sĩ da liễu có thể dùng phương pháp lột da bằng hóa chất, mài da vi điểm, dùng laser…
2.6 Một số giải pháp khác
Bên cạnh việc điều trị và chống nắng, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác để giảm thiểu sự xuất hiện của các đốm đen trong tương lai. Hãy sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ không gây châm chích hoặc bỏng rát, vì tình trạng kích ứng có thể trở nên trầm trọng hơn hoặc gây ra tình trạng tăng sắc tố da.
Ngoài ra, hãy tự bảo vệ mình khỏi các tác nhân gây sạm da phổ biến khác bằng cách sử dụng thuốc trị mụn để chống nổi mụn, cũng như thuốc xịt côn trùng để ngăn ngừa vết cắn...
Mời độc giả xem thêm video:
7 lợi ích của vitamin C