1. Thế nào là nhược thị?
Nhược thị (còn gọi là mắt lười) là chỉ tình trạng suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt. Bệnh gây ra bởi sự tương tác bất thường giữa hai mắt trong giai đoạn quan trọng phát triển thị giác: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhược thị xuất hiện từ những giai đoạn đầu đời của trẻ và có thể làm gián đoạn sự phát triển thị giác bình thường của trẻ.
Trên toàn thế giới ước tính có 19 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị khiếm thị, trong đó 12 triệu người bị khiếm thị do tật khúc xạ và nhược thị chưa được điều chỉnh.
Nhược thị là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng thị lực kém ở trẻ em và cả người lớn, đặc biệt là ở các nước phát triển. Những người nhược thị có khả năng bị hạn chế lựa chọn nghề nghiệp, giảm chất lượng sống, thiếu tự tin… và quan trọng là nó có thể gây ảnh hưởng thị lực đến mắt còn lại. Khi bị nhược thị, điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở trẻ em giúp bệnh nhân phát triển thị lực bình thường.
Nhược thị là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng thị lực kém.
2. Nhược thị có nên mổ không?
Bệnh nhược thị có mổ được không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nhược thị là hệ quả của đục thủy tinh thể bẩm sinh, sụp mí mắt hay lác mắt thì bác sĩ nhãn khoa sẽ cân nhắc lựa chọn phương án phẫu thuật phù hợp cho từng bệnh nhân.
Ngoài ra, tuổi tác của bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng trong việc quyết định phương án điều trị bệnh nhược thị. Tỷ lệ thành công rất khả quan khi bệnh nhân còn nhỏ nhưng đối với người trưởng thành thì rất khó để cải thiện tình trạng bệnh thông qua phẫu thuật. Tuy nhiên người lớn nếu bị mắt lác, sụp mí… thì vẫn có thể mổ sửa chữa cơ mắt, giúp mắt nhìn không bị lệch trục. ĐIều này chỉ cải thiện thẩm mỹ chứ tác dụng giúp cải thiện thị lực là rất ít.
3. Lưu ý khi điều trị nhược thị
Độ tuổi điều trị bệnh hiệu quả nhất là độ tuổi trong giai đoạn then chốt của sự phát triển thị giác của trẻ, tốt nhất là dưới 6 tuổi. Tuy nhiên nhiều trường hợp điều trị nhược thị ở độ tuổi lớn hơn vẫn có thể thành công do hệ thống thị giác còn phát triển cho tới tuổi trưởng thành. Việc phát hiện và điều trị nhược thị càng muộn thì sẽ càng không đạt được hiệu quả tốt. Đặc biệt sau khi mắt đã đi vào ổn định, tùy từng trường hợp vẫn phải được điều trị duy trì hoặc theo dõi lâu dài để tránh bị nhược thị tái phát.
Cần đưa trẻ đi khám mắt sớm giúp phát hiện và điều trị nhược thị hiệu quả.
- Điều trị thường mất vài tuần đến vài tháng để tăng cường thị lực ở mắt yếu hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn có khả năng mắt có thể bị yếu trở lại. Vậy nên khi có thị lực tốt hơn ở mắt đó vẫn nên được theo dõi định kỳ để được can thiệp kịp thời.
- Mục tiêu chính của việc điều trị nhược thị là cải thiện chức năng thị giác một mắt, giúp mắt bị nhược thị tăng liên kết với não và giảm sự ức chế của mắt tốt hơn. Từ đó tạo sự cân bằng giữa hai mắt và đồng thời giúp tăng chức năng thị giác.
Yếu tố then chốt trong việc điều trị nhược thị cho trẻ: phát hiện chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, độ tuổi của trẻ có sự kết hợp và chăm sóc giữa bác sĩ và gia đình trẻ.
- Trong 6-12 tháng đầu đời, ca mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra mắt nhằm phát hiện và loại trừ các vấn đề bất thường. Việc tầm soát mắt cho trẻ nhỏ chính là cách phòng tránh nhược thị cũng như các bệnh lý nghiêm trọng để có phương án điều trị kịp thời.
- Bên cạnh đó, người có tỉ lệ mắc nhược thị cao: Trẻ sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển, bại não… hay người có tiền căn gia đình mắc tật khúc xạ cao, lác/ lé, nhược thị và đục thể thủy tinh bẩm sinh… cần được khám mắt tổng quát và toàn diện càng sớm càng tốt và duy trì lịch khám định kỳ.
Phát hiện và điều trị nhược thị sớm giúp cho sự phát triển và ổn định thị giác của trẻ, đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và tránh những biến chứng nguy hại về sau.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Miễn Đăng Kiểm Xe Mới, Cả Nước Tiết Kiệm Hơn 130 Tỷ Mỗi Năm | SKĐS