Từ bé cháu có vết nám bằng ngón tay ở thái dương, nhưng giờ đây nó lan rộng hết một bên má và lan cả sang má bên kia. Cháu muốn biết, bệnh của cháu là gì, có chữa được không, chữa bằng phương pháp gì và ở đâu?
Hoàng Lan (Thanh Hóa)
Cháu hãy đi khám da liễu xem vết trên mặt cháu là vết nám hay là vết bớt, vì mỗi loại có cách điều trị khác nhau. Dù là bớt hay nám thì việc điều trị cũng rất khó khăn và lâu dài, nhưng bệnh cũng chỉ giảm chứ không thể hết hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo mô tả của cháu, thì rất có thể vết trên mặt cháu là bớt, một dạng rối loạn sắc tố da vào loại khó chữa trị bậc nhất, nhưng không có nghĩa là y học bó tay. Bớt có 2 loại, đen và đỏ.
Vết bớt trên mặt bẩm sinh. Ảnh minh họa: internet
Bớt đen gọi là tổn thương sắc tố da bẩm sinh, thường xuất hiện ngay từ quá trình phát triển của bào thai hoặc sau khi sinh. Bớt lớn dần theo năm tháng, có thể tăng kích thước nhưng rất chậm, tới mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ dừng lại và cố định lâu dài. Đa số bớt đen đều là những tổn thương lành tính, không di truyền, nhưng khi xuất hiện ở mắt có thể có sự thoái hóa ác tính, tuy rất hiếm. Điều ảnh hưởng nặng nề nhất là mặt thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội.
Với bớt sắc tố có kích thước nhỏ và ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương thì có thể không cần can thiệp. Đối với các bớt có kích thước lớn ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì cần được thăm khám và xử lý. Hiện nay, với laser phân hủy quang nhiệt chọn lọc, y học đã có thể “bóc” được khuyết tật này, đem lại gương mặt bình thường cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải nơi nào có thiết bị là cũng có thể chữa trị được, vì yếu tố quan trọng nhất nằm ở trình độ chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa trong việc chẩn đoán, tính toán nên dùng loại laser gì và các thông số kỹ thuật phù hợp nhất cho từng loại tổn thương. Kết quả điều trị cũng còn phụ thuộc vào diện tích, ví trí, đặc biệt là độ nông sâu của lớp tổn thương sắc tố.
BS. Vũ Thu Dung