Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế: Chuyển đổi số y tế phải tạo tiện ích cho người dân; đảm bảo minh bạch hoạt động của ngành

30-03-2021 22:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - "Quan trọng nhất trong chuyển đổi số của ngành y tế là phải tạo tiện ích cho người dân cũng như cơ quan quản lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh điều này tại cuộc họp về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế ngày 30/3

DSCF0134 (1)

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Từ nay việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu có cả phần đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị.     Ảnh:Trần Minh

Nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành y

Thông tin tại cuộc họp, Cục Công nghệ thông tin cho biết, đến ngày 30/6/2020, Bộ Y tế đã cống bố 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn Chính phủ giao; Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế khai trương tháng 11/2019, 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế đã được kết nối với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế; 107 thủ tục hành chính được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt chỉ tiêu do Chính phủ giao.

Ngành y tế cũng thúc đẩy số hóa ngành dược để phục vụ quản lý được tốt hơn, Bộ Y tế đã công khai Ngân hàng dữ liệu ngành Dược. Dược sĩ Vũ Tuấn Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế thông tin, đến ngày 30/3, toàn bộ hồ sơ cấp số đăng ký của Cục đã được hoàn thiện trên cổng dịch vụ công cấp độ 4, do đó doanh nghiệp có thể ở nhà tra cứu được tình trạng của hồ sơ của đơn vị mình.

Về thiết lập Cổng thông tin Công khai giá Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã và đang tiến hành công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả.

Hiện có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; phát triển ứng dụng bệnh án điện tử cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum....

Bộ Y tế chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đến nay 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS). Đã có 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

11 bệnh viện đã ứng dụng thành công và công bố sử dụng bệnh án điện tử thế thay bệnh án giấy

Y tế từ xa cũng có bước phát triển vượt bậc, cùng với hệ thống công nghệ thông tin bệnh viện đã từng bước đưa y tế Việt Nam vươn cao, vươn xa. Hiện toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký, trong đó nước bạn Lào (02 bệnh viện) và Cam-pu-chia (01 bệnh viện) đăng ký làm bệnh viện tuyến dưới, một số bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa.

hoi chan KCB tu xa

Khám chữa bệnh từ xa của ngành y tế đã góp phần rút ngắn khoảng cách trong y tế

Lần đầu tiên một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K (năm 2017), BVĐK tỉnh Phú Thọ (năm 2018), Quảng Ninh (năm 2018)… Một số bệnh viện ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú (cho phép sử dụng cận lâm sàng và thuốc với mã ICD tương ứng; cảnh báo tương tác thuốc và sử sụng thuốc).

Ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh đạt được một số kết quả như hoàn thành xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, phần mềm tiêm chủng mở rộng, ngân hàng dữ liệu ngành dược, ứng dụng công khai y tế, các ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19,... Xây dựng phần mềm quản lý tiêm chủng triển khai trên cả nước, đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý.


Gắn chặt việc ứng dụng công nghệ thông tin với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế là nhiệm vụ vừa mang tính chính trị vừa mang tính chuyên môn, gắn chặt với hoạt động quản lý và hoạt động thường ngày của Bộ Y tế.

"Gắn chặt việc ứng dụng công nghệ thông tin với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Từ nay việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu có cả phần đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị. Đối với đơn vị trực thuộc Bộ là các đồng chí cấp trưởng Vụ/Cục/Thanh tra/Văn phòng phải chịu trách nhiệm"- GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Tư lệnh ngành y tế cũng nhấn mạnh: Việc quản lý về dữ liệu y tế chỉ duy nhất Bộ Y tế có quyền quản lý, khai thác, sử dụng và bảo mật thông tin sức khoẻ của người dân theo hình thức cơ bản là tập trung và thường kỳ cập nhật thông tin lên hệ thống dùng chung.

"Quan trọng nhất trong chuyển đổi số của ngành y tế là phải tạo tiện ích cho người dân cũng như cơ quan quản lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Lưu ý việc lấy hồ sơ sức khoẻ người dân là trung tâm của mọi trung tâm. Hiện đã có hơn 97,5 triệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Đây là trung tâm để triển khai các dịch vụ khác như đăng ký khám chữa bệnh online, quản lý thông tin chống dịch...

Lấy ví dụ từ lĩnh vục y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại yêu cầu về việc tiêm chủng online, có nghĩa là cập nhật thông tin tiêm chủng vắc xin của mỗi người lên hệ thống QR-code để tiến hành thực hiện "hồ sơ vắc xin". Thông tin này sẽ cập nhật đầy đủ lịch trình tiêm chủng của mỗi người dân, link với hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu từ ngày 1/7/2021 các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện cập nhật thông tin khám chữa bệnh ngoại trú điện tử, không được dùng giấy như hiện nay. Hiện 42 mẫu bệnh án đã có trên hệ thống. Điều này quản lý được tình trạng đi khám nhiều lần " như thế chắc chắn sẽ không còn chuyện 2 tháng, người dân đi khám 80 lần"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công, sớm đưa vào ứng dụng AI trong hoạt động cấp phép của ngành y tế...

Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần có sự thống nhất giữa các bệnh viện, tránh tình trạng như hiện nay mỗi bệnh viện có đến vài ngân hàng.

bs hung BV da chien Gia Lai

Việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam được cập nhật liên thông cùng hồ sơ sức khoẻ

Nhất trí phần mềm- nền tảng V20 là tổng hợp tất cả những nội dung liên quan đến báo cáo và thống kê vì cập nhật thường xuyên từ tuyến xã trở nên. Khi tuyến xã cập nhật thì tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương đều có thể nắm bắt được. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu rà soát lại những nội dung báo cáo, thống kê trong nền tảng này để tạo thuận lợi cho việc triển khai.

Đối với vấn đề khám chữa bệnh từ xa, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay Bộ Y tế chỉ quản lý các điểm cầu bệnh viện, còn bệnh viện kết nối với các điểm cầu khác là do bệnh viện chủ động. Quan trọng nhất là phải phát huy được hiệu quả giúp rút ngắn khoảng cách y tế giữa tuyến trên và tuyến dưới, giúp người bệnh tuyến dưới được thụ hưởng y tế chất lượng cao của tuyến trên...

Nhất trí tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công của ngành, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của cơ quan Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin và yêu cầu các Vụ/Cục liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng để dự kiến đến tháng 7/2021, đưa vào ứng dụng AI trong hoạt động cấp phép của Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm...

 


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn