Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin y tế tạo đà và hỗ trợ y tế Việt Nam phát triển lên tầm cao mới

19-10-2020 06:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành và các địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của toàn ngành y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của bàn bè quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ở nước ta đã có những bước phát triển quan trọng, đột phá, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử và chuyển đổi số y tế trong thời gian tới.

Ứng dụng, phát CNTT y tế trong thời gian qua tạo đà, trợ giúp ngành y tế vươn cao, vươn xa, hội nhập với quốc tế. Năm 2019, sau nhiều nỗ lực, Bộ Y tế xếp thứ 4 về mức độ ứng dụng CNTT, xếp mức B về an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Bộ Y tế đã sẵn sàng chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0).

PGS.TS. Trần Quý Tường.

PGS.TS. Trần Quý Tường.

Các kết quả chính của ứng dụng CNTT y tế

Các cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT y tế đã dần được hoàn thiện, hình thành hành lang pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT y tế. Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư quy định về bệnh án điện tử, tiêu chí CNTT bệnh viện, hoạt động y tế từ xa, quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng, quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Công bố nhiều tiêu chuẩn kết nối liên thông, tiêu chuẩn quốc tế HL7 cho bệnh viện, danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật CNTT y tế; kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế; các quy định về đảm bảo thông tin y tế điện tử; quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế; hướng dẫn ứng dụng CNTT tại cơ sở y tế dự phòng, tuyến xã,..; và nhiều quy định khác làm cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số y tế,...

Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án ứng dụng, phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 ngày 18/10/2019 kèm theo Quyết định số 4888/QĐ-BYT để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0.

Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT: Bộ Y tế đã quan tâm, đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu y tế, bảo đảm hạ tầng cho hệ thống dịch vụ công của Bộ Y tế, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử, cổng thông tin điện tử và các hệ thống thông tin y tế có quy mô quốc gia đã được triển khai.

Tại các địa phương, đơn vị, nhiều bệnh viện đã có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu quản lý, lưu trữ của đơn vị, sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy. Một số sở y tế đã hình thành trung tâm điều hành thông minh: Phú Thọ, Quảng Ninh, Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh,...

Ứng dụng CNTT trong phòng bệnh được quan tâm đúng mức: Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Phần mềm tiêm chủng mở rộng, trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý; Ngân hàng dữ liệu ngành dược đã được công khai trên mạng; cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế; nhiều ứng dụng hỗ trợ tốt trong phòng, chống dịch COVID-19, bản đồ chung sống an toàn với COVID,...

Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện: Đến nay, 100% BV đã triển khai hệ thống thông tin BV. 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2019 có  40,4% các BV ứng dụng CNTT đạt mức 1 theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT; 32,2% đạt mức 2; 21,4 đạt mức 3; 4,8% đạt mức 4; 1,1% đạt mức 5; 0,1 đạt mức 6 (BV thông minh). Có 8 BV công bố sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, 23 BV sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y học (PACS) không in phim.

Triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, đã kết nối 1.000 điểm cầu tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên cả nước, có sự tham gia của một số cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, trong đó có một số BV của nước bạn Lào (2 BV) và Cam-pu-chia (1 BV) đã đăng ký làm BV tuyến dưới của BV lớn của Việt Nam.

Về triển khai ứng dụng rô-bốt trong y tế được ứng dụng tại một số BV lớn. Rô-bốt phẫu thuật nội soi Da vinci, rô-bốt phẫu thuật cột sống Renaissance, rô-bốt phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và rô-bốt phẫu thuật thần kinh Rosa.

Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngành y tế lần đầu tiên đã thí điểm “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số BV (BVĐK Phú Thọ năm 2018).

Về ứng dụng CNTT trong quản trị y tế: 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn Chính phủ giao, tiết kiệm được thời gian, chi phí, người dân và doanh nghiệp đã hài lòng với dịch vụ công của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã công khai Ngân hàng dữ liệu ngành Dược, thúc đẩy số hóa ngành dược để phục vụ quản lý được tốt hơn. Thiết lập trang thông tin công khai giá trang thiết bị y tế giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả.

Việc triển khai ứng dụng phát triển CNTT y tế sẽ góp phần quyết định đến thành công trong quản lý, chỉ đạo điều hành y tế, thúc đẩy chuyển đổi số trong y tế; CNTT tác động trực tiếp đến các đối tượng và các dịch vụ y tế, làm thay đổi cách tiếp cận các dịch vụ y tế truyền thống sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số; Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế đầu tư vào số hóa dữ liệu và ứng dụng CNTT mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế trong ngành còn gặp nhiều khó khăn; Kinh phí dành cho ứng dụng CNTT y tế còn hạn chế nên ảnh hưởng trực tiếp triển khai ứng dụng CNTT của các đơn vị; Chưa ban hành được quy định giá thành CNTT được tính vào giá thành dịch vụ khám chữa bệnh nên thiếu kinh phí hoặc không bảo đảm kinh phí đầu tư, duy trì hoạt động ứng dụng CNTT; Chưa có chính sách đãi ngộ tốt cho cán bộ làm công tác CNTT trong ngành y tế nên chưa thu hút được cán bộ có chuyên môn giỏi làm CNTT y tế.

Kế hoạch ứng dụng CNTT trong thời gian tới

Trong thời gian tới, Cục CNTT tiếp tục tham mưu Bộ trưởng Bộ Y tế triển khai một số nhiệm vụ trong tậm như sau:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về CNTT y tế, tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi số trong ngành.

Phát triển hạ tầng CNTT y tế, xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia bảo đảm có thể lưu trữ, quản lý đủ các số liệu tập trung của ngành y tế. Thống nhất, tập trung đầu mối thu nhận thông tin y tế ở Cục CNTT để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Xây dựng, phát triển trung tâm dữ liệu gene người Việt Nam.

Ứng dụng CNTT trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh: Xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân theo chỉ tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, phấn đấu đến năm 2025 quản lý sức khỏe toàn dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95% dân số.

Tin học hóa hoạt động trạm y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thông minh trong phòng bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phòng chống HIV/AIDS; phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, kết nối với hệ tri thức Việt số hóa.

Ứng dụng CNTT trong bệnh viện: Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh. Để đảm bảo tính khả thi, Bộ Y tế xây dựng lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn từ năm 2019-2023: Tất cả các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử (135 BV). Giai đoạn từ năm 2024 -2030: Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Ứng dụng CNTT trong quản trị y tế: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, giảm giấy tờ tại cơ quan Bộ Y tế, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành. Ứng dụng giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử ở các cơ quan, đơn vị.

Duy trì kết quả 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, một cửa ASEAN.

Triển khai thống kê y tế điện tử thu thập số liệu hoạt động của ngành y tế trên cả nước. Hoàn thành cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, ứng dụng các công nghệ thông minh để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách y tế phù hợp.

Có thể khẳng định, trong thời gian qua ngành y tế nước ta đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đã có những bước phát triển đột phá, đặt nền móng cho chuyển đổi số y tế trong thời gian tới. Ứng dụng, phát triển CNTT y tế đã tạo đà, hỗ trợ ngành y tế phát triển lên tầm cao mới.

Trong thời gian tới, ứng dụng, phát triển CNTT y tế, hình thành hệ thống y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.


PGS.TS. Trần Quý Tường (Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế)
Ý kiến của bạn