"Luồng xanh" không phải "giấy phép con"
Theo ghi nhận của PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đã gặp khó khăn khi thực hiện đăng ký "luồng xanh" tại đường link http://luongxanh.drvn.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Đặc biệt, việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại các địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế. Có doanh nghiệp phản ánh khi đăng ký "luồng xanh", hệ thống hay trả lời mail phản hồi thiếu các thông tin cần khai báo.
Tuy nhiên, khi thông qua "cò" dịch vụ với số tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng thì các doanh nghiệp lại dễ dàng đăng ký "luồng xanh" để hoạt động.
Theo các lái xe, cực chẳng đã mới phải bỏ tiền nhờ dịch vụ bởi để chậm ngày nào là thiệt hại hàng hóa, chi phí ngày đó. Mà đăng ký lại thì không biết phải mất bao nhiêu lần tiền xét nghiệm COVID-19 (có thời hạn 3 ngày) để được duyệt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc cấp QR Code đối với phương tiện xe ô tô vận tải hàng hóa là một giải pháp rất hiệu quả trong vấn đề tổ chức giao thông. Đây không phải là điều kiện kinh doanh, không phải là một loại giấy phép và không phải là điều kiện bắt buộc để lưu thông.
Việc cấp mã QR Code (với đầy đủ thông tin về phương tiện, lộ trình, lái xe và giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực) là để phân loại các phương tiện được ưu tiên lưu thông qua các luồng xanh tại chốt kiểm soát cũng như giúp cho các cơ quan quản lý, giám sát việc chấp hành phòng chống dịch của doanh nghiệp và lái xe; việc kiểm tra đối với phương tiện đã được cấp QR Code theo phương thức xác suất, tiền kiểm, hậu kiểm.
Những phương tiện vận tải hàng hóa chưa được cấp mã QR Code vẫn được lưu thông, tuy nhiên phải chấp hành sự kiểm tra về y tế đối với lái xe và người phục vụ theo xe, kiểm tra việc chấp hành vận chuyển hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch.
"Các trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi hoặc vi phạm để chở người, chở hàng hóa cấm, gây lây nhiễm dịch bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, cần được tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, không để dư luận xấu về chính sách của nhà nước. Việc tổ chức giao thông phải linh hoạt, không được máy móc, cứng nhắc, mọi hoạt động vận tải trong "vùng xanh" phải được tổ chức bình thường, vấn đề là phải kiểm soát tốt tại ranh giới với "vùng cam", "vùng đỏ" để tránh dịch xâm nhập", ông Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Còn tồn tại cơ chế "xin - cho" thì còn đất cho tiêu cực
Liên quan đến những dấu hiệu tiêu cực trong cấp thẻ "luồng xanh", các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi còn tồn tại cơ chế "xin - cho" thì còn đất cho tiêu cực nảy sinh. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với cơ quan chức năng, gây ra bất bình đẳng, tiêu cực trong xã hội. Việc các đối tượng móc nối để dễ dàng cấp thẻ "luồng xanh" không đúng quy định còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp.
Muốn hạn chế tiêu cực, không có cách nào hơn là phải minh bạch, công khai, có sự thẩm tra đúng đắn. Việc chậm trễ cấp thẻ luồng xanh, tồn tại "cò" dịch vụ đang gây bất công bằng, ảnh hưởng đến mạch máu giao thông, sự phát triển kinh tế-xã hội.
Để không biến một chủ trương tốt thành một bất cập xã hội chỉ vì tổ chức thực thi thiếu hiệu quả, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chất lượng và đạo đức của đội ngũ thực thi công vụ. Phương tiện vận tải và hàng hóa không phải đối tượng trọng tâm kiểm soát lây nhiễm, mà phải là tài xế. Do đó, cần siết chặt các quy định phòng dịch với lái xe, và dần dỡ bỏ luồng xanh với vận tải hàng hóa. Bởi lẽ, hàng hóa nào cũng đều cần thiết cho xã hội.
Trả lời PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, số lượng hồ sơ đăng ký lưu thông trên "luồng xanh" rất lớn, trong đó số lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin, không đủ điều kiện, dẫn đến có thời điểm thời gian trả kết quả kéo dài. Mới đây, nhiều địa phương trong đó có TP Hà Nội đã lắp camera tại các chốt kiểm soát dịch để quét mã QR code tự động nên lưu thông rất thuận lợi.
Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel) để khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm cấp phép "luồng xanh" theo hướng tự động hóa nhằm rút ngắn thời gian, hạn chế sự tham gia của con người. Doanh nghiệp, lái xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin khai báo cũng như việc chấp hành quy định vận chuyển.
Báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!