Theo thông cáo báo chí do Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát đi ngày 27/8, sau khi nhận được phản ánh của báo chí về hiện tượng "cò mồi luồng xanh", Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động chỉ đạo Sở GTVT TP Hà Nội đề nghị Công an TP Hà Nội sớm tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định không bao che, không có vùng cấm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, có hành vi trục lợi bất chính.
Liên quan đến bài viết: Doanh nghiệp đăng ký "luồng xanh" 8 lần bị trả lại, nhờ dịch vụ "một phát ăn ngay"? được đăng tải trên Báo Sức khoẻ & Đời sống, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên tiếp ban hành 2 văn bản số 5856 và 5893 gửi các Sở GTVT, Hiệp hội ô tô Việt Nam, các Hiệp hội vận tải hàng hóa yêu cầu chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm dịch vụ "luồng xanh". Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng công bố 2 số điện thoại đường dây nóng đồng thời đề nghị Sở GTVT các tỉnh thành công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, Zalo, Email người giải quyết, tiếp nhận thông tin phản ánh về vận tải đường bộ.
Đến nay, Công an TP Hà Nội có quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Hoàng Thị Thanh Nga - Chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam do đã có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015".
Theo điều tra ban đầu, bà Hoàng Thị Thanh Nga được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp thẻ luồng xanh cho ô tô vận tải và được giao 1 tài khoản để sử dụng cấp thẻ.
Trong quá trình thực hiện, bị can Nga đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản và móc nối với một số đối tượng để thu gom các trường hợp, cá nhân tổ chức muốn xin cấp thẻ "luồng xanh" sau đó duyệt, cấp trái phép hơn 1.700 hồ sơ và thu số tiền trên 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định vi phạm của bà Hoàng Thị Thanh Nga rất nghiêm trọng, đã ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Ngay khi có thông báo của Cơ quan điều tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức kiểm điểm, quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của Tổng cục đồng thời yêu cầu tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành trên cả nước áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông thuận tiện, thông suốt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm cấp mã QR Code (Giấy nhận diện) để phương tiện được ưu tiên, lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch tại các địa phương.
Việc cấp mã QR Code này không phải là điều kiện kinh doanh, không phải là một loại giấy phép và hoàn toàn miễn phí. Đây là giải pháp hiệu quả trong hoạt động tổ chức giao thông, được các địa phương, doanh nghiệp, đội ngũ lái xe, người dân và các cơ quan báo chí ghi nhận. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc cá nhân vi phạm, lợi dụng để trục lợi là điều rất đáng tiếc.
Sau sự việc trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi lời xin lỗi sâu sắc tới nhân dân và các doanh nghiệp vận tải về sự việc vừa qua. Để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, ngày 25/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Viettel hoàn thiện, vận hành hệ thống cấp mã QR Code hoàn toàn tự động để triển khai thực hiện.
Theo ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), trong ngày đầu tiên vận hành, phần mềm kê khai thông tin Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa đã hoạt động ổn định. Doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện tự kê khai hồ sơ, kê khai thông tin (chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin kê khai) và hệ thống sẽ tiến hành cấp tự động.