Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Ở đợt dịch lần thứ 4 này, Bình Dương là một trong 2 địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất nước chỉ sau TP.HCM. Là một tỉnh công nghiệp, bên cạnh việc tập trung dập dịch, Bình Dương cũng đưa ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp không đứt gãy chuỗi sản xuất với mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Thực hiện "mục tiêu kép" vừa sản xuất, vừa chống dịch, toàn tỉnh có gần 3.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với hơn 264.000 lao động. Nhờ duy trì sản xuất nên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 9 tháng qua tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, toàn tỉnh có gần 400 doanh nghiệp đăng ký quay lại hoạt động sản xuất với gần 53.000 lao động. Nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, Bình Dương triển khai thêm mô hình "3 xanh", tức là nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh và "3 tại chỗ linh hoạt". Địa phương cũng ưu tiên nguồn vaccine cho công nhân để doanh nghiệp yên tâm quay trở lại sản xuất. Đến nay, khoảng 98% người dân, công nhân ở Bình Dương đã được tiêm mũi 1 và đang chuẩn bị tiêm mũi 2.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái "bình thường mới", trong đó, tập trung 5 nhóm nhiệm vụ chính: hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế - bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình. Tuy nhiên, việc đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất, Bình Dương xác định không ồ ạt mà theo lộ trình để tránh bùng phát dịch.
Bình Dương sẽ mở theo từng bước tiếp tục tăng 30-50-70% và lộ trình đi theo hướng "bình thường mới" cho đến khi nào chúng ta hoàn thiện được 100% thì nền kinh tế của tỉnh mới nhanh chóng được khắc phục. Tuy nhiên, muốn làm việc được để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp phải theo tiêu chí "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất".
Trong bối cảnh "sống chung với dịch", để hỗ trợ doanh nghiệp, Bình Dương có chủ trương thành lập các trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp. Đến nay, đã có 2 trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp tại thị xã Tân Uyên được ra mắt và đang thí điểm. Với vai trò của mình, các trạm y tế lưu động này phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe cho công nhân và phòng chống dịch bệnh.
Doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện phương án "3 tại chỗ", Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Joy, ở đường số 5, khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An đã duy trì sản xuất trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh.
Nhờ chủ trương cho 50% người lao động, tức là khoảng 250 công nhân lưu trú và làm việc tại doanh nghiệp, công ty đã bảo toàn nguồn nhân lực và hoàn thành đơn hàng cho đối tác. Đến nay, chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, công ty đang chuẩn bị sẵn sàng đón 100% công nhân trở lại làm việc, công tác phòng dịch được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ông Vũ Văn Hậu, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Joy cho biết, việc lo ăn, ở, sinh hoạt cho hơn 500 nhân viên, công nhân khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn nhưng vẫn phải chấp nhận để duy trì sản xuất.
Suốt 2 tháng ngưng hoạt động do có ca mắc COVID-19, Công ty TNHH SV Probe Việt Nam, ở phường An Phú, thành phố Thuận An tranh thủ đầu tư trang thiết bị cho nhà máy theo đúng quy định, hướng dẫn để phòng dịch. Khi tất cả đã ổn định, công ty đã cho công nhân trở lại nhà máy nhưng số lượng chỉ khoảng 160 người, tương đương 30% tổng số công nhân. Xác định "sống chung với dịch", công ty đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài, tổ chức sản xuất an toàn trong nhà máy.
Theo ông Nguyễn Kim Phi, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH SV Probe Việt Nam cho biết, để thích ứng với quy trình vừa sản xuất vừa chống dịch trong thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn được nhanh chóng tiêm đủ 2 liều vaccine cho người lao động để tạo hệ miễn dịch. Quan trọng hơn hết, Bình Dương phải kiểm soát được dịch, bởi nhân viên ở các vùng nhưng họ không đi làm, không đến doanh nghiệp thì không có nhân lực để hoàn thành đơn hàng.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Toàn Cảnh Covid Sáng 24/9