Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới

23-09-2021 22:34 | Doanh nghiệp

SKĐS - Để vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạnh cho công nhân lao động trong điều kiện phòng chống dịch, Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp 

Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, chung lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong thời gian qua các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chủ động, nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19. 

Từ năm 2020 đến hết ngày 14/9/2021 đã hỗ trợ trên 8.682 tỷ đồng (trong đó, năm 2020 hỗ trợ hơn 3.655 tỷ đồng; những tháng đầu năm 2021 hơn 5.027 tỷ đồng) để ủng hộ Quỹ vaccine; hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế một số cơ sở khám chữa bệnh tại một số bệnh viện; ủng hộ một số tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19… Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã chủ động đề xuất, triển khai hỗ trợ giảm phí, giảm giá, giảm lãi suất… và nhiều hoạt động khác tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm giảm bớt những khó khăn do đại dịch gây ra, với tổng số kinh phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chia sẻ, gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối. Năm 2020 tổng doanh thu toàn Khối giảm trên 61.000 tỷ đồng (34,2%) so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị thiệt hại vật chất do COVID-19 đến nay lên tới trên 17.000 tỷ đồng, hầu hết từ việc không thực thi được các hợp đồng kinh tế; không duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên... Trên 7.400 người lao động mất việc làm, trên 31.000 lao động tạm nghỉ việc, trên 125.000 lao động không đủ việc phải nghỉ luân phiên; một số người lao động trong Khối nhiễm COVID-19 gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người lao động.

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới - Ảnh 1.

Để vừa thực hiện nhiệm vụ phải chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm hàng tuần cho người lao động.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Theo đó, các đảng ủy trực thuộc, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối chủ động các phương án bảo vệ an toàn người lao động; tổ chức hỗ trợ người lao động nhiễm COVID-19 hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch, đặc biệt đối với các đối tượng mất việc làm, lao động tạm nghỉ việc, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên… Phối hợp để tiêm vaccine cho người lao động và trên 581.300 người đã tiêm mũi 1, hầu hết các doanh nghiệp đạt tỷ lệ trên 50%, trong đó nhiều doanh nghiệp đạt tỷ lệ trên 90-100% số lao động; trên 206.800 người lao động tiêm mũi 2, trong đó 8 đơn vị đạt tỷ lệ trên 50%.

Ông Nguyễn Long Hải yêu cầu các đảng ủy trực thuộc tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp nhà nước, triển khai các hoạt động tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm giảm bớt những khó khăn do đại dịch gây ra, góp phần sớm đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra. Nhiều đơn hàng trì hoãn hoặc hủy làm ảnh hưởng đến thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, chưa đồng bộ nhà ở và các công trình xã hội cho người lao động làm việc trong một số khu công nghiệp gây khó khăn trong kiểm soát dịch, bệnh; khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới - Ảnh 2.

Doanh nghiệp áp dụng mô hình mỗi phân xưởng chia thành tốp hàng chục công nhân cùng sinh hoạt với nhau được ưu tiên.

Nhằm khẳng định vai trò của của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, cho tăng trưởng, cho ổn định xã hội, Chính phủ đã và đang đồng hành chặt chẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất.

Theo các chính sách mới nhất, phục hồi sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống Nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạnh cho công nhân lao động "là vấn đề khó, bởi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường còn gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch và an toàn cho công nhân còn khó khăn hơn nhiều lần". Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.

Bên cạnh việc đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cần phải chủ động, linh hoạt trong tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn