Hà Nội

Phương án '4 xanh' - Cần tính đồng bộ trong triển khai

23-09-2021 08:13 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Phương án "4 xanh" được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ vì có thể giải quyết được bài toán về chi phí. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM còn lúng túng và đang rất cần hướng dẫn cụ thể để bắt tay thực hiện.

BHXH Việt Nam đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịchBHXH Việt Nam đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch

SKĐS - Gần 2 năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, bảo đảm quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, BHYT trong đại dịch COVID-19

Phương án "4 xanh" là thế nào?

Mới đây, UBND TP.HCM đã đưa ra 4 phương án để doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch.

Với phương án 1, sẽ tiếp tục thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án "4 xanh" - Cần tính đồng bộ trong triển khai - Ảnh 2.

TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang chạy đua với thời gian trong xây dựng kế hoạch, lộ trình phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế.

Phương án 2, tiếp tục thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương án "1 cung đường - 2 địa điểm" linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên một cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).

Trong khi đó, phương án 3 sẽ gồm cả 2 mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm". Và phương án 4 sẽ tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh", gồm: Nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Các giải pháp cần sớm có hướng dẫn cụ thể 

Đánh giá "4 xanh" là hình thức quản lý tương đối phù hợp nhưng ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư kí Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, cần có kết nối với cơ quan nhà nước trong công tác sàng lọc, xét nghiệm COVID-19 cho người lao động để kết quả xét nghiệm được cơ quan quản lý ở địa phương chứng nhận; kết nối trong tích hợp quản lý cơ sở dữ liệu người lao động. 

Ngoài ra, với phương án này, ông Phương cho rằng cần thống nhất chủ trương giữa TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai. Bởi vì theo ông Phương, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM nhưng nhà máy đặt ở Bình Dương và Đồng Nai hoặc nhà máy ở TPHCM giáp ranh với 2 tỉnh trên nên người lao động có thể đang cư trú ở các tỉnh. Do vậy, việc công nhận "cung đường xanh" giữa các địa phương này phải được quy định rõ để không gây khó cho doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm hoạt động mô hình "3 tại chỗ" từ những ngày đầu theo yêu cầu của thành phố, đến nay, lượng lao động xin nghỉ việc của Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã tăng gần 40%. Phần lớn các công nhân đang mong được về nhà. 

Do đó, đại diện doanh nghiệp cho biết, việc áp dụng phương án "4 xanh" giúp doanh nghiệp gỡ khó được vấn đề này. Tuy nhiên, để thực hiện được, doanh nghiệp đang rất mong chờ hướng dẫn cụ thể từ phía thành phố.

"Nguồn hàng dồi dào, nhu cầu thị trường về thực phẩm tăng cao nhưng công suất gần đây của chúng tôi chưa đáp ứng nhu cầu về thị trường bởi nguyên nhân chính là thiếu lực lượng lao động. Chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào trong phương án "4 xanh", cụ thể thế nào là con đường xanh, thế nào là vùng xanh nơi ở công nhân", ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết.

Theo ông Phạm Thanh Trực - Phó Ban Quản lý KCX-KCN TP. HCM (Hepza), Hepza từ 780 DN đăng ký "3 tại chỗ", nay chỉ còn khoảng 600 DN đáp ứng mô hình sản xuất này và quy mô ngày càng giảm. Dù vậy, các DN chưa áp dụng "3 tại chỗ" đang nộp hồ sơ đăng ký triển khai nhằm giải quyết đơn hàng gấp và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, DN đang gặp khó vì theo Chỉ thị 16 là "ai ở đâu thì ở yên đó", việc tập kết người lao động từ nơi ở đến khách sạn hoặc nhà máy gặp khó.

"Về giải pháp "4 xanh", chúng tôi cố gắng kết nối với các địa phương để người lao động từ vùng xanh đến nhà máy xanh. "4 xanh" là điều kiện sản xuất lý tưởng nhưng việc triển khai sẽ rất khó trong khi hiện mới chỉ có khái niệm "4 xanh" trong văn bản chỉ đạo của TP, DN rất cần hướng dẫn cụ thể để bắt tay thực hiện", ông Trực cho biết.

Phương án "4 xanh" - Cần tính đồng bộ trong triển khai - Ảnh 4.

Cần có giải pháp đồng bộ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM (HBA) Nguyễn Văn Bé cho biết, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của thành phố có gần 1.600 doanh nghiệp với hơn 320.000 lao động. Hiện, hơn 820 nhà máy dừng hoạt động, gần 245.000 công nhân phải tạm nghỉ việc. Số khác đang thực hiện phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly" nhưng hầu hết gặp khó khăn. Do đó, các nhà máy rất cần các phương thức sản xuất thay thế mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường - 2 điểm đến".

Theo lãnh đạo HBA, hiện chi phí xét nghiệm là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, có nơi tiêu tốn hàng tỷ đồng trong vài ngày. Trước đây, khi vaccine chưa được "phủ" hết nên yêu cầu các doanh nghiệp xét nghiệm hàng tuần hoặc định kỳ 3 ngày/lần đối với một số nhóm nguy cơ cao là hợp lý. Tuy nhiên, khi lao động đã được cấp thẻ xanh COVID-19, đi lại, ăn ở, nơi sản xuất đảm bảo an toàn thì cần nới lỏng, xét nghiệm sàng lọc theo tỷ lệ nhất định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp nên có lộ trình và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp có thể từng bước khôi phục sản xuất. Ví dụ, nếu doanh nghiệp nào có số lượng công nhân đã tiêm 2 mũi vaccine có thể mở cửa hoạt động bình thường, tuân thủ biện pháp 5K. Các đối tượng đã hết bệnh hoặc xét nghiệm âm tính có thể hỗ trợ họ trở lại sản xuất cùng nhóm với đã tiêm vaccine.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội


An Nhiên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn