Sáng 19/10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về tình hình triển khai thực hiện đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030" tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).
Tại buổi làm việc, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, hiện bệnh viện đã và đang tiến hành áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý bệnh viện, nhân viên y tế và phục vụ bệnh nhân.
Cho tới nay, bệnh viện đã đạt xây dựng được 28 phần mềm để phục vụ cho nhân viên y tế và bệnh nhân của bệnh viện như mô hình khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, thanh toán không tiền mặt, phần mềm E-Learning... Bệnh viện cũng đã đạt được nhiều giải thưởng về sáng tạo, thành tựu khoa học Việt Nam....
Là một trong những bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý bệnh viện nhưng theo Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai đề án "Y tế thông minh".
Khó khăn đầu tiên là khan hiếm nguồn nhân lực công nghệ thông tin có năng lực cao. Hiện nay việc tuyển dụng nhân viên công nghệ thông tin rất khó. Càng khó khăn hơn khi mức lương và chế độ đãi ngộ mà các bệnh viện đưa ra chưa phù hợp với các nhân viên công nghệ thông tin. Hiện nay, mức lương của ngành công nghệ thông tin trên thị trường đang rất cao. Nếu như mức lương của nhân viên công nghệ thông tin làm việc trong bệnh viện được trả ngang bằng với mức lương của nhân viên y tế thì chắc chắn rằng không thể giữ chân được họ.
Khó khăn thứ hai là trang thiết bị của hệ thống công nghệ thông tin. Trang thiết bị của hệ thống công nghệ thông tin hiện nay thay đổi rất nhanh và rất dễ bị lỗi thời, lạc hậu vậy nên các dự án liên quan tới công nghệ thông tin nếu thực hiện chậm sẽ trở nên lỗi thời.
Đồng thời, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các bệnh viện hiện nay cũng chưa được đồng bộ. Việc mua sắm không đồng nhất dẫn tới việc hệ thống máy móc rất khó đồng bộ. Khi các bệnh viện đầu tư máy móc phải tính toán làm sao cho máy sau phải liên kết, phù hợp với các máy trước để tránh lãng phí.
Khó khăn thứ ba chính là nguồn lực tài chính. Đây luôn là một thách thức mà các bệnh viện phải đối diện khi tiến hành chuyển đổi số. Phần lớn các trang thiết bị, phần mềm được sử dụng đều có mức giá tương đối cao trong khi nguồn ngân sách hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến các đơn vị buộc phải đầu tư dàn trải, kéo dài và thiếu đồng bộ.
Khó khăn thứ tư là hệ thống mạng, đường truyền tại bệnh viện. Hiện nay, hệ thống mạng và hệ thống Wifi tại bệnh viện đang rất yếu. Bệnh viện cũng đã xây dựng những đề án để cải thiện hệ thống Wifi dẫn truyền. Nhưng sau 2 năm triển khai thì bệnh viện vẫn chưa thực hiện được do vướng nhiều vấn đề.
Khó khăn thứ năm là hệ thống quản lý của các bệnh viện vẫn chưa có chuẩn chung. Hiện nay, mỗi bệnh viện đang có một hệ thống quản lý riêng và chưa có sự đồng nhất. Nếu hệ thống quản lý bệnh nhân của các bệnh viện không thống nhất với nhau thì không thể liên thông, chuyển bệnh án của bệnh nhân đi tới các bệnh viện khác mà bệnh nhân thăm khám.
Đối với hệ thống bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng cho biết, tính bảo mật của thông tin bệnh nhân và an toàn dữ liệu trong hồ sơ bệnh án điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng.
Khi triển khai đưa dữ liệu của bệnh viện và bệnh nhân lên hệ thống nếu không có bảo mật an ninh mạng có thể dẫn tới lộ thông tin bệnh nhân, vi phạm pháp luật. Nhưng việc đầu tư hệ thống bảo mật thông tin lên đến một chục tỷ đồng. Dù đã xin phép xây dựng dự án nhưng đến thời điểm hiện tại, bệnh viện vẫn chưa đầu tư được.
Về bệnh án điện tử, bệnh viện đã triển khai từ năm 2020 đến nay. Quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng tới thời điểm hiện nay, bệnh viện đã hoàn tất 100% bệnh án điện tử ngoại trú, bệnh án nội trú sản khoa và 99% bệnh án về phụ khoa. Theo dự kiến, tới năm 2023 bệnh viện sẽ hoàn thành bệnh án điện tử.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, những khó khăn mà Bệnh viện Hùng Vương đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số cũng là khó khăn chung của ngành y tế hiện nay. Do hạ tầng của các đơn vị quá cũ không phù hợp với quy mô và tầm vóc kỳ vọng phát triển của y tế thông minh. Các phần mềm công nghệ thông tin của các bệnh viện chưa có tiếng nói chung, vấn đề bảo mật thông tin phải tuân thủ theo nhiều luật, nguồn lực công nghệ thông tin vừa phải có năng lực cao vừa phải có kiến thức về y tế mới có thể đảm đương được khó khăn...
Theo định hướng, từ nay tới 2030, ngành y tế TP sẽ có nhiều hoạt động triển khai đề án y tế thông minh như thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai các cổng kết nối vào kho dữ liệu chung ngành y tế như chuẩn quốc tế hoặc chuẩn phù hợp với Bộ Y tế ban hành...
Trưởng Ban Văn VH-XH HĐND TP.HCM, ông Cao Thanh Bình đã ghi nhận và đánh giá rất cao về những cố gắng và kết quả mà Bệnh viện Hùng Vương khi đã thực hiện được khi thực hiện đề án "Y tế thông minh".
"Tôi đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ bác sĩ, nhân viên bệnh viện trong thời gian qua. Bệnh viện đã có 28 phần mềm phát huy hiệu quả, nhưng làm sao phát huy tối đa công năng, công suất các phần mềm. Cần xây dựng thêm thẻ khám bệnh thông minh, tích hợp nhiều dịch vụ để những đơn vị liên kết với bệnh viện có thể sử dụng từ thẻ tích hợp.
Qua đợt giám sát này, Sở Y tế cần có chính sách đặc thù đối với đội ngũ làm công nghệ thông tin trong bệnh viện, cần có những động viên kịp thời cho những bệnh viện làm tốt đề án "Y tế thông minh".