Hành trình biến giấc mơ "trợ lý y tế thông minh" cho người Việt thành hiện thực của Viettel

07-01-2021 19:01 | Y tế
google news

SKĐS - Đặc thù chuyên môn của lĩnh vực y tế đặt ra rất nhiều bài toàn khó cho các kỹ sư Viettel. Tuy nhiên, với mục tiêu tạo ra “trái tim” của hệ thống y tế thông minh, những bài toán này đã tìm được đáp án.

Mơ ước từ rất lâu của nhiều người dân Việt Nam là lúc nào cũng có bác sĩ riêng. Điều đó sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới khi hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Viettel được triển khai rộng khắp.

Hệ thống này sẽ giải quyết những mong muốn của người dân, bác sĩ và làm thay đổi toàn bộ ngành y tế của Việt Nam như thế nào?

Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - đơn vị xây dựng hệ thống, cho biết các kỹ sư tham gia dự án luôn đặt những vấn đề của ngành y lên trước sau đó mới giải đến các bài toán kỹ thuật.

Khi nhận yêu cầu từ Bộ Y tế để xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân cho ngành y tế, người dân, những kỹ sư Viettel có suy nghĩ gì về nhiệm vụ này?

Ban đầu khi nhận yêu cầu này, chúng tôi tương đối lo lắng, bởi đây là hệ thống rất lớn, trái tim của toàn ngành y. Thế giới cũng chưa có nhiều nước triển khai hồ sơ sức khỏe toàn diện và toàn dân như vậy.

Sau khi hội ý nhiều phương án, chúng tôi đều thống nhất trước tiên cần đi từ nghiệp vụ của ngành y. Để làm được điều đó các kỹ sư Viettel phải làm việc sâu sát với Cục Quản lý khám, chữa bệnh của Bộ Y tế. Từ đó, chúng tôi nắm được các bài toán quản trị, liên thông, thông tin cần thiết cho hệ thống này là gì rồi mới bắt tay vào giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

Khi xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, các kỹ sư Viettel gặp vấn đề gì khó giải quyết nhất và việc đó đã được xử lý ra sao?

Ban đầu, chúng tôi rất lo lắng về chuyên môn nghiệp vụ của ngành y. Bài toán thứ 2 đặt ra là hệ sinh thái và kiến trúc của hồ sơ sức khỏe sẽ kết nối đi những đâu, liên thông dữ liệu như thế nào, dùng ứng dụng công nghệ nào để giải quyết.

Hệ thống này tương đối phức tạp nhưng không phải về công nghệ mà cần sự đồng bộ trên toàn quốc. Thực tế, rất nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống khác nhau, chưa có chuẩn liên thông chung.

Hồ sơ sức khỏe lại cần liên thông nhiều hệ thống khác như bảo hiểm y tế để tạo thành hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp ích cho người dân. Đây là khó khăn mà Viettel đã giải quyết được.

Vậy hồ sơ sức khỏe này sẽ đem lại những lợi ích gì cho người bệnh?

Hiện nay, các bệnh viện có rất nhiều hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân. Tuy nhiên, các hệ thống tương đối rời rạc nhau, dữ liệu của một bệnh nhân lại không liên thông với nhau.

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân phải có y bạ bằng giấy, kết quả xét nghiệm, phim chụp đều phải in ra và cầm theo. Lý do là tất cả hệ thống quản lý bệnh nhân không sử dụng ID chung, không liên thông, tích hợp với nhau mà chia đoạn, đứt khúc. Sự rời rạc, không đồng bộ này khiến bệnh nhân và bác sĩ đều gặp nhiều khó khăn khi tra cứu, tìm hiểu tiền sử bệnh.

Khi Hồ sơ sức khỏe được triển khai, toàn bộ thông tin của bệnh nhân từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và mất đi được quản lý trên một hệ thống có thể là duy nhất thì rất tiện lợi. Lúc đó, bệnh nhân đến viện không cần giấy tờ, khai báo gì, các công nghệ nhận diện, công nghệ tích hợp vào hệ thống sẽ giải quyết các bài toán giúp bệnh nhân thuận lợi, nhanh chóng khi khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, Hồ sơ sức khỏe cá nhân còn kết nối với một số hệ thống của ngành y tế như quản trị về cơ sở dữ liệu bác sĩ, dữ liệu chuyên môn của ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hệ thống của một số bệnh viện. Điều đó nhằm mục đích phục vụ cho người bệnh tốt nhất.

Hệ thống này có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược phát triển các dịch vụ số trong ngành y tế của Viettel?

Trong 5 năm tới, y tế số là một trong những mũi nhọn của chúng tôi. Viettel mong muốn xây dựng lĩnh vực y tế là một trong những trụ cột của chiến lược kiến tạo xã hội số. 4 năm qua, chúng tôi đã đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái cho lĩnh vực y tế; và hệ thống hồ sơ sức khỏe là trái tim của hệ sinh thái này.

Việc kết hợp giữa giải pháp số của Viettel và những kiến thức chuyên môn của chuyên gia y tế trong việc thực hiện dự án này được tiến hành như thế nào?

Trong mọi lĩnh vực, một sản phẩm, giải pháp công nghệ sẽ thất bại nếu không hiểu nhu cầu thực tế của người dùng. Đối với ngành y cũng vậy. Hơn nữa, đây lại là lĩnh vực có chuyên môn rất đặc thù nên nhiều sản phẩm đi theo cách tiếp cận cũ đều không phù hợp.

Bởi vậy, chúng tôi đã chọn cách tiếp cận gồm 3 bước. Thứ nhất, định nghĩa bài toán quản trị cho tường minh, chung nhất, bao quát nhất. Thứ hai, xây dựng giải pháp và công nghệ, mô hình phù hợp nhất để giải quyết bài toán này. Cuối cùng là triển khai. Vòng tròn 3 bước này được áp dụng liên tục trong 6-8 tháng để hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu thực tế.


Vậy khi chuyển hồ sơ giấy, lưu trữ tại bệnh viện thành hồ sơ số, tính bảo mật thông tin của bệnh nhân được đảm bảo như thế nào?

Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân phải tuân thủ quy định bảo mật 4 lớp do Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành. Đầu tiên, tất cả hệ thống hay doanh nghiệp cung cấp giải pháp đều phải có lực lượng tại chỗ. Thứ hai, phải có hệ thống bảo vệ dữ liệu chuyên nghiệp. Thứ ba, phải có tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra giám sát định kỳ vấn đề này. Thứ tư, hệ thống này phải kết nối chia sẻ, liên kết với hệ thống an ninh mạng quốc gia.

Đồng thời, Viettel cũng ứng dụng các công nghệ mã hóa dữ liệu 2 lớp để tăng tính bảo mật. Khi truy cập chúng ta cũng sử dụng các phương án như sinh trắc học hoặc OTP (One time password) để đảm bảo rằng chỉ có bệnh nhân mới truy cập được dữ liệu của mình.

Đặc biệt, tất cả hệ thống dữ liệu tập trung của Viettel đều được giám sát 24/24 về mặt an toàn thông tin chống tấn công, chống rò rỉ dữ liệu.

Trong dự án này, các công nghệ nào đã được ứng dụng giúp hệ thống trở nên đơn giản, thông minh, tiện dụng?

Về mặt kiến trúc chúng tôi áp dụng kiến trúc Microservice. Đây là một kiến trúc công nghệ mới mà các hãng lớn trên thế giới đang sử dụng. Kiến trúc này giúp chúng tôi xây dựng được hệ thống mở và động.

Hệ thống không phụ thuộc vào các nhà phát triển sản phẩm, khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng theo nhu cầu của mình. Đồng thời, kiến trúc mở cũng giúp Hồ sơ sức khỏe cá nhân sẵng sàng tích hợp được với các hệ thống khác.

Đặc biệt, rất nhiều công nghệ mới được áp dụng trong bài toán hồ sơ sức khỏe. Ví dụ, BigData trong phân tích dữ liệu lớn để hệ thống các thông tin hỗ trợ cho bác sĩ, hoặc công nghệ AI để tự động nhận diện, xác thực nhanh giúp người dùng đến bệnh viện thăm khám mà không cần thủ tục đăng ký.

Ngoài ra, chúng tôi đang tiến tới áp dụng thêm các công nghệ như Blockchain để bảo mật toàn vẹn dữ liệu cá nhân người dùng.

Hệ thống này sẽ biến giấc mơ “mỗi người dân có một trợ lý thông minh về y tế” trở thành hiện thực như thế nào?

Trong bài toán thiết kế tổng thể của Viettel, sau khi triển khai xong, hệ thống này sẽ trở thành trợ lý y tế điện tử cho người dân. Hệ thống này lưu trữ toàn bộ quá trình lịch sử, chỉ số của bệnh nhân từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Các lần khám, thông tin bệnh án được lưu trữ, các chỉ số sinh tồn thường xuyên được cập nhật.

Hồ sơ sức khỏe cá nhân cũng cung cấp cho người dân một app trên smartphone để sử dụng bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu. Hệ thống cũng trang bị công cụ đơn giản để người dân có thể tự kiểm tra sức khỏe qua các thiết bị cá nhân, từ đó kết nối tự động lên hệ thống và bác sĩ. Điều đó giúp người dân có thể kiểm tra sức khỏe bất cứ lúc nào. Không chỉ dừng lại ở đó, hệ thống này còn chủ động cảnh báo nếu sức khỏe của người dùng khi có dấu hiệu bất thường.

Khi chưa triển khai Hồ sơ sức khỏe, một người cần đi khám bác sĩ, toàn bộ thông tin sức khỏe của mình đều không có hoặc không đầy đủ, rời rạc. Bác sĩ phải khám theo quy trình từ đầu để kiểm tra đánh giá tình hình.

Tuy nhiên, nếu có Hồ sơ sức khỏe, toàn bộ thông tin của bệnh nhân từ trước đến nay đã được lưu trữ lại. Bác sĩ nhìn có thể biết được bệnh nhân có tiền sử thế nào, các dấu hiệu hiện tại ra sao và có thể nhanh chóng ra y lệnh chẩn đoán hay khám thêm, tư vấn cho bệnh nhân.

Dữ liệu của người dân trong hồ sơ sức khỏe này sẽ được bác sĩ nhập lên hệ thống khi bệnh nhân thăm khám. Mỗi người cũng có thể tự kiểm tra định kỳ với những hướng dẫn đơn giản và tự nhập thông tin lên hệ thống. Một số thiết bị cá nhân thì khi đo tự động kết nối với hệ thống như điện tim hay đo huyết áp. Khi triển khai hoàn thiện, hệ thống chiếu chụp ở bệnh viện cũng tự động đồng bộ, đính kèm với hồ sơ sức khỏe.

Thực tế hiện nay tại các bệnh viện đó là người dân mất nhiều thời gian chờ đợi xét nghiệm, chụp chiếu, còn thời gian tư vấn của bác sĩ chỉ vài phút. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa có sự liên thông giữa các hệ thống trong ngành y tế. Như vậy, khi đưa hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân vào triển khai, điều này sẽ được giải quyết như thế nào?

Chúng tôi hướng tới một bệnh viện không giấy tờ, không phim chụp và không chờ đợi. Cụ thể, bức tranh cho tương lai là bệnh nhân đặt lịch khám từ trước. Khi đến bệnh viện, hệ thống sẽ tự nhận diện ra bệnh nhân đó, qua những công nghệ mới được xác thực bằng một mã định danh y tế duy nhất kết nối đến Hồ sơ sức khỏe cá nhân và các hệ thống liên quan.

Ví dụ, bệnh nhân được chỉ định chụp phim hay xét nghiệm thì hệ thống sẽ chủ động nhắn lịch hẹn và trả kết quả qua các kênh liên lạc như app, tin nhắn.

Như vậy, toàn bộ quy trình tương tác từ lúc đón tiếp bệnh nhân, chiếu chụp, xét nghiệm cho đến xử lý thanh toán bảo hiểm đều diễn ra tự động bằng công nghệ, không cần giấy tờ, thủ tục.

Sau khi đưa hệ thống vào triển khai ở một số bệnh viện, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các bác sĩ, nhà quản lý. Bên cạnh đó, một số ý kiến đóng góp về chuyên môn của các chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ giúp các kỹ sư Viettel hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.


 


Nguyễn Hoàng (thực hiện)
Ý kiến của bạn