Cứu sống ca bệnh Basedow nhiễm khuẩn nặng
Vừa qua, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nam, 59 tuổi (Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm đau bụng. Trước đó 5 tháng, bệnh nhân thấy sụt 7kg nên đã đi khám bệnh, được chẩn đoán mắc bệnh Basedow, rối loạn chuyển hóa lipid, biến chứng mắt lồi...
Khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt cao trên 39 độ C kèm theo rét run, đã đến bệnh viện tại Hải Phòng, được chẩn đoán viêm phổi. Tuy nhiên bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị nên được chuyển lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm cúm B kèm theo viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết nặng nề, tình trạng cơ thể suy kiệt, suy tim. Ngoài ra, bệnh nhân còn được chẩn đoán mắc đái tháo đường và tăng huyết áp.
Trên nền bệnh nhân Basedow có nhiễm khuẩn, sốt cao rất dễ xảy ra cơn bão giáp trạng với nguy cơ tử vong cao. Với tình trạng nhiễm khuẩn nặng kèm theo nhiều bệnh lý nền, sức khỏe suy kiệt bệnh nhân đã phải điều trị kháng sinh liều cao kết hợp các thuốc điều trị bệnh lý nền. Sau điều trị tích cực bệnh nhân đã loại trừ được nguy cơ bão giáp trạng. Tình trạng viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết của bệnh nhân đã tiến triển tốt như hết sốt, tình trạng ho đờm đã được cải thiện...
Basedow gây biến chứng nguy hiểm
Bệnh Basedow nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng thì có nguy cơ gặp phải các biến chứng như:
- Tim mạch: Loạn nhịp tim (ngoại tâm thu nhĩ, cuồng nhĩ… nhưng phổ biến nhất là rung nhĩ), suy tim xung huyết, giai đoạn đầu là suy tim có tăng cung lượng. Thời gian đầu thường suy tim trái, sau đó là suy tim toàn bộ.
- Lồi mắt ác tính: Lồi mắt nhanh, có thểđẩy hẳn nhãn cầu ra khỏi hố mắt gây mù ngay hoặc loét giác mạc gây mù thứ phát.
- Loãng xương.
- Suy kiệt nặng.
- Cơn nhiễm độc giáp cấp (hay còn gọi là bão giáp trạng): Đây là biến chứng đáng sợ nhất do tỉ lệ tử vong cao, lên tới 30- 50%.
ThS.BS.Tôn Thất Kha - trưởng khoa điều trị tích cực - Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo: Khi người dân khi có biểu hiện như mệt mỏi, đánh trống ngực, gầy sút cân, cần đi tầm soát bệnh lý tuyến giáp sớm tránh dẫn đến tình trạng suy kiệt, biến chứng đến mắt, tim mạch… Đặc biệt với các trường hợp bệnh nhân Basedow mắc các bệnh nhiễm trùng, sốt cao thì cần nhập viện chuyên khoa điều trị sớm để tránh dẫn đến cơn bão giáp trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Điều trị Basedow như thế nào?
ThS.BS.Tôn Thất Kha cho biết, bệnh Basedow có thể được chữa khỏi bằng các phương pháp i-ốt phóng xạ, phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp... Tuy nhiên, nhiều người bệnh được chữa khỏi Basedow nhưng không đủ hormone tuyến giáp. Do vậy, cần bổ sung hormone tuyến giáp sau khi dùng các phương pháp trên.
Liệu pháp i-ốt phóng xạ
Đây là phương pháp được đánh giá là an toàn, điều trị Basedow hiệu quả. Phương pháp i-ốt phóng xạ có tác dụng phá hủy mô tuyến giáp để giảm sản xuất hormone. Người bệnh sẽ được uống dung dịch có chứa i-ốt phóng xạ. Tuyến giáp hấp thụ i-ốt gắn phóng xạ nên bị phá hủy.
Sau khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ, người bệnh thường bị suy giáp với các biểu hiện: Mệt mỏi, tăng cân, mặt sưng, không chịu được lạnh, đau khớp, đau cơ, da khô, tóc khô, rụng tóc, giảm tiết mồ hôi, kinh nguyệt không đều, nhịp tim chậm… Để khắc phục suy giáp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê thuốc hormone tuyến giáp để bổ sung đường uống. Tùy tình trạng suy giáp của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng hormone giáp phù hợp.
Thuốc kháng giáp
Thuốc kháng giáp được dùng để ngăn khả năng tạo ra hormone mới của tuyến giáp. Khoảng 20% - 30% người bệnh Basedow điều trị bằng thuốc kháng giáp trong thời gian từ 18-24 tháng có thể thuyên giảm bệnh. Có 2 loại thuốc kháng giáp thường dùng là methimazole và propylthiouracil.
Thuốc kháng giáp có tác dụng kiểm soát tốt tuyến giáp hoạt động quá mức và không gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến giáp. Methimazole hiện được ưa chuộng hơn do ít tác dụng phụ hơn, đặc biệt với phụ nữ thời kỳ đầu mang thai. Methimazole được ưu tiên hàng đầu cho bệnh Basedow ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Thuốc kháng giáp không gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến giáp nhưng gây phản ứng dị ứng ở khoảng 5% bệnh nhân. Các dị ứng thường gặp như: Phát ban đỏ, nổi mề đay, có thể sốt và đau khớp. Một số ít người bệnh bị giảm số lượng bạch cầu gây giảm khả năng miễn dịch.
Ngoài ra, khi dùng thuốc kháng giáp, người bệnh còn có nguy cơ tổn thương gan. Đặc biệt là propylthiouracil thường gây ra tác hại đến gan nghiêm trọng hơn.
Thuốc chẹn beta giao cảm
Đối với trường hợp bệnh nhân bị cường giáp nhưng không bị suy tim, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm. Thuốc có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng cường giáp như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng huyết áp, run và lo lắng. Do đó thường được sử dụng trong giai đoạn khởi đầu điều trị Basedow.
Phẫu thuật
Bệnh Basedow có thể được chữa khỏi bằng cách phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Phương pháp này được lựa chọn khi:
- Điều trị thuốc kháng giáp và uống phóng xạ không hiệu quả.
- Tuyến giáp bị viêm nặng hoặc bướu cổ có kích thước lớn đã được điều trị nội khoa ổn định.
- Người bệnh có vấn đề về mắt hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức gây ảnh hưởng đến mắt.
- Phụ nữ mang thai tháng thứ 3-4 và trong thời gian cho con bú hoặc không có điều kiện điều trị nội khoa.
Các biến chứng có thể xảy ra như: Tổn thương dây thanh quản dẫn đến khàn giọng, câm; để lại sẹo lồi, mất nhiều máu, nhiễm trùng… Do đó phẫu thuật tuyến giáp đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, yêu cầu bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị phòng mổ hiện đại nhằm hạn chế biến chứng.
Mời độc giả xem thêm video:
Nguy kịch: Tự ý dùng thuốc hormon tuyến giáp trị bệnh Basedow | SKĐS