Hà Nội

Các thuốc trị bệnh Basedow

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy

17-03-2024 22:28 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Basedow là bệnh lý nội tiết, trong đó triệu chứng chủ yếu là tuyến giáp tăng sinh và phì đại lan tỏa, đồng thời tăng tiết quá nhiều hormone giáp trạng so với nhu cầu của cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bài viết này được tham vấn bởi Hội đồng thẩm định   

1. Các phương pháp điều trị bệnh Basedow

Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh Basedow bao gồm dùng thuốc kháng giáp, điều trị iod phóng xạ và phẫu thuật. Mục tiêu chung của điều trị Basedow là đưa lượng hormone trở về trạng thái bình giáp, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể gây ra.

1.1. Các thuốc điều trị bệnh Basedow

- Thuốc ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp:

Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, bảo vệ tuyến giáp. Hai loại thuốc kháng giáp thường dùng là propylthiouracil và methimazole. Một số nước còn sử dụng carbimazole.

Điều trị bằng thuốc trong thời gian từ 12-24 tháng có thể làm giảm tình trạng tái phát. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như phát ban đỏ, nổi mề đay, ngứa ngáy… Tuy nhiên thuốc có thể gây những tác dụng phụ nặng nguy hiểm như hạ bạch cầu đa nhân trung tính, viêm gan nhiễm độc cần ngừng thuốc và chuyển sang phương pháp điều trị khác. Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để có phương án khắc phục kịp thời.

Thuốc kháng giáp có thể gây tương tác bất lợi nếu sử dụng chung với thuốc chống đông và một số loại thuốc khác. Vì vậy người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng. Người có bệnh về máu, gan, thận cần đặc biệt cẩn trọng khi dùng thuốc.

Trước khi ngừng thuốc, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, đánh giá các nguy cơ tái phát của bệnh.

- Thuốc điều trị triệu chứng cường giao cảm:

Do các hormone của tuyến giáp làm ảnh hưởng đến tim, nên thuốc chẹn beta giao cảm được sử dụng cùng với thuốc kháng giáp tổng hợp trong điều trị bệnh Basedow ở giai đoạn tấn công.

Thuốc chẹn beta như metoprolol, bisoprolol, propranolol... giúp làm giảm nhanh các triệu chứng cường giao cảm như run tay, tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, lo lắng… Khi kết hợp chẹn beta với kháng giáp trạng tổng hợp sẽ giảm mệt và khó thở tốt hơn đơn trị liệu kháng giáp trạng tổng hợp. Thuốc thường được chỉ định khởi đầu với liều thấp, sau đó tăng dần đến khi các triệu chứng cường giáp của bệnh nhân được kiểm soát.

Thuốc chẹn beta có thể gây ra tác dụng không mong muốn là chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hoá. Khi gặp phải hiện tượng này, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng liều lượng thuốc hoặc đổi sang thuốc khác thích hợp hơn.

Cần lưu ý, nếu người bệnh mắc các bệnh như huyết áp thấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh đường hô hấp, hen suyễn... cần báo ngay cho bác sĩ trước khi dùng thuốc chẹn beta, bởi thuốc này có thể làm các triệu chứng trên trở nên trầm trọng hơn.

Người bệnh không uống nước ép bưởi khi dùng thuốc để tránh ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.

Các thuốc trị bệnh Basedow- Ảnh 1.

Basedow là bệnh lý nội tiết, trong đó triệu chứng chủ yếu là tuyến giáp tăng sinh và phì đại lan tỏa, đồng thời tăng tiết quá nhiều hormone giáp trạng so với nhu cầu của cơ thể.

- Thuốc điều trị bổ trợ:

+ Thuốc glucocorticoids như prednisolone, dexamethasone… nhằm làm giảm bài tiết hormone tuyến giáp, ức chế chuyển T4 thành T3 ngoại vi. Glucocorticoids được chỉ định dùng cho người bệnh Basedow gặp biến chứng ở mắt hoặc trong cơn cường giáp cấp.

Tuy nhiên khi sử dụng glucocorticoids liều cao, kéo dài có thể xảy ra một số tác dụng phụ: Da mỏng, dễ bầm tím, mặt tròn, chân tay teo, mỡ dưới da vùng gáy (Cushing), loãng xương, gây tăng đường huyết, đái tháo đường, tăng nguy cơ nhiễm trùng, phù, giữ nước, tăng cân, tăng huyết áp, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, loét dạ dày, rối loạn tâm thần… Do đó những người có các bệnh lý trên cần báo ngay với bác sĩ trước khi được kê đơn glucocorticoid.

+ Thuốc an thần như diazepam, phenobarbital… được chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng mất ngủ, lo lắng. Lưu ý không được sử dụng thuốc an thần barbituric.

Tác dụng phụ của thuốc là gây an thần nên sau khi uống người bệnh sẽ buồn ngủ, phản xạ chậm, thở chậm hơn, suy giảm khả năng nhận thức, đôi khi có thể mờ mắt, chóng mặt. Do đó các thuốc nhóm này sẽ thường được kê đơn uống tối, tuyệt đối không lái tàu xe sau khi đã uống thuốc.

+ Dung dịch KI bão hòa (lugol) dùng để điều trị khi có cơn bão giáp, trước phẫu thuật sớm, người bệnh có phản ứng với các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp. Cường giáp sau điều trị iod-131 mà không muốn điều trị iod-131 lần 2, bác sĩ có thể sử dụng dung dịch lugol liều thấp để điều trị cường giáp nhẹ kéo dài (thậm chí nhiều năm). Khi điều trị cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

+ Cholestyramine làm giảm nhanh nồng độ T4 và T3 hơn methimazole đơn thuần. Biện pháp này có thể được sử dụng ở một số bệnh nhân cần giảm nhanh các triệu chứng cường giáp. Thuốc chỉ được dùng khi có chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh không được tự ý sử dụng.

+ Lithium: Ngoài ra, còn có một số thuốc ít được sử dụng như lithium. Thuốc có tác dụng ức chế giải phóng hormone giáp, nhưng ít được sử dụng do độc tính cao.

1.2. Điều trị bệnh Basedow bằng iod phóng xạ 131

Điều trị bệnh Basedow bằng iod phóng xạ 131 là liệu pháp điều trị bằng đường uống dạng dung dịch hoặc viên nang. Có thể coi điều trị iod-131 như một phẫu thuật tuyến giáp chọn lọc, tác dụng vào các tế bào háo iod của tuyến giáp. Mục đích điều trị Basedow bằng iod-131 là làm cho bướu giáp nhỏ lại, đưa chức năng tuyến giáp từ cường giáp trở về bình giáp.

Biện pháp iod-131 được chỉ định với các trường hợp:

  • Sau khi biện pháp điều trị nội khoa không khỏi, bệnh tái phát.
  • Các trường hợp bệnh nhân không thể tiếp tục điều trị bằng nội khoa do dị ứng thuốc, viêm gan, giảm bạch cầu.
  • Bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật hoặc bệnh nhân không có chỉ định điều trị phẫu thuật hoặc tái phát sau phẫu thuật.
  • Bệnh nhân trên 30 tuổi, bệnh tái phát nhiều lần mà không phẫu thuật được.
  • Người lớn tuổi, không có điều kiện điều trị nội khoa lâu dài.
  • Các thể bệnh kháng lại thuốc kháng giáp tổng hợp sau một thời gian điều trị lâu dài.
  • Nguy cơ biến chứng tim mạch,…

Phương pháp iod-131 đạt hiệu quả tối đa sau 8 đến 10 tuần điều trị. Nếu bướu tuyến giáp nhỏ lại, chức năng tuyến giáp trở về bình thường, thì không cần xử trí gì thêm. Bệnh nhân cần tái khám theo dõi định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần theo chỉ định. Nếu sau khi điều trị, bệnh nhân bị nhược giáp thì cần bổ sung hormone tuyến giáp thay thế.

Ở một số bệnh nhân vẫn còn tình trạng cường giáp sau liệu trình điều trị, thì tùy tình trạng cường giáp, mức độ bướu còn to, sẽ có chỉ định điều trị bằng iod-131 cho lần tiếp theo cách 3 - 6 tháng.

Phương pháp iod-131 có thể đưa chức năng tuyến giáp về bình giáp chỉ sau 1 liều điều trị, tránh được những biến chứng của phương pháp phẫu thuật. Nhưng liệu pháp này cũng không điều trị khỏi được bệnh Basedow.

Một số trường hợp sau khi điều trị bằng phương pháp này có gặp biến chứng viêm tuyến giáp, viêm tuyến nước bọt, ứ đọng phóng xạ trong bàng quang, triệu chứng cường giáp tăng lên, bão giáp, liệt dây thanh quản và chứng nhược giáp. Tỷ lệ bệnh nhân suy giáp sau điều trị khá cao 13.3%. Sau mỗi năm điều trị, tỉ lệ này tăng 2.1%. Ngoài ra, điều trị iod-131 cũng có thể làm xuất hiện hoặc làm bệnh lý mắt Basedow nặng lên.

Chống chỉ định điều trị iod -131 cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 18 tuổi, bệnh nhân có bệnh nền suy gan, suy thận, bệnh nhân nhiễm độc giáp mức độ nặng vì có thể gây bão giáp.

Các thuốc trị bệnh Basedow- Ảnh 2.

Mục tiêu chung của điều trị basedow là đưa lượng hormone trở về trạng thái bình giáp, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể gây ra.

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

Bệnh Basedow không thể điều trị trong ngày một, ngày hai mà người bệnh có thể cần dùng thuốc trong 2 năm hoặc nhiều hơn. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nội tiết.

Để tối ưu hiệu quả điều trị của thuốc, người bệnh Basedow nên xây dựng thói quen uống thuốc vào cùng một thời điểm trong các ngày. Các thuốc điều trị Basedow thường được chỉ định uống sau ăn và người bệnh nên uống thuốc sau ăn sáng, trước 8h sáng hàng ngày. Không được tự ý điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa có ý kiến bác sĩ. Cần tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và có những điều chỉnh thuốc phù hợp.

Ngoài ra, nhiều người bệnh Basedow lo lắng khi sử dụng thuốc trị bệnh cường giáp trong thai kỳ. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ được ưu tiên, bởi nếu Basedow không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hại cho cả mẹ và thai nhi. Bác sĩ chuyên khoa nội tiết thường chỉ định hai loại thuốc kháng giáp propylthiouracil và methimazole để kiểm soát tình trạng cường giáp ở phụ nữ mang thai. Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, đảm bảo uống thuốc đều đặn.

Nếu người bệnh có các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, run rẩy… cần điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc ức chế beta giao cảm để giảm bớt triệu chứng. Thông thường nếu bệnh cường giáp đã được kiểm soát bằng thuốc kháng giáp, các triệu chứng này sẽ không còn và người bệnh sẽ không cần dùng thuốc ức chế beta giao cảm.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Những dấu hiệu nhận biết thoái hoá khớp.


BSCKI. Nguyễn Thị Thúy
Phó Chủ nhiệm Khoa Nội Tiết, BV Trung ương Quân đội 108
Ý kiến của bạn