1. Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không?
Theo ThS.BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến sản xuất nhiều hormone giáp hơn bình thường. Hậu quả làm gia tăng nồng độ hormone lưu hành trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa.
Có rất nhiều nguyên nhân gây cường giáp, thường gặp nhất là bệnh Basedow (chiếm khoảng 90%). Ngoài ra, cường giáp có thể là giai đoạn đầu của viêm tuyến giáp mạn tính, bướu đơn nhân, đa nhân độc tuyến giáp, hoặc u tuyến yên tiết TSH…
2. Các phương pháp điều trị bệnh Basedow
ThS.BSNT Phạm Thị Hồng Nhung cho biết, có 3 phương pháp điều trị Basedow bao gồm nội khoa (dùng thuốc), phóng xạ (uống i-ốt 131) và phẫu thuật (mổ) tuyến giáp. Tùy vào từng tình trạng mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và lên phác đồ điều trị phù hợp, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do cường giáp gây ra làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc, cuộc sống.
2.1. Điều trị nội khoa
- Thuốc kháng giáp có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp... nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như phát ban đỏ, nổi mề đay, ngứa…
Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để có phương án khắc phục kịp thời.
- Thuốc chẹn beta giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của cường giáp như run tay, tim đập nhanh, đánh trống ngực, lo lắng… Thuốc được dùng trong giai đoạn đầu của Basedow. Khi bệnh đỡ sẽ giảm dần liều và không được ngừng thuốc đột ngột.
ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung giải đáp thắc mắc về bệnh cường giáp.
2.2. Điều trị bằng i-ốt phóng xạ
Điều trị i-ốt phóng xạ thường chỉ định cho bệnh nhân lớn tuổi, thất bại với điều trị nội khoa, có chống chỉ định với thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc có chống chỉ định với phẫu thuật. Chống chỉ định của điều trị i-ốt phóng xạ với phụ nữ dự định có thai, đang mang thai, đang cho con bú, hoặc lồi mắt nặng.
I-ốt phóng xạ được sử dụng bằng đường uống, thường là trong một viên nang nhỏ chỉ dùng một lần. Khi vào cơ thể i-ốt phóng xạ sẽ phá hủy các tế bào tuyến giáp, kết quả là tuyến giáp thu nhỏ kích thước, nồng độ hormone tuyến giáp trở lại bình thường. Tuy nhiên sau đó thường tiến triển thành suy giáp.
Hầu hết người bệnh được điều trị bằng i-ốt phóng xạ trở thành suy giáp do các tế bào tuyến giáp bị phá hủy dần theo thời gian. Tuy nhiên, so với cường giáp, suy giáp dễ điều trị hơn và ít gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài. Người bị suy giáp hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc hormone tuyến giáp hàng ngày.
Nếu được thăm khám và điều trị đúng cách, bệnh cường giáp có thể ổn định.
2.3. Phẫu thuật tuyến giáp
Điều trị phẫu thuật tuyến giáp thường cho bệnh nhân thất bại với điều trị nội khoa và i-ốt phóng xạ, bướu giáp to, bướu chìm trong lồng ngực hoặc phụ nữ có dự định mang thai cần nhanh chóng đạt trạng thái bình giáp.
Tùy vào từng tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Phẫu thuật này tốt nhất nên được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.
Biến chứng nguy hiểm nhất của phẫu thuật tuyến giáp là suy tuyến cận giáp do vô tình cắt toàn bộ tuyến cận giáp, người bệnh xuất hiện ngay các triệu chứng hạ calci máu cấp tính và cần bổ sung canxi và vitamin D dạng hoạt động suốt đời.
Ngoài ra có thể có các biến chứng khác như liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược… Sau phẫu thuật tuyến giáp, người bệnh có thể đạt trạng thái bình giáp, suy giáp hoặc cường giáp trở lại. Do đó cần tiếp tục thăm khám định kỳ để phát hiện, đánh giá chức năng tuyến giáp nhằm đưa ra những điều trị thích hợp.
Nói tóm lại, điều trị cường giáp đúng cách sẽ giúp người bệnh sớm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, ổn định sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ tiến triển những biến chứng nguy hiểm... Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng điều trị hoặc sử dụng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến chuyên môn. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ điều trị để có những điều chỉnh phù hợp.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Hai loại thực phẩm bị nghi làm tăng đột biến số ca ung thư đại trực tràng