Đây cũng là cơ hội để gắn kết người bệnh, người chăm sóc, nhân viên y tế, cộng đồng, các tổ chức xã hội góp phần nâng cao sức khỏe của người cao tuổi.
Ông Phan Việt Sinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và các dịch vụ y tế, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên. Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2019 những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già". Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, số lượng người mắc sa sút trí tuệ năm 2019 là 55 triệu người. Con số này được dự báo sẽ đạt 82 triệu người vào năm 2030, và 152 triệu người vào năm 2050. Tổng chi phí xã hội toàn cầu cho sa sút trí tuệ năm 2019 là 1.300 tỷ USD và dự báo có thể vượt quá 2.800 tỷ USD vào năm 2030 khi số người bị sa sút trí tuệ và chi phí chăm sóc họ đều tăng lên.
"Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sa sút trí tuệ. Bệnh không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng cũng như toàn xã hội" – ông Sinh nói.
Các hoạt động ghép tranh lụa, gập hoa origami trong Chương trình hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới 21/9/2023 tại BV Lão khoa Trung ương.
GS. Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam kêu gọi tất cả các y bác sĩ, người cao tuổi, tổ chức xã hội, toàn cộng đồng nâng cao hiểu biết về bệnh Alzheimer và mong muốn không một bệnh nhân Alzheimer nào rơi vào quên lãng.
10 dấu hiệu giúp nhận biết sa sút trí tuệ
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám sa sút trí tuệ ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám.
Do đó, PGS. Bình lưu ý 10 dấu hiệu giúp nhận biết sa sút trí tuệ gồm:
- Giảm trí nhớ tăng dần
- Giảm khả năng phán đoán
- Khó khăn hoàn thành các công việc hàng ngày
- Khó khăn trong việc tìm từ khi nói hoặc viết
- Nhầm lẫn về thời gian và địa điểm
- Rút lui dần khỏi các hoạt động xã hội
- Để nhầm vị trí các đồ vật và mất khả năng tìm lại
- Khó khăn trong nhận biết không gian và hình ảnh
- Khó khăn trong lập kế hoạch và giải quyết vấn đề
- Thay đổi cảm xúc và tính cách
Chuyên gia y tế khuyến cáo, những ai hay quên liên tục từ 6 tháng trở lên, nhất là người lớn tuổi, là đối tượng cần được quan sát, chú ý thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để nhận biết và điều trị sớm Alzheimer.
Những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi, nên đi thăm khám thường xuyên vì nguy cơ Alzheimer có thể đến sớm hơn.
Cũng trong Chương trình hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới lần này còn có nhiều hoạt động tập thể giúp người cao tuổi tập luyện trí não và phục hồi chức năng như ghép tranh lụa, gập hoa origami; triển lãm tranh do người mắc sa sút trí tuệ thực hiện và khám sàng lọc phát hiện sớm sa sút trí tuệ tại Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và Sa sút trí tuệ của bệnh viện.