Ngày 14/12, UBND huyện Tuyên Hóa có văn bản yêu cầu các xã trên địa bàn tăng cường kiểm tra, rà soát công tác chi trả trợ cấp cho người có công và bảo trợ xã hội.
Nội dung công văn nêu rõ, thời gian qua, công tác chi trả trợ cấp cho người có công và bảo trợ xã hội hưởng chế độ cho người được hưởng trên địa bàn cơ bản được giải quyết đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, qua nắm tình hình từ cơ sở vẫn còn xảy ra sai sót, chưa đảm bảo.
"Để công tác chi trả trợ cấp đảm bảo đúng, đầy đủ theo quy định, UBND huyện Tuyên Hóa yêu cầu các địa phương theo dõi thường xuyên các đối tượng được quản lý tại địa phương, để cắt giảm kịp thời khi đối tượng hưởng trùng chế độ, qua đời hay đi khỏi địa bàn.Tăng cường theo dõi, giám sát bưu điện, trong việc chi trả trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng tại địa phương", trích nội dung văn bản UBND huyện Tuyên Hóa gửi cho các địa phương.
Văn bản nhấn mạnh cần thông tin cho các đối tượng, gia đình các đối tượng hiểu rõ hơn về chế độ mình đang hưởng để biết rõ số tiền được nhà nước trợ cấp hàng tháng nhằm tránh việc chi trả sai sót, trục lợi và đối tượng nhận sai số tiền trợ cấp hàng tháng theo quy định.
UBND huyện Tuyên Hóa cũng đề nghị các xã, thị trấn trong huyện khẩn trương phối hợp với cơ quan bưu điện rà soát lại công tác chỉ trả chế độ trợ cấp người có công và bảo trợ xã hội cho các đối tượng tại địa phương trong thời gian qua, báo cáo nhanh về UBND huyện.
Như Báo Sức khỏe và Đời sống phản ánh, nhiều hộ dân tại xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tố cáo nhân viên Bưu cục Minh Cầm (xã Phong Hóa) có hành vi bất minh với khoản trợ cấp hàng tháng của người chăm sóc đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng.
Đại diện các gia đình được hưởng hỗ trợ làm đơn gửi tới chính quyền địa phương trình bày sự việc.
Chị Trần Thị Hồng Lê, công chức Văn hóa – Xã hội xã cho biết, khi hoàn thiện hồ sơ và gọi điện thoại tới người dân thì phát hiện việc nhân viên bưu điện phát tiền trợ cấp "thiếu" cho 14 hộ với các mức tiền từ 180 đến 720 ngàn đồng. Tổng số tiền bị phát thiếu là hơn 5 triệu đồng.
Sau khi phát hiện sự việc, tập thể các hộ dân tạo điều kiện để nhân viên bưu điện tên Trường nhận lỗi, khắc phục khoản tiền đưa thiếu, nhưng người này không chấp nhận. Khi người dân có đơn tố cáo thì anh Trường mới tới một số hộ để xin lỗi và gửi lại tiền.
Nắm sự việc, lãnh đạo UBND xã Phong Hóa chỉ đạo cán bộ tiếp nhận, xử lý. Địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Sau khi ghi nhận sự việc, lãnh đạo bưu điện trực tiếp đến từng nhà dân để xin lỗi, đồng thời yêu cầu ông Trường trả lại đầy đủ số tiền còn thiếu. Bưu điện tỉnh Quảng Bình thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời ra quyết định buộc thôi việc với nhân viên bưu điện tên Trường có hành vi sai trái.